“Đất vàng” 90 Nguyễn Tuân về tay Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thắng như thế nào?

Trần Kháng Thứ ba, ngày 27/08/2019 12:00 PM (GMT+7)
Từ mục tiêu ban đầu là xây dựng khu nhà ở nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên, đến nay, dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân do Urinco 7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng được rao bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/m2, thậm chí, nhà liền kề lên có giá lên tới 220 triệu đồng/m2. Mức giá chào bán này dự cao gấp nhiều lần so với đồng lương công nhân công ty trên.
Bình luận 0

Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) của ông Nguyễn Mạnh Thắng làm chủ đầu tư. Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến mục đích thực của dự án này là nhà ở cho cán bộ, công nhân viên hay nhà ở thương mại? 

img

Dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) của ông Nguyễn Mạnh Thắng làm chủ đầu tư. 

“Đất vàng” công nghiệp thành nhà ở

Hiện tại, gần trăm nhà liền kề đã được xây dựng và đi vào sử dụng với giá thị trường căn liền kề ở đây vào khoảng 220triệu đồng/m2 đã làm sổ đỏ. 2 toà nhà chung cư với gần 1.000 căn hộ đang trong giai đoạn hoàn thiện, giá bán hơn 30 triệu đồng/m2.

Theo tài liệu dự án, ngày 24/12/2015, Urinco7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng có tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. 6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình số 14545/TTr/SXD về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ngày 20/01/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên.

img

Khu nhà liền kề dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân đang rao bán trên thị trường hơn 200 triệu đồng/m2. 

Tiếp đó, ngày 03/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án này.

Trong đó, mục tiêu đầu tư: “Xây dựng khu nhà ở nhằm cải thiện nhu cầu và điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty”; Cụ thể hoá tổng thể mặt bằng quy hoạch 1/500 đã được duyệt, khớp nối đồng bộ hạ tầng…

img

2 khối toà nhà chung cư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân được điều chỉnh tăng tầng so với quyết định chấp thuận chủ trương trước. 

Tuy nhiên, ngày 22/06/2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Quyết định số 3726/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Nội dung điều chỉnh đáng chú ý là, từ 21 tầng lần 1 lên 29 tầng lần 2 với độ cao từ 80,5m lên 110m, từ 2 tầng hầm lên 3 tầng hầm của khối chung cư. Điều chỉnh tiến độ từ quý I/2017 lên quý I/2020 hoàn thành dự án.

Việc UBND TP.Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được căn cứ theo đề nghị của Urinco7 và căn cứ theo ý kiến thẩm định tại Văn bản số 520/STC-TCĐT của Sở Tài chính ngày 23/01/2017; Văn bản số 821/SXD-PTĐT của Sở Tài chính ngày 24/01/2017; Báo cáo thẩm định số 166/BC- KHDT ngày 14/02/2017, và số 798/BC- KHDT ngày 08/06/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 07/7/2017, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379-QĐ/UBND về việc thu hồi 37.062,2m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 của ông Nguyễn Mạnh Thắng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Ngày 08/12/2017, Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án trên.

Trước khi quy hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 1998, TP. Hà Nội có hơn 900ha đất các khu công nghiệp và điểm công nghiệp nhỏ lẻ. Từ đầu những năm 2000, Hà Nội đã có chủ trương di dời các khu công nghiệp, điểm công nghiệp ra ngoại thành để khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất lượng sống của người dân. 

Có dấu hiệu trục lợi?

Năm 2012, Luật Thủ đô ban hành, quy định rất rõ: “Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp…, được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”.

img

Quanh dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân là hàng loạt toà chung cư cao tầng. 

Thế nhưng, đến cuối năm 2014, trong Quyết định “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội” cũng nêu rõ sẽ từng bước di dời cơ sở công nghiệp, kho tàng gây ô nhiễm môi trường và cơ sở đào tạo, y tế, cơ quan không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội đô.

Ngoài ra, quy chế này nhấn mạnh, cần phải đưa ra các “vùng cấm” không cho xây dựng cao tầng hậu di dời. Tuy nhiên, từ chủ trương cách đây hàng chục năm, đến khi có Luật Thủ đô để hiện thực hóa chủ trương này, có hướng dẫn bằng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thì Hà Nội vẫn không thực hiện được.

Theo các chuyên gia quy hoạch nhận xét, thực trạng hiện nay của công tác quy hoạch là còn phức tạp và có chồng lấn. Có những điều chỉnh cục bộ trái quy hoạch chung được chi phối bởi lợi ích ngầm.

“Quá trình cách làm có vấn đề, chủ đầu tư tự đề xuất rồi thành phố phê duyệt nhưng Hà Nội thiếu sự kiên quyết. Mà chủ đầu tư đề xuất thì bao giờ cũng phải có lợi nhiều nhất cho họ”, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Hà Nội, nhận xét.

img

Mật độ giao thông trước dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân thường xuyên quá tải, ùn tắc. 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên) cho biết, Luật Thủ đô được thông qua vào năm 2012 và đã có hiệu lực được 8 năm. Một trong những việc không thực hiện được, mặc dù luật đã quy định là việc di dời trụ sở các bộ, ngành. Theo quy định của Luật Thủ đô, quy đất sau khi di dời các trụ sở, nhà máy, xí nghiệp sẽ được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế sau di dời thì phần lớn biến thành chung cư cao tầng, ít có công trình công cộng, phục vụ người dân. 9 cơ quan, bộ ngành đã được bố trí quỹ đất di dời nhưng lại có đến 7 cơ quan giữ lại trụ sở cũ và chuyển đổi sang xây dựng chung cư cao tầng, không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng.

Ngoài ra cũng chưa thấy có cơ sở giáo dục nào di dời ra ngoài nội thành. “Tất cả thực trạng trên đã tạo ra sức ép về hạ tầng, dẫn số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra khi thực hiện việc di dời các nhà máy, xí nghiệp, trụ sở bộ, ngành”, bà Dung nói đồng thời đề nghị làm rõ vấn đề trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem