Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Công an Hà Nội điều tra việc bao cao su nổi trắng Hồ Tây; Nghi án Chủ tịch xã lộ ảnh “nóng” với cấp dưới; Ông Đoàn Ngọc Hải "phản pháo" ý kiến xe đoàn kiểm tra gây kẹt xe...
Tổng cục đường bộ: "Không thể nói đã đóng phí bảo trì thì miễn phí BOT"
Nhiều tuyến đường hư hỏng cần được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh minh họa: VNE
Xem thêm: Nằm trong phần đầu tư nâng cấp để tính vào gói thu phí nhưng quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy vẫn còn nhiều ổ gà, mặt đường lồi lõm.
Cả nước có 8.000 km đường BOT, trong khi đó có tới 23.000 km quốc lộ và hơn 500.000 km đường địa phương.
Tại hội nghị về quỹ bảo trì đường bộ ngày 26.9, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, mỗi năm các tuyến đường trên toàn quốc cần số vốn 23.000 tỷ đồng để duy tu sửa chữa, song nguồn thu của quỹ bảo trì đường bộ mới đạt 45% nhu cầu.
Cụ thể, cả nước có 8.000 km đường được đầu tư theo hình thức BOT nên việc nâng cấp do nhà đầu tư chi trả; còn 23.000 km quốc lộ và hơn 500.000 km đường địa phương do nguồn quỹ bảo trì đường bộ chi trả.
"Như vậy, chủ phương tiện không thể nói đã đóng phí bảo trì thì không cần đóng phí BOT, vì số km đường BOT là rất nhỏ trên tổng số km đường cần nâng cấp", ông Huyện nói và cho biết hàng năm ngân sách nhà nước vẫn phải bổ sung thêm để sửa chữa đường vì nguồn vốn quỹ bảo trì không đủ.
Phí bảo trì đường bộ được thu trên đầu phương tiện ôtô hàng năm để duy tu sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường do nhà nước quản lý. Năm 2013, Quỹ bảo trì bảo trì đường bộ thu được 5.400 tỷ đồng, năm 2016 đạt 6.300 tỷ đồng và dự kiến năm 2017 sẽ đạt 7.000 tỷ đồng. Nguồn chi cho công tác bảo trì quốc lộ năm 2013 là 5.000 tỷ đồng, năm 2016 là 7.600 tỷ đồng, năm 2017 là 8.200 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, Tổng cục đường bộ Việt Nam đã xử lý 1.031 cầu yếu; xử lý điểm 614 điểm đen, bổ sung, thay thế 13.000 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa 76 triệu m2 mặt đường...
|
Công an Hà Nội điều tra việc bao cao su nổi trắng Hồ Tây
Chiều 26.9, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Lê Hoàng – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến tình trạng nhiều bao cao su nổi bất thường ở Hồ Tây.
Hình ảnh bao cao su nổi trắng một góc Hồ Tây
Ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết, về công tác quản lý Hồ Tây có hẳn một ban quản lý để tổ chức quản lý, vệ sinh, xử lý tất cả các vấn đề. Riêng về vệ sinh mặt nước có hẳn một xí nghiệp vệ sinh môi trường mặt nước đảm nhận.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, sau khi xảy ra sự việc, quận này đã yêu cầu lực lượng có chức năng dọn dẹp ngay, đồng thời giao công an điều tra làm rõ tại sao lại có bao cao su ở Hồ Tây, vì tất cả cống nước ngầm đổ ra Hồ Tây đã được bịt kín.
“Chắc chắn có ai đó ném xuống. Chúng tôi đang điều tra làm rõ vụ việc”, ông Hoàng nói.
Nghi án Chủ tịch xã lộ ảnh “nóng” với cấp dưới
Vào chiều ngày 22.9, tài khoản Facebook “Thanh Thanh” có đăng tải 63 hình ảnh và 5 đoạn clip ghi lại cảnh thân mật giữa ông T. với bà Đ.T.S. (SN 1987, cán bộ công chức xã Thanh Xuân).
Những hình ảnh được đưa lên mạng Facebook thể hiện rõ mặt ông T. và bà S., trong đó có nhiều hình ảnh nhạy cảm, thân mật, quang cảnh giống như ở trong nhà nghỉ.
Bên cạnh đó, nhiều đoạn video còn thể hiện những dòng tin nhắn trò chuyện khá thân mật, trên mức bình thường giữa ông T. và bà S.
