30 tỉnh, thành phố có chỉ đạo về tăng cường tiết kiệm điện; cảnh báo không còn điện dự phòng

P.V Thứ tư, ngày 24/05/2023 10:29 AM (GMT+7)
Cập nhật theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày 24/5, tại 27 tỉnh, thành phía Bắc mà Tổng công ty quản lý bán điện, có 21 tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa khô và cả năm 2023.
Bình luận 0

Cụ thể, 21 tỉnh, thành phố miền Bắc đã có văn bản gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nghệ An, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Lai Châu, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Sơn La, Hưng Yên.

Từ ngày 15/5, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã đến làm việc tại từng địa phương, để thông tin cụ thể về về tình hình cấp điện mùa nắng nóng năm 2023. Qua đó, thống nhất các phương án triển khai thực hiện tiết kiệm điện, nỗ lực cung ứng điện trong cao điểm mùa nắng nóng với chính quyền địa phương. 

30 tỉnh, thành phố có chỉ đạo về tăng cường tiết kiệm điện; nỗ lực cấp điện cao điểm nắng nóng - Ảnh 1.

Theo đó, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện,… khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện ngay trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và tăng cường thực hành tiết kiệm điện.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng giao cho Sở Công Thương và chính quyền địa phương phối hợp cùng ngành Điện trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.

Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố miền Bắc cùng UBND các tỉnh sẽ tăng cường truyền thông về các giải pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại (DR). 

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đang tăng cường thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức về tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và thông qua các nền tảng Zalo, Facebook tới khách hàng.

Trong khi đó, cập nhật theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đến sáng 24/5 đã có 9 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường tiết kiệm điện tại địa phương trong mùa nắng nóng và cả năm 2023.

Đó là các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắc Nông, Quảng Ngãi.

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các hộ sử dụng điện,… triển khai ngay các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện, góp phần đảm bảo cung ứng điện ngay trên địa bàn.

UBND các tỉnh, thành cũng có chỉ đạo tới Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo đài địa phương đẩy mạnh truyền thông về tình hình cung ứng điện khó khăn trong năm 2023, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về tăng cường thực hành tiết kiệm điện.

Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư cho biết, để việc tuyên truyền tiết kiệm điện được triển khai mạnh mẽ tại địa bàn 13 tỉnh, thành do EVNCPC quản lý bán điện, từ ngày 15/5, tổng công ty đã tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo các công ty điện lực phải kịp thời làm việc, báo cáo UBND 13 tỉnh, thành phố và các đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình cung ứng điện và chủ trương tăng cường tiết kiệm điện để có sự sẻ chia, thấu hiểu với ngành điện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo EVNCPC cũng trực tiếp làm việc tại nhiều địa phương, kiến nghị các đề xuất, thống nhất với chính quyền địa phương để tập trung nguồn lực trong triển khai thực hiện tiết kiệm điện, nỗ lực cung ứng điện trong cao điểm mùa nắng nóng.

Hiện nay, EVNCPC đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về tiết kiệm điện trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, chú trọng các nền tảng Zalo, Facebook để truyền thông trực tiếp tới khách hàng. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, kỹ thuật để tập trung đảm bảo độ tin cậy của lưới điện.

Được biết, EVN đã cảnh báo không còn điện dự phòng, nguy cơ thiếu điện khi số hồ thủy điện về mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết tiếp tục tăng.

Theo EVN, phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia trong ngày 19/5 đã tăng lên mức kỷ lục mới, xấp xỉ 924 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu DO+F. Hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng.

Trong bối cảnh đảm bảo nguồn cung điện gặp nhiều khó khăn, EVN đang triển khai mọi biện pháp để bổ sung nguồn cung từ nhiệt điện, nhưng nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem