1.200 con lợn bị tiêu hủy vì dịch tả, chủ trại mỏi mòn chờ hỗ trợ

Hoàng Trình Thứ sáu, ngày 13/03/2020 13:18 PM (GMT+7)
Chủ trang trại lợn lớn nhất xã Lê Lợi, TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) có nguy cơ trắng tay sau khi 1.200 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy từ 1 năm trước nhưng vẫn mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ.
Bình luận 0

Clip - Chủ trang trại lợn mỏi mòn chờ hỗ trợ sau dịch tả lợn Châu Phi.

Đã gần 1 năm kể từ ngày gần 1.200 con lợn ở trang trại lợn của gia đình công Bùi Văn Sáu (thôn An Biên, xã Lê Lợi, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Cả trang trại rộng hơn 1.000m2 bị bỏ hoang, tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư con giống, chuồng trại, thức ăn thì ngày một tăng lên…

img

Trang trại lợn lớn nhất xã Lê Lợi, TP.Hạ Long bị bỏ hoang gần 1 năm nay kể từ ngay bị dịch tả lợn châu Phi.

Ông Bùi Văn Sáu cho biết, gia đình ông bắt đầu nghề chăn nuôi lợn từ năm 1998, lúc bấy giờ chỉ vài con. Sau 5 năm, ông đầu tư mở rộng theo mô hình trang trại. Phần lớn ông đều tự cung cấp giống cho trang trại của mình bằng cách nuôi lợn nái. Đến thời điểm trước khi bị dịch tả lợn châu Phi, trang trại ông xuất khoảng 300 tấn lợn thịt/năm. Trang trại của ông Sáu luôn là mô hình điểm của địa phương để giới thiệu và nhiều nơi khác trong tỉnh đến học hỏi.

img

Ông Bùi Văn Sáu, chủ trang trại cho biết, nếu không được nhà nước hỗ trợ, gia đình ông sẽ phải bán cả trang trại để trả nợ.

“Từ lúc bị dịch tả lợn châu Phi, chính quyền tiêu hủy lợn đến nay đã gần 1 năm rồi mà gia đình tôi chưa được trả lời là có hỗ trợ hay không? Số lượng lợn bị tiêu hủy năm 2019 là hơn 1.000 con, 76 tấn, tính ra tiền thì gần 4 tỷ đồng. Toàn bộ đều là tiền vay ngân hàng để phát triển. Tôi lên hỏi xã, huyện thì họ bảo là làm đơn kiến nghị, nhưng rồi cứ chờ đến bây giờ.

Bây giờ không có tiền, rồi cũng lo sợ nên tôi cũng chưa dám tái đàn, kinh tế khó khăn. Gia đình mong muốn nhà nước sớm giải quyết hỗ trợ, nếu không gia đình chúng tôi sẽ phải ra đường ở hết vì không còn tiền trả cho ngân hàng nữa”, ông Bùi Văn Sáu cho biết.

img

Theo Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, trang trại lợn của ông Bùi Văn Sáu không thể tái đàn vì không đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Đức Tự - Chủ tịch UBND xã Lê Lợi xác nhận, trang trại của ông Bùi Văn Sáu phải tiêu hủy 1.191 con lợn, tương đương gần 68 tấn trong dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Khi có kết quả xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, xác nhận lợn của trang trại ông Sáu mắc dịch tả lợn châu Phi, vào ngày 26/4/2019, UBND xã Lê Lợi đã ra Quyết định về việc tiêu hủy đàn lợn.

Việc tiêu hủy diễn ra thành 2 đợt, xã cũng đã lập danh sách các hộ bị thiệt hại và đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi lên UBND huyện Hoành Bồ (nay là TP.Hạ Long).

“Theo quy định, gia đình hộ Bùi Văn Sáu được hỗ trợ gần 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên khi gửi văn bản lên huyện thì có một vướng mắc đó là trước đây, gia đình ông Sáu là trang trại chăn nuôi lợn. Tuy nhiên năm 2013, để được ưu đãi về vốn, ông Bùi Văn Sáu đã nhập trang trại lợn vào Công ty TNHH Ngọc Minh Châu và chuyển đổi tên chủ trang trại sang cho ông Bùi Tiến Lưu là Giám đốc.

Mà theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, đối với chăn nuôi tập trung chỉ có mô hình: Trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã mà không có công ty. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND TP.Hạ Long tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa có công văn trả lời”, ông Hoàng Đức Tự thông tin.

Ông Tự cũng cho biết, nếu được hỗ trợ thì hiện tại trang trại lợn của ông Sáu cũng không thể tái đàn vì không đủ các tiêu chí về vệ sinh môi trường do nằm ở trong khu dân cư. Nếu muốn tiếp tục hoạt động, ông Bùi Văn Sáu phải di dời trang trại lợn này ra khu vực khác.

img

Ông Bùi Văn Sáu thẫn thờ bên chuồng lợn bỏ không đã gần 1 năm nay.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức hỗ trợ cụ thể như sau: Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 8.000 đồng/kg lợn hơi; đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 10.000 đồng/kg lợn hơi.

Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con lợn đến ngày 31/12/2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem