3 lưu ý quan trọng khi chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày cuối năm

Quỳnh Trang (TH) Thứ năm, ngày 16/01/2020 16:45 PM (GMT+7)
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cỗ, cá chép để cúng tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Vậy khi chuẩn bị mâm cỗ cúng, các gia chủ cần lưu ý điều gì?
Bình luận 0

Theo dân gian truyền miệng, Táo quân cai quản bếp lửa và nắm rõ mọi chuyện trong nhà nên mọi người thường làm lễ tiễn ông Táo về chầu Trời rất trang trọng với ước muốn cầu xin những điều tốt đẹp đến với cả gia đình trong năm mới.

Thời gian cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp đến trước 12h ngày 23 tháng Chạp. Theo đó, giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp là giờ mà Táo quân đã có mặt trên Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ. Vì vậy, gia chủ cần hoàn thành nghi lễ tiễn ông Táo về chầu trời trước 12h ngày 23 tháng Chạp.

img

Các gia đình cũng có thể cúng trước ngày 23 tháng chạp 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi, ngày 23 tháng Chạp năm nay, gia chủ nên cúng ông Công ông Táo vào khung giờ: 5h-7h hoặc 9-11h.

Theo vị này, 5-7h sáng 23 là giờ Mão - giờ Đại An, cúng vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí cho gia đình.

Còn khung 9-11h ngày 23 là giờ Tỵ, giờ Tốc Hỷ, cúng vào giờ này ngụ ý Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.

Khi cúng ông Công ông Táo, các gia chủ nên tránh thường tránh cúng vào sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, bởi vì, 12 giờ trưa là giờ Thiên Lôi đóng cửa thiên đình.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo:

Lễ vật mâm cỗ cúng mặn bao gồm:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 5 lạng thịt vai luộc (hoặc thịt gà)

- 1 bát canh

- 1 đĩa xào

- 1 đĩa giò

- 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa hoa quả

- 1 ấm trà sen

- 3 chén rượu

- 1 quả cau, lá trầu

- 1 lọ hoa

- 1 tập giấy tiền, vàng mã

- 1 bộ mũ ông Công ông Táo và 3 con cá chép

Lễ chay bao gồm:

Bánh trái

Hoa quả

1 bộ mũ ông Công ông Táo và 3 con cá chép

Với những gia đình không có điều kiện, hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo đơn giản với các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công ông Táo, cá chép thì có thể mua cá giấy hoặc cá thật đều được.

Theo dân gian, nơi cúng ông Táo tốt nhất là đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra.

Lưu ý, trong mâm cúng kiêng cúng thịt chó, thịt vịt, thịt ngan, thịt trâu, cá mè…

Lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang trong ngày 23 tháng Chạp

Quanh năm, các gia đình thường kiêng động vào bàn thờ. Vì vậy, mọi người nên nhân dịp cúng ông Công ông Táo để tranh thủ dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân nhang để chuẩn bị đón năm mới.

 Khi lau dọn bàn thờ, bạn cần dùng riêng chổi quét, khăn lau, tránh chung đụng. Sau khi lau dọn bàn thờ bằng nước sạch, gia chủ nên dùng thêm rượu trắng với gừng để lau sạch bàn thờ. Khi lau bát hương, bài vị, gia chủ cần lấy tay giữ bát hương, không để bát hương xoay rồi lấy khăn sạch, ẩm phun rượu pha gừng giã nhỏ để lau cho sạch.

Tùy theo địa phương, có những nơi người ta đã hết tro cũ trong bát hương để thay tro mới. Tuy nhiên, đa số người ta chỉ tỉa chân hương, lau chùi rồi tẩy uế sau đấy đặt nguyên như cũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem