Tại Olympic London 4 năm trước, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã thực hiện một bài bắn xuất sắc nhất mà cũng đáng tiếc nhất trong sự nghiệp, khi để thua người đoạt HCĐ đúng 0,1 điểm ở thế dẫn trước. Vinh đã đánh mất cơ hội làm nên lịch sử bằng viên đạn thứ 9 “định mệnh” trong loạt chung kết nội dung 50m súng ngắn tự chọn, khi chỉ đạt 7,3 điểm.
Sau thất bại “nhớ đời” tại London cộng với cú cướp cò khó tin ở ASIAD 16 khiến anh mất HCV trước đó đã làm tiêu cực hóa cách nghĩ của Hoàng Xuân Vinh. Anh nghĩ tới việc giải nghệ.
Hoàng Xuân Vinh đã ghi dấu ấn lịch sử cho thể thao Việt Nam. Ảnh: IT.
Thế nhưng chính bản lĩnh thép của một người lính, từng trải qua nỗi đau mồ côi mẹ tới hai lần đã giúp Vinh vượt qua giai đoạn gian khó nhất. Anh lại lao vào tập luyện với quyết tâm cao hơn núi trong một sự lạnh lùng, với những cách thức làm mới mình đặc biệt, trong đó có phép luyện tinh thần.
Theo gợi ý của HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung, trước mỗi buổi tập, xạ thủ mang quân hàm Đại tá quân đội lại hô thật to câu: “Tôi là vận động viên giành huy chương Olympic”.
Thoạt nghe, nhiều người nghĩ nó có gì đó hình thức, kỳ quặc. Nhưng với bản thân Hoàng Xuân Vinh nó là “khẩu quyết” nhắc nhở anh rằng, mình đã ở gần một tấm huy chương như thế nào, để vuột nó tức tưởi ra sao, phải vươn lên mạnh mẽ để giành lấy nó bằng được.
Và sau 1.400 ngày đằng đẵng, “khẩu quyết” ấy đã làm nên 1 nhà vô địch Olympic, một kỷ lục gia Olympic để tất cả cùng hân hoan chào đón anh vinh quy trở về tối 14.8 vừa qua.
“Khẩu quyết” “Tôi là VĐV giành huy chương Olympic” của Hoàng Xuân Vinh thực ra là một dạng tự ám thị cho phép chúng ta nhận thức được sự lạc quan quanh mình. Chúng ta bắt đầu chú ý đến cách mọi người tự nhìn nhận mình thông qua cách nói về các sự kiện, chướng ngại và thành tựu.
Theo nhà tâm lý học Martin Seligman, kiểu quan sát như vậy tác động hiệu quả đến thay đổi nhận thức vì chúng ta phải nỗ lực cạnh tranh với hành vi của những người lạc quan, cách phát triển tư duy của những người mà chúng ta ngưỡng mộ.
Nói cách khác: Nghĩ những cái đó là của mình cho đến khi chúng ta biến chúng thành của mình thực sự. Hay gọi đơn giản như nhà tâm lý học Amy Cuddy: “Biến giả thành thật”.
Khi chúng ta tự ám thị mình là người tự tin, sáng tạo hoặc thành công thì chúng ta sẽ hành động giống như những người tự tin, sáng tạo hay thành công.
Hoàng Xuân Vinh tự ám thị mình là VĐV giành huy chương Olympic, anh sẽ tập luyện, thi đấu giống như một VĐV giành huy chương Olympic, đồng thời giúp anh nhận thức được những khó khăn, thách thức và cản trở anh phải đối mặt.
Việc thay đổi niềm tin và nhận thức về sự thất bại được định hình trong nhiều năm trước đó với Hoàng Xuân Vinh không hề dễ dàng. Nhưng anh buộc phải từ chối những thiếu sót và sai sót của bản thân là bẩm sinh và bất biến để hành động và tìm kiếm giải pháp thay đổi cách nghĩ.
Với riêng cá nhân Hoàng Xuân Vinh, anh nhắc lại câu chuyện niềm tin từ những lời hô "tôi đã giành được huy chương Olympic" suốt nhiều năm qua, như một thứ chìa khóa giải mã tích cực cho chiến tích huy hoàng tại Brazil.
HLV Nguyễn Thị Nhung có nói rằng thành công từ những tiếng hô của Hoàng Xuân Vinh là một định mệnh. Nó đã thay đổi được cái tâm lý sợ hãi từng ám ảnh rất nhiều thế hệ vận động viên Việt Nam. Bởi những thất bại trong quá khứ thường để lại những vết hằn tâm lý nặng nề mà hiếm có người vượt qua được.
Để thắng những người giỏi nhất thế giới, cần phải có phương pháp mới lạ, kể cả thay đổi phương pháp tập huấn từ Trung Quốc sang Hàn Quốc.
Chúng ta phải tìm đến người giỏi nhất để học thành người giỏi nhất.
Và khi bắn súng Việt Nam thay đổi tư duy, thay đổi hành vì, thể thao Việt Nam đã có được thành công rực rỡ của Hoàng Xuân Vinh.
Hà Thành (Thế giới trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.