Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ LĐTBXH mới ban hành Thông tư số 06/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016 hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 27/2016 hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp Nhà nước) được quy định tại Thông tư số 26/2016 được sửa đổi như sau:
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), làm cơ sở để xếp lương, trả lương, và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên, việc này cần bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động, tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty, không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động.
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Đồng thời, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành. Báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến, và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
Trường hợp công ty lỗ hoặc không có lợi nhuận (sau khi đã loại trừ các yếu tố khách quan nếu có) thì mức tiền lương bình quân kế hoạch, được tính bằng mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.
Mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, và khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động, được quy định tại Thông tư số 10/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH.
Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến năng suất lao động, và lợi nhuận của công ty để loại trừ khi xác định tiền lương của người lao động, được quy định tại các Nghị định số 51/2016/NĐ-CP, và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thông tư số 06/2024, có hiệu lực từ ngày 15/9/2024.
Tuy nhiên, đây chỉ là thông tư quy định chế độ tiền lương, phụ cấp trong các doanh nghiệp nhà nước. Ở một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoặc tự chủ một phần cũng được Chính phủ ra Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Nghị định cũng giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong việc tính lương.
Điều 12 của nghị định này quy định cụ thể chế độ chi thường xuyên cho các đơn vị trong đó có chi lương.
Khi nhà nước chưa cải cách tiền lương thì đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung.
Mặt khác nghị định cũng quy định chi lương với tùy từng nhóm. Nhóm 1 tự chủ hoàn toàn thì căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Đối với đơn vị nhóm 2: Căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 (tự chủ một phần và tự chủ toàn phần) xác định quỹ tiền lương kế hoạch, quỹ tiền lương thực hiện và phân phối tiền lương theo hướng dẫn của Bộ LĐTBXH ; phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án tiền. Trường hợp mức chênh lệch thu lớn hơn chi đạt thấp hơn phương án tự chủ tài chính được phê duyệt thì đơn vị chủ động điều chỉnh giảm quỹ lương thực hiện theo tỷ lệ tương ứng với mức độ giảm chênh lệch thu lớn hơn chi của phương án tự chủ tài chính được duyệt nhưng phải đảm bảo mức chi trả tiền lương cho viên chức và người lao động không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công.
Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, đơn vị sự nghiệp công được trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau. Mức dự phòng hằng năm do đơn vị quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Việc trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, đơn vị có chênh lệch thu lớn hơn chi; trường hợp đơn vị không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì không được trích đủ 17%. Trường hợp năm trước liền kề đơn vị có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết thì đơn vị phải hoàn nhập dự phòng.
Khi Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung. Việc chi trả tiền lương cho người lao động trong đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công tác theo quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.