3,8% room tín dụng: Nguy cơ "găm" vốn vào chứng khoán, bất động sản khó xảy ra?

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 09/12/2022 08:14 AM (GMT+7)
Hiện có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Liên quan tới lo ngại dòng vốn được bơm tới đây có thể sẽ chảy vào lĩnh vực rủi ro, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều này rất khó xảy ra.
Bình luận 0

Room tín dụng được nới, vẫn khó có chuyện ngân hàng "găm" vốn rót vào lĩnh vực rủi ro

Trao đổi với báo chí, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhận định, việc nới room tín dụng từ 1,5 - 2 % của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua là phù hợp với thực tế, do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nới room cào bằng mà sẽ chỉ ưu tiên các tổ chức tín dụng đáp ứng 3 yếu tố.

Thứ nhất, phải đủ nguồn lực vốn. Thứ hai, phải giữ ổn định được lãi suất để cho vay ra với lãi suất hợp lý. Thứ ba, tập trung cho vay các đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên.

Liên quan tới lo ngại dòng vốn được bơm tới đây sẽ chảy vào lĩnh vực rủi ro, ông Hùng cho rằng, điều này rất khó xảy ra. Bởi, đây là một trong những trọng tâm mà NHNN sẽ xem xét trong quá trình thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị được cấp quyền room tín dụng.

"Tôi cho rằng, nguy cơ dòng vốn tín dụng đưa vào những lĩnh vực rủi ro từ nay đến cuối năm khó có thể xảy ra. Ngoài sự giám sát của NHNN, bản thân các ngân hàng thương mại và hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ", ông Hùng khẳng định.

Chuyên gia lý giải vì sao khó có chuyện ngân hàng "găm" vốn rót vào lĩnh vực rủi ro? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam. (Ảnh: VNBA)

Mặc dù room tín dụng được nới, song theo ông Hùng, bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, sút giảm đơn hàng do kinh tế thế giới suy thoái.

"Các doanh nghiệp trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại. Trong giai đoạn này, theo tôi, doanh nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư.

Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống", ông Hùng khuyến nghị.

Mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro

Bày tỏ tán thành về việc nới room tín dụng của NHNN, song TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, các tổ chức tín dụng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần khơi thông mạnh mẽ kênh dẫn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn trung - dài hạn quan trọng và cũng là để giúp doanh nghiệp thanh toán nợ đáo hạn.

Các Bộ, ngành địa phương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi 2022-2023 nhằm giảm áp lực nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản giữa các doanh nghiệp, tăng tính lan tỏa và tạo động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo khoanh vùng, giải quyết nhanh, dứt điểm những vụ việc vi phạm trên thị trường vốn vừa qua, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, lấy lại niềm tin của thị trường, người dân và doanh nghiệp.

Có như thế mới đảm bảo nguồn vốn chảy vào nền kinh tế hiệu quả.

Chuyên gia lý giải vì sao khó có chuyện ngân hàng "găm" vốn rót vào lĩnh vực rủi ro? - Ảnh 2.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, với mức tăng 1,5-2% tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng 12,2%. Như vậy room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói là dư địa khá lớn cho các NHTM cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Nhưng điều quan trọng khi có thêm room tín dụng các NHTM cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. Và NHNN cũng tiếp tục vừa theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các NHTM để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.

Cũng theo Phó Thống đốc, việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các NHTM rất cần thiết. Đối tượng NHNN muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Do vậy, NHNN hướng các NHTM hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem