Tôi viết bài báo này từ cuối tháng 8 khi được mời đi thăm nhà máy mới của Vsmart tại Hòa Lạc (Hà Nội). Khi ấy chúng tôi là những người đầu tiên tận mắt thấy nhà máy sản xuất điện thoại với công suất 23 triệu sản phẩm/năm và nhà máy sản xuất ti vi còn đang xây dựng. Vậy mà chỉ 3 tháng sau, mọi thứ đã hoàn thành và đi vào sản xuất hàng loạt. Mới đây, ngày 23/11/2019, Vsmart tiếp tục đưa vào hoạt động Giai đoạn 1 Tổ hợp nhà máy sản xuất điện thoại và các thiết bị điện tử thông minh có quy mô và mức độ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á. Vingroup đang nỗ lực không ngừng để cho ra đời “một thương hiệu quốc gia nữa cho Việt Nam”, nói như Ủy viên BCT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Lễ khánh thành.
1.
Hà Nội đón tôi và vài người bạn bằng những cơn mưa nối tiếp nhau cho đến tận đường rẽ vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Người Vingroup thông báo với cả nhóm: “Chúng ta là những người đầu tiên bước chân vào nhà máy mới. Nhà máy ở Hòa Lạc sẽ lớn hơn, có nhiều điểm mới so với lúc nhà máy đặt tạm ở dưới Hải Phòng”. Nghe vậy, biết vậy…
Nhà máy 1 của VinSmart vừa chính thức khánh thành có công suất là 26 triệu máy/ năm.
Viết về lĩnh vực công nghệ hơn 20 năm, được đặt chân đến nhiều nhà máy sản xuất hàng điện tử của nhiều thương hiệu lớn trong và ngoài nước, hồi đến nhà máy VinSmart còn đặt ở Đình Vũ (lúc đó đâu có nghe nói là đặt tạm) vào cuối năm ngoái (2018) đã thấy phục ông chủ Vingroup chịu chơi, đầu tư nhà máy thiệt là to với những dây chuyền sản xuất hiện đại.
Xét về hình thức, nhà máy VinSmart ở Hải Phòng cũng “một chín một mười gì đó” so với những nhà máy sản xuất của những thương hiệu lớn nhất nhì thế giới. Dạo nhà máy một vòng, tôi gặp ông Mai Liêm Trực nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện, rồi là thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, hỏi cảm xúc của ông về nhà máy. Ông Trực nói: “Chuyện tương lai của họ như thế nào, cần có thời gian kiểm chứng. Còn hiện tại, là nhà quản lý lĩnh vực này, tôi sẵn sàng nói rằng, đây là nhà máy lớn nhất của doanh nghiệp Việt từ trước đến nay tại Việt Nam. Tôi tin họ làm ăn đàng hoàng nên mới đầu tư lớn như vậy. Theo tôi, điều đáng nói hơn là họ đã tập hợp được đội ngũ có tay nghề”. Tôi tin là ông nói thật, không hề có chuyện xã giao mà nói cho mát dạ chủ nhà. Tôi hiểu tính ông Trực.
2.
Ai cũng thừa nhận là ông chủ Vingroup chịu đầu tư dự án nhà máy sản xuất thiết bị điện tử mang tên VinSmart. Với tôi, nhiều tiền là chuyện đã đành nhưng ở đó còn có sự quyết tâm “cao hơn núi”. Bước chân vào nhà máy mới của VinSmart ở Hòa Lạc, tạm gọi là nhà máy 1, ngẫm điều mình nghĩ là đúng.
Theo lời ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Khối Sản xuất của nhà máy VinSmart tại Hòa Lạc, tốc độ xây dựng nhà xưởng đã nhanh, nhưng chưa nhanh bằng khi chuyển toàn bộ máy móc từ Đình Vũ về Hòa Lạc, rồi hoàn thiện nhà máy chưa đầy 2 tháng! Một kỷ lục của Việt Nam.
Nhà máy 1 với hai phân xưởng, có công suất là 26 triệu máy/ năm. Hiện hai phân xưởng này đã “chạy ngon lành”. Kiên cho biết, ở phân xưởng A, lượng công nhân nhiều hơn. “Còn ở phân xưởng B, vì mức độ tự động cao, nên mỗi dây chuyền chỉ cần dăm ba lao động để giám sát. Quy trình sản xuất đã có robot lo rồi”, ông Kiên nói. Ở phân xưởng B, ngoài dây chuyền sản xuất smartphone, như lời ông Kiên còn có những trung tâm sản xuất phụ kiện, như camera, mặt kính, khuôn vỏ…
3.
