Chiến tranh Mỹ-Trung nổ ra vì Triều Tiên sẽ hết sức khó lường. Ảnh minh họa.
Tác giả Kyle Mikozami mới đây có bài phân tích trên tạp chí National Interest, nhận định về nguy cơ nổ ra chiến tranh Mỹ-Trung Quốc vì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Cây bút Mikozami nhận định, Triều Tiên hiện là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới, nhưng không theo cách mà mọi người thường nghĩ. Viễn cảnh đáng sợ nhất không phải là việc Triều Tiên gây chiến bằng vũ khí hạt nhân, mà là một khi nước này bất ổn, Mỹ và Trung Quốc dù không muốn những cũng sẽ bị kéo vào một cuộc chiến tranh.
Vai trò quan trọng của Triều Tiên
Xét về mặt địa lý, Triều Tiên nằm giữa hai giới tuyến chiến lược. Nước này giáp biên giới Trung Quốc và Bắc Kinh luôn muốn duy trì một Triều Tiên thân thiện để đảm bảo an ninh khu vực.
Đường biên giới Trung Quốc hiện nay ở trong tình trạng an toàn hơn hàng ngàn năm trước, và Bắc Kinh muốn duy trì điều này. Sự bất ổn dọc đường biên giới kéo dài 1.416km giữa Trung Quốc và Triều Tiên là điều Bắc Kinh không hề mong muốn.
Giới tuyến thứ hai là vấn đề thể chế hai miền Triều Tiên và quan hệ của nước này với Mỹ. Bình Nhưỡng luôn đe dọa sẽ thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực, và điều này đã góp phần vào việc thành lập liên minh chiến lược Mỹ-Hàn Quốc.
Để đối phó với sức mạnh áp đảo của Mỹ, Triều Tiên kiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân và đang nâng cấp các phương tiện vũ khí, từ tên lửa tầm xa đến tàu ngầm mang tên lửa.
Tên lửa Triều Tiên trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng.
Tác giả Mikozami cho biết, GDP của Triều Tiên chỉ bằng khoảng ¼ của Ethiopia. Thậm chí vào thời điểm thuận lợi nhất, Triều Tiên gặp khó khăn trong việc cải thiện đời sống của người dân.
Nếu Triều Tiên mất kiểm soát, khả năng thiệp quân sự sẽ là điều không thể tránh khỏi, tác giả Mikozami nhận định.
Không một thế lực nào trong khu vực có thể ngồi yên đến lúc vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được sử dụng, và cũng không ai thực sự biết rằng nước này sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân.
Sự bất ổn có thể khiến hàng triệu người Triều Tiên bỏ chạy sang Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Nếu viễn cảnh đó xảy ra, Trung Quốc can thiệp quân sự vào Triều Tiên là điều gần như chắc chắn.
Đồng thời, Trung Quốc cũng không chấp nhận việc quân đội Mỹ tiến vào Triều Tiên. Hàn Quốc không có đủ năng lực quân sự để giải quyết tất cả các tình huống bất ngờ. Khi đó, Mỹ tăng cường sức mạnh đến Triều Tiên là cần thiết, tác giả Mikozami nhận định.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đã can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Trong trường hợp Triều Tiên gặp rắc rối, trừ khi Mỹ và Trung Quốc có thỏa thuận trước, còn nếu không, kịch bản đối đầu quân sự chắc chắn, tác giả Mikozami phân tích.
Kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung
Binh sĩ Trung Quốc trong một cuộc diễn tập đổ bộ.
Nếu xung đột nổ ra, Mỹ sẽ đưa lực lượng vào Đông Á, còn Trung Quốc sẽ cố gắng để ngăn chặn Mỹ.
Viễn cảnh này sẽ phát huy những điểm mạnh mà cả hai phía đã phát triển trong suốt thập kỷ qua. Một bên với khả năng xâm nhập đáng kể, còn một bên lại chuyên về khả năng chống tiếp cận.
Về phía Trung Quốc, quân đội nước này sẽ cố gắng khóa chặt lối vào Đông Á, trong khi đưa bộ binh vào phòng thủ Triều Tiên.
Các tên lửa đạn đạo chống hạm như DF-21D sẽ là thứ vũ khí khiến đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ phải giữ khoảng cách an toàn.
Các tên lửa tầm trung như DF-26 sẽ tấn công các căn cứ không quân và hải quân ở đảo Guam, tấn công căn cứ không quân Andersen và các cơ sở hải quân của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trung Quốc cũng có thể tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, đặc biệt là căn cứ trên đảo Okinawa, căn cứ hải quân ở Sasebo, tàu sân bay và các tàu mặt nước ở căn cứ hải quân Yokosuka và căn cứ không quân Misawa.
Minh họa cảnh tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D tấn công tàu sân bay Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ sẽ cố gắng huy động lực lượng phản công, chạy đua với Trung Quốc trong việc kiểm soát tình hình trên bán đảo Triều Tiên, tác giả Mikozami nhận định.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Guam sẽ giúp bảo vệ hòn đảo này khỏi các tên lửa đạn đạo. Khẩu đội PAC-2 và PAC-3 sẽ giúp bảo vệ các căn cứ, các thành phố và các mục tiêu chiến lược trước tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến sang Triều Tiên và thực hiện các cuộc đổ bộ từ bờ biển. Lực lượng hải quân và không quân Triều Tiên khá hạn chế và trang thiết bị lạc hậu nên vai trò phòng thủ, ngăn chặn liên minh do Mỹ dẫn đầu hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
Điều nguy hiểm nhất trong cuộc xung đột Mỹ-Trung là khả năng Mỹ tấn công vào Trung Quốc đại lục. Giới quân sự cho rằng, hành động này sẽ là cần thiết để chấm dứt mối đe dọa tên lửa đạn đạo và cho phép quân đội Mỹ có thêm thời gian.
Tác giả Kyle Mikozami kết luận, chiến tranh Mỹ-Trung nếu xảy ra sẽ hết sức khó lường. Đó sẽ là một cuộc chiến nguy hiểm, thậm chí có thể bao gồm cả nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Do đó, hai nước cần phải đạt được những thỏa thuận trong vấn đề Triều Tiên, xây dựng khuôn khổ hợp tác, tránh tình huống bất ngờ có thể dẫn đến đụng độ quân sự.
Khi một cường quốc mới nổi đe dọa soán ngôi một cường quốc đang thống trị, kết cục sẽ không hề êm ả một chút...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.