21h30 ngày 10.10, sau khi cánh cổng ở số nhà
30 Hoàng Diệu khép lại, hàng trăm người đứng ngoài òa khóc, cả người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà. Họ khóc bởi nỗi mất mát qua lớn, bởi nỗi đau khi đất nước mất đi một người con anh hùng và còn bởi họ tiếc nuối, vì đã không được nhìn ảnh Đại tướng lần cuối, không kịp để được vào tiễn biệt vị tướng của lòng dân.
Trong số những người lỡ vào tiễn đưa Đại tướng, câu
chuyện của chị Trần Thị Minh Hạnh (38 tuổi, ở phố Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân)
khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào.
Chị Hạnh (