Nhưng cách làm của VinSmart hôm nay không chỉ là sản xuất như hồi còn ở Đình Vũ mà là đầu tư vào những hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ của những nhóm sản phẩm mà nhà máy đã, đang và sẽ sản xuất. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Trung tâm phát triển thiết bị di động (Viện Nghiên cứu Thiết bị di động, trực thuộc VinSmart) cho biết, hiện viện có 4 trung tâm với hơn 500 kỹ sư. Thật bất ngờ, không chỉ có người Việt mà ở viện này còn có 22 chuyên gia nước ngoài, đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (phần cứng), Ấn Độ (phần mềm)… Nếu xét về quy mô của một doanh nghiệp Việt “chân ướt chân ráo” bước vào cuộc chơi sản xuất hàng công nghệ, đây là lực lượng hùng hậu. Theo ông Trực, “đây là nguồn tài sản có giá trị lớn nhất của Vingroup”.
Họ làm nhiều việc lắm, như lời chia sẻ của ông Đăng Khoa. Khi nhận kế hoạch của nhóm nghiên cứu thị trường, hơn 500 kỹ sư của Viện sẽ bắt tay vào những công việc đầu tiên: thiết kế sản phẩm chung, thiết kế cơ khí, layout mạch – đo lường, lựa chọn linh kiện… “Mất gần 2 tháng mới ra sản phẩm thử nhưng từ khâu này đến khi sản xuất chính thức còn là quá trình phức tạp, tốn thời gian và tốn tiền: phần mềm, kiểm tra chất lượng, phải sản xuất nhiều lần. Có những sản phẩm đặc biệt như smartphone 5G, ngoài việc tự nghiên cứu, muốn ra sản phẩm, VinSmart phải hợp tác với nhiều đối tác mới đáp ứng tiến độ thời gian ra sản phẩm mới”, ông Khoa chia sẻ thêm. Khoa tiết lộ, dòng sản phẩm Live 3 chuẩn bị ra mắt là sản phẩm đầu tiên do đội ngũ kỹ sư của Viện thiết kế, từ mẫu mã cho đến mainboard, trừ một vài linh kiện phải mua từ các đối tác như chip của Qualcomm, hay camera từ Sony…
Nghe kể, tưởng chừng những phần việc đó đơn giản nhưng buổi chiều đến khối R&D đặt tại trụ sở làm việc của Công ty, tận mắt chứng kiến, mới thấy đó là những phần việc hết sức phức tạp và căng thẳng. Kỹ sư Tây – Ta cắm mặt vào máy tính. Có trao đổi với nhau nhưng âm lượng vừa đủ nghe…
Thành lập từ tháng 2.2019, tính đến nay, Viện Nghiên cứu Thiết bị di động đã làm được nhiều việc. Vì họ có kinh nghiệm. 70% kỹ sư có tuổi nghề từ 3 – 6 năm. Gần 30% còn lại là kỹ sư, chuyên gia có tuổi nghề từ 7 năm trở lên. Có nhiều người đã từng làm việc cho các tập đoàn nước ngoài, nghe VinSmart tuyển dụng, về làm cho doanh nghiệp Việt. Ít nhất cuộc sống của họ bằng hoặc hơn…
Bên trong nhà máy hiện đại VinSmart.
4.
Cuối buổi “cỡi ngựa xem bông”, tôi hỏi Khoa: “Phức tạp, tốn kém con người và tiền của như vậy, sao không nhập linh kiện về lắp ráp cho nhanh, lại đỡ nhức đầu?”. Khoa cười: “Ngoài chuyện sản xuất hàng hóa theo mục tiêu kinh doanh riêng, VinSmart còn tính chuyện xa hơn, đó là sản xuất cho những khách hàng trong và ngoài nước có nhu cầu. Đó là hướng đi chính của VinSmart sẽ làm trong những năm tới. Đầu tư nhà máy công suất 125 triệu sản phẩm/ năm chính là thực hiện mục tiêu đó”.
Trước mắt đã thấy smartphone do chính đội ngũ kỹ sư VinSmart thiết kế. Loáng thoáng vài mẫu smartTV dạng “sample” (sản phẩm thử nghiệm) tại trung tâm R&D… và còn nhiều sản phẩm khác nữa như lời ông Khoa khi chia sẻ về “lộ trình phát triển sản phẩm” của VinSmart đến đầu năm 2020.
Họ có khát vọng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.