Những hình ảnh trên sau khi xuất hiện trên Facebook đã được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt”. Tuy nhiên, 1 ngày sau đó, tài khoản này đã khóa và không thể truy cập.
Rất nhiều hình ảnh thân mật giữa ông T. và bà S. được lan truyền trên mạng xã hội.
Để làm rõ thông tin trên, sáng ngày 26.9, PV đã tìm đến trụ sở UBND xã Thanh Xuân, nhưng tất cả lãnh đạo xã này đều đi vắng, kể cả ông T. và bà S. Một số cán bộ xã này khẳng định từ hôm xảy ra sự việc (thứ 6 ngày 22.9) đến nay, ông T. và bà S. đều không đến công sở.
Được biết, ông L.T.T. đã có vợ và 2 con. Ông T. đắc cử Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân nhiệm kỳ 2015 – 2020. Còn bà Đ.T.S. là cán bộ tri thức trẻ thuộc đề án 600 của tỉnh Thanh Hóa, giữ chức Phó Chủ tịch xã từ năm 2012 và mới chuyển sang làm công chức văn phòng thống kê xã Thanh Xuân đầu năm 2017. Bà S. cũng là tri thức đầu tiên được chuyển thành công chức trong gần 60 tri thức trẻ lên vùng cao tại Thanh Hóa.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND huyện Như Xuân xác nhận đã nhận được thông tin lùm xùm liên quan đến ông L.T.T - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân.
Ông Đoàn Ngọc Hải ‘phản pháo’ ý kiến xe đoàn kiểm tra gây kẹt xe
Ông Đoàn Ngọc Hải dẫn đoàn kiểm tra xử lý vi phạm trật tự vỉa hè chiều qua. Ảnh VNN
Ngày 26.9, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM) đã có những chia sẻ thẳng thắn với PV VietNamNet về phản ứng của một người dân khi thấy chiếc xe ô tô biển xanh của đoàn kiểm tra liên ngành trật tự đô thị dừng trên đường gây kẹt xe.
Người đứng đầu đoàn kiểm tra liên ngành trật tự đô thị trung tâm TP cho biết, sự việc xảy ra chiều 25/9 tại khu vực ngã 6 Phù Đổng, khi ông cùng các thành viên trong đoàn đang xử lý, chấn chỉnh hàng loạt vi phạm tại khu vực ngã 6 và đường Lý Tự Trọng.
Theo đó, một người đàn ông đã đến phản ứng chiếc ô tô của đoàn đậu trên đường gây kẹt xe.
“Tôi có thể khẳng định là người dân này góp ý không trên tinh thần xây dựng. Xe theo đoàn nên vừa đỗ rồi di chuyển vào điểm thi hành công vụ; thời gian diễn ra rất nhanh và không hề ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông”- ông Hải khẳng định.
Phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối lạm thu
Ngày 26.9, phụ huynh có con em học tại trường Mầm non xã Quảng Thái (Quảng Xương, Thanh Hóa) đồng loạt cho con nghỉ học. Trường có 15 lớp với 472 học sinh, nhưng chỉ 180 em đi học.
"Chúng tôi phải cho con nghỉ để phản ứng việc trường thu nhiều khoản không hợp lý. Đề nghị hiệu trưởng phải chuyển công tác hoặc chúng tôi sẽ tiếp tục cho con nghỉ", một phụ huynh đứng trước cổng trường nói.
Phụ huynh tập trung đến cổng trường la hét phản đối lạm thu ở Trường mầm non Quảng Thái. Ảnh: VNE
Theo nhiều phụ huynh, năm học 2017-2018 trường mầm non Quảng Thái đưa ra 17 khoản thu. Tổng mức thu đối với học sinh cũ là hơn 3,1 triệu đồng, học sinh mới hơn 3,2 triệu đồng.
Trong đó, học phí 720.000 đồng, nước uống tinh khiết 69.000 đồng, nước sạch đun sôi 47.000 đồng, vệ sinh 154.000 đồng, quỹ ban đại diện phụ huynh 150.000 đồng, thuê lao động nấu ăn 441.000 đồng, trông trẻ ngoài giờ 513.000 đồng, mua đồ dùng bán trú 150.000 đồng, xã hội hóa 270.000 đồng…
Ngoài ra, còn một số khoản thu khác như hỗ trợ trang trí lớp học 100.000 đồng, quỹ lớp 100.000 đồng, ảnh nề nếp, thẻ đón trả trẻ 30.000 đồng, sổ liên lạc điện tử 65.000 đồng, mua đồ dùng học tập, sách vở 225.000 đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.