34 năm án oan của 5 nông dân ở Quảng Bình (Bài 2): Bán cả xe đạp để đi kêu oan

Nhóm PV BMT Thứ năm, ngày 09/12/2021 09:07 AM (GMT+7)
Sau những ngày tháng bị tạm giam, xử lên xử xuống, 5 nông dân mang án oan ở Quảng Bình lại bước vào hành trình kêu oan gần như cạn kiệt sức lực chỉ với một niềm tin và mong muốn được rửa oan, trả lại danh dự cho bản thân và gia đình.
Bình luận 0

Clip: Ông Đinh Xuân Hồ ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ những đắng cay mà gia đình ông gặp phải khi ông mang án oan suốt 34 năm qua.

Đùm cơm nắm, ngủ vỉa hè kêu oan

Ông Đinh Xuân Hồ (SN 1961, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), một trong 5 nông dân mang án oan ở Quảng Bình nói: "Gia đình tôi giàu truyền thống cách mạng, bố và anh trai là liệt sỹ chống Mỹ, mẹ tôi là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Lúc quy tội, tôi là Đảng viên, đại biểu HĐND xã, kế toán Hợp tác xã mua bán xã Liên Trạch. Sinh mệnh của cả một con người mà lúc đấy họ đã làm quá ẩu".

Kỳ 2: Số phận nghiệt ngã khi mang án oan suốt 34 năm và hành trình giải oan đầy trắc trở - Ảnh 2.

Từ phải qua trái, ông Đinh Xuân Kỳ, ông Đinh Xuân Hồ, ông Hoàng Trọng Lưu, ông Trần Văn Ổn cùng ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ với PV Dân Việt về hành trình kêu oan. Ảnh: Trần Anh

"Trải qua nhiều lần xét xử, tôi vẫn mang án "Trộm cắp tài sản XHCN". Tôi bị khai trừ khỏi Đảng và cách chức kế toán trưởng Hợp tác xã mua bán Liên Trạch. Con cái tôi bị xã hội coi thường, còn tôi bị khinh bỉ, họ xem tôi là tội phạm, trộm cắp tài sản của nhà nước cơ mà.

Chỉ một suy nghĩ tơ tưởng một đồng một hào của Nhà nước tôi cũng không dám tơ tưởng nghĩ đến nói gì tới hành vi trộm cắp tài sản.

Đáng buồn hơn, vì án oan của tôi mà con tôi gặp nhiều biến cố. Đứa con trai đầu của tôi học Trường Đại học An ninh nhân dân ra rồi ở lại làm việc, làm được gần 10 năm, lên đến thượng úy rồi nhưng khi xác minh lý lịch, họ ghi là cha Đảng viên bị khai trừ, khiến con tôi 3 lần không kết nạp Đảng được và phải viết đơn ra khỏi ngành. Đến giờ con tôi vẫn chưa có ai kết nạp Đảng lại được" – ông Hồ rớt nước mắt.

"Thời điểm đó, gia đình có mỗi chiếc xe đạp là tài sản giá trị nhất cũng phải bán đi để có tiền đi kêu oan. Những lần đi kêu oan, tôi phải đùm cơm nắm theo, ngủ vật vờ ngoài đường, vỉa hè mong lá đơn được cơ quan chức năng xem xét. Nhưng suốt một thời gian dài không có hồi âm, tôi tuyệt vọng và nhiều lúc lãng quên đi để còn sống tiếp" – ông Hồ nói.

Nhận lời xin lỗi khi ung thư giai đoạn cuối

Còn ông Trần Văn Ổn (SN 1954, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nhớ lại: "Hết 136 ngày tạm giam, tôi trở về nhà trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, toàn thân da bong tróc hết. Bước vào căn nhà thấy trống không, con cái nheo nhóc không có gì ăn, tôi mới chạy vội ra chợ mua nợ thức ăn về cho con tôi".

"Sau đó, qua nhiều cấp xét xử, vụ án được đình chỉ điều tra, tôi tưởng rằng mình và các anh em khác sớm được minh oan, trả lại sự trong sạch. Nhưng không ngờ, cái án ăn cắp tài sản XHCN cứ treo lơ lửng. Cuộc đời tôi từ đó rơi vào khốn cùng" – ông Ổn nói.

"Suốt 34 năm mang án oan, tôi và gia đình mất mát đủ thứ, không dám đối diện với xã hội. Bản thân tôi oan ức, tâm lý luôn bất ổn nên thường xuyên ốm đau. Đến bây giờ, căn bệnh ung thư trong người tôi đã chuyển sang giai đoạn cuối thì mới nhận được lời xin lỗi công khai từ cơ quan chức năng" – ông Đinh Xuân Kỳ tiếp lời ông Ổn.

Còn ông Hoàng Trọng Lưu (SN 1955, ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), nguyên là cán bộ thủ quỹ Hợp tác xã mua bán Liên Trạch, khi quy kết là đồng phạm tích cực trong vụ án "Trộm cắp tài sản XHCN", ông bị cách hết chức vụ.

"Suốt 34 năm qua, cuộc sống của tôi và gia đình cơ cực lắm. Trong nhà có gì đáng giá là bán hết để cùng ông Hồ, ông Ổn, ông Kỳ đi kêu oan. Buồn thay, từng lá đơn cứ gửi đi nhưng ròng rã mấy chục năm qua chúng tôi không nhận được phản hồi. Sự việc nhiều năm sau tưởng chừng rơi vào quên lãng" – ông Lưu nói.

Cả 4 nông dân án oan còn sống này nhớ lại, sau thời gian tạm giam, tất cả được tại ngoại về gia đình và chờ ngày xét xử.

Năm 1988, TAND Bố Trạch xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Đinh Xuân Hồ 36 tháng tù giam, Hoàng Văn Lưu 24 tháng tù giam, Trần Văn Ổn và Đinh Xuân Kỳ cùng chịu 18 tháng tù giam, Đinh Xuân Tạo bị cảnh cáo. Tất cả nông dân án oan viết đơn kêu cứu.

34 năm án oan của 4 nông dân ở Quảng Bình: Ngày được thả về, nhà cửa xơ xác - Ảnh 3.

PV Dân Việt (trái) trò chuyện với 4 người trong vụ án oan ở xã Liên Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ảnh: PV

Năm 1989, TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) xét xử phúc thẩm vụ án và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu do không thu thập được chứng cứ đầy đủ mà chủ yếu dựa vào lời khai. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo lại không nhận tội và không có chứng cứ đối chiếu.

Năm 1990, TAND huyện Bố Trạch mở phiên tòa sơ thẩm lần hai. Tòa giữ nguyên tội danh "Trộm cắp tài sản XHCN" đối với 5 bị cáo; còn tuyên tăng mức án nặng hơn. Các bị cáo tiếp tục kêu oan.

Tại tòa cấp trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm rút hồ sơ giao cho cơ quan công an cấp tỉnh điều tra bổ sung, truy tố, xét xử. Qua điều tra, xác minh củng cố chứng cứ thấy không có cơ sở chứng minh các bị can phạm tội nên Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Đây có thể xem là bước ngoặt với kỳ án này, cơ hội cho những nông dân thật thà, chân chất này nhìn thấy một tia hy vọng trong hành trình được rửa oan của mình...

Đón đọc Bài 3: Cuộc gặp gỡ định mệnh với Bí thư Tỉnh ủy


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem