Vũ khí Nga vượt qua mọi 'mưu hèn kế bẩn'

Thứ sáu, ngày 02/03/2018 11:30 AM (GMT+7)
Ngoại trưởng Nga cho rằng Mỹ sử dụng biện pháp trừng phạt là cạnh tranh "không trung thực và hèn hạ" hòng hất cẳng Nga khỏi thị trường vũ khí thế giới.
Bình luận 0

Chương trình mới của Nga

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin mới đây cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê chuẩn chương trình vũ khí quốc gia mới giai đoạn 2018-2027. Chương trình này dự kiến được thông qua năm 2016, nhưng năm 2014 do giá dầu giảm mạnh nên chính phủ không thể đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô chính xác.

Theo ông Rogozin, trong những tháng gần đây dự thảo chương trình vũ khí quốc gia đã được điều chỉnh trên dữ liệu nhận được trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, trong đó có đánh giá toàn bộ vũ khí và các trang thiết bị kỹ thuật quân sự trong điều kiện tác chiến, đánh giá hiệu quả của các hệ thống vũ khí mới trong những điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ, bụi.

img

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin

Chương trình vũ khí quốc gia mới sẽ có tổng chi phí khoảng 19 nghìn tỉ ruble (tương đương 340 tỉ USD) dành cho trang bị vũ khí và 1 nghìn tỉ ruble (18 tỉ USD) để đồng bộ hóa vũ khí.

Đây là chương trình trung hạn trang bị mới cho quân đội dựa trên đánh giá những nguy cơ an ninh quốc gia. Chương trình do Bộ Quốc phòng và Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga cùng soạn thảo.

Trong khi đó, trang mạng của Kênh truyền hình "Nước Nga ngày nay" cũng dẫn thông báo của Phó Thủ tướng Rogozin cho biết trọng tâm của chương trình mới này sẽ là phát triển hệ thống robot, vũ khí có độ chính xác cao và sức mạnh ngăn chặn hạt nhân.

Ngoài ra, theo ý kiến của các chuyên gia, chương trình này còn dành sự quan tâm lớn cho lực lượng bộ binh và đổ bộ.

img

Nga tiếp tục đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân đội

Chương trình vũ khí quốc gia mới được điều chỉnh dựa trên các dữ liệu ở mặt trận Syria, nghĩa là thông qua đánh giá toàn diện về hiệu quả cũng như nhiều thông số khác có liên quan đến điều kiện khí hậu, tự nhiên của khu vực.

Phó Thủ tướng Rogozin nói: “Tổng cộng có hơn 200 loại vũ khí và thiết bị. Công nghệ robot, hệ thống thông minh, các thiết bị không người lái do thám và tấn công, bảo vệ máy bay khỏi các đám cháy... tất cả đều có trong chương trình vũ khí quốc gia mới”.

Một trong những hướng quan trọng được đặt ra đối với chương trình vũ khí quốc gia mới là phát triển các loại vũ khí có độ chính xác cao. Theo ông Rogozin, chương trình này sẽ mang đến “sự đáp trả thích hợp” cho việc triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao phi hạt nhân chiến lược.

Có thể kể đến việc sản xuất và chuyển giao cho lực lượng vũ trang Nga các máy bay ném bom được hiện đại hóa Tu-95 và Tu-160, hệ thống phòng không S-500, tiêm kích Su-57 và Mig-35 cũng như dự án tàu ngầm Borei-B.

img

Su-57 đã được Nga đưa sang Syria tham chiến

Ngoài ra, cho tới trước năm 2028, quân đội Nga sẽ nhận được tổ hợp tên lửa RS-26 và tổ hợp tên lửa RS-28. Ưu tiên của chương trình là phát triển hệ thống đánh chặn hạt nhân. Chương trình cũng có kế hoạch đáp ứng 70% thị phần vũ khí hiện đại trong quân đội Nga trước năm 2021.

Dù đặt mục tiêu đầy tham vọng, song giới chức Nga cũng thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót của chương trình vũ khí quốc gia trước đó. Trong vài thập kỷ, vũ khí mới của lực lượng vũ trang Nga không có tính thực tế, trong khi việc phát triển các thiết bị quân sự trong nước bị gián đoạn.

Ví dụ, dự án tàu khu trục nhỏ “Đô đốc Gorshkov” - bước đi thử nghiệm đổi mới về kỹ thuật nằm trong Chương trình vũ khí quốc gia cũ đến năm 2020 - đang bị trì hoãn.

Phó thủ tướng Nga Rogozin cho biết tình trạng tương tự sẽ không xảy ra trong chương trình vũ khí quốc gia mới.

Hệ thống lên kế hoạch trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự đã được hình thành từ thời Liên Xô trước những năm 1970. Đó là “Chương trình vũ khí” giai đoạn 10 năm, và trên cơ sở này lại có các kế hoạch giai đoạn 5 năm, và chương trình vũ khí quốc gia dài hạn đầu tiên đã được thông qua cho giai đoạn từ năm 1976-1985.

Chương trình vũ khí quốc gia đầu tiên thời kỳ hậu Xô Viết được thông qua năm 1996 và có thời hạn đến năm 2005. Sự bất ổn về kinh tế, giảm chi tiêu chính phủ cho quốc phòng đã làm thất bại chương trình này.

Số phận tương tự xảy ra với chương trình vũ khí tiếp theo ở giai đoạn 2001-2010 với số tiền vào khoảng 2.500 tỷ ruble.

img

Một số mẫu robot chiến đấu của Nga

Theo các chuyên gia, chương trình vũ khí quốc gia sau đó cho giai đoạn 2007-2015 thành công hơn, với ngân sách khoảng 5.000 tỷ ruble. Chương trình đã không được thực hiện đầy đủ nhưng chính trong giai đoạn này, ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng đã bắt đầu tăng lên.

Năm 2010, Tổng thống Nga cũng ký sắc lệnh thông qua chương trình vũ khí tiếp theo đến năm 2020 với tổng nguồn kinh phí chi cho quốc phòng vào khoảng 20.700 tỷ ruble, trong đó 19.400 tỷ ruble được chi cho nhu cầu của Bộ Quốc phòng.

Việc chỉnh sửa và thông qua chiến lược mới đã được tiến hành vào năm 2016, và sau đó là vào năm 2018. Dù nguồn kinh phí dự toán cho chương trình mới tương đối "khủng", giới chuyên gia vẫn cho rằng với khoản 20.000 tỷ ruble được phân bổ trong chương trình vũ khí quốc gia trước đó thì việc cấp kinh phí cho chương trình mới này đã giảm, đặc biệt nếu tính đến cả yếu tố lạm phát.

img

Vũ khí hạt nhân, trong đó có các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vẫn là trọng tâm trong chương trình vũ khí mới của Nga

Theo đánh giá của các chuyên gia, chương trình vũ khí quốc gia hiện tại (đến năm 2020) là một trong những chương trình thành công nhất của thời kỳ hậu Xô Viết. Khi chương trình được thông qua thì tỷ lệ vũ khí hiện đại trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga chiếm khoảng 20%, đối với các lực lượng nói chung thì con số này không vượt qua 10%. Đồng thời, trong các đội quân hàng đầu thế giới thì tỷ lệ vũ khí mới cũng chỉ chiếm 30-50%.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ công nghệ hiện đại trong lực lượng vũ trang Nga đã tăng lên 59% - con số được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nêu lên hồi tháng 11.2017 tại một trường Đại học của Bộ Quốc phòng.

Một tiêu chí quan trọng là việc thực hiện các yêu cầu quốc phòng, vốn trong 5 năm gần đây được thực hiện ở mức 90%.

Bộ ba hạt nhân của Nga được tái vũ trang chuyên sâu cao nhất với tỷ lệ vũ khí hiện đại đạt tới 79%. Tới năm 2021, sức mạnh hạt nhân chiến lược trên đất liền cần phải hiện đại hóa lên 90%.

Vượt "mưu hèn, kế bẩn"

Đáng chú ý, trước khi Tổng thống Putin phê chuẩn chương trình vũ khí quốc gia mới, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma quốc gia Nga (Hạ Viện) Vladimir Shamanov cho biết Nga đã thử hơn 200 mẫu vũ khí mới tại Syria.

Phát biểu tại phiên họp Duma, ông Shamanov nhấn mạnh rằng số vũ khí trên được Nga hỗ trợ cho Syria. Sau khi thử nghiệm thành công, Nga đã cho cả thế giới thấy được tính hiệu quả của tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình. Không phải ngẫu nhiên mà hiện này nhiều khách hàng trên khắp thế giới, trong đó có không ít quốc gia không phải là đồng minh của Moscow, đã tìm mua vũ khí của Nga.

Theo ông Shamanov, bất chấp những nỗ lực đe dọa từ phía Mỹ, Nga đang tiếp tục mở rộng hợp tác kỹ thuật quân sự với châu Âu, trong đó có Đức và khu vực Balkan.

img

Máy bay chiến đấu của Nga hạ cánh tại Syria

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố rằng theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ, các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ luật “Về chống các đối thủ của Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt” (CAATSA) đã khiến tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga thiệt hại gần 3 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2.8.2017 đã ký luật CAATSA nhằm chống Nga, Iran và Triều Tiên. Mùa Thu năm 2017, chính quyền Mỹ đã công bố danh sách cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực quốc phòng và do thám của Nga, nếu tiến hành giao dịch nhiều với những đối tượng trong danh sách này có thể bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Luật này bắt đầu được thực hiện ngày 29.1.2018.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết CAATSA sẽ là nhân tố kiềm chế đối với những doanh nghiệp và cá nhân mong muốn ký hợp đồng với các công ty của Nga, và đã khiến lĩnh vực quốc phòng Nga bị thiệt hại hàng tỷ USD.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng luật trên của Mỹ nhằm chống tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga là sự cạnh tranh "không trung thực và hèn hạ, là mưu toan hất cẳng Nga ra khỏi thị trường vũ khí thế giới".

img

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng trước xe chiến đấu BMPT-72 Terminator 2 của Nga tại căn cứ Hmeimim, Syria hồi tháng 6.2017

Bên cạnh đó, Washington nỗ lực thuyết phục các nước Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi từ chối mua vũ khí và kỹ thuật quân sự của Nga, và hứa bù đắp sự thiếu hụt bằng các sản phẩm tương đương của Mỹ.

Mới đây nhất, ngày 28.2, một khách hàng vũ khí lớn của Nga là Indonesia đã tiếp nhận 24 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon từ Mỹ.

Lễ chuyển giao và tiếp nhận máy bay diễn ra tại căn cứ không quân Iswahyudi ở Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia. Chứng kiến buổi lễ có Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu và Đại sứ Mỹ tại Indonsia Joseph Donovan.

F-16 Fighting Falcon là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng do General Dynamics và Lockheed Martin phát triển cho Không quân Mỹ. Sự linh hoạt và giá thành không quá cao là những lí do hàng đầu dẫn tới thành công của F-16 trên thị trường xuất khẩu, và hiện máy bay này hoạt động tại 24 quốc gia.

F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Dù không còn được sản xuất cho Không quân Mỹ, loại máy bay này vẫn được chế tạo để xuất khẩu.

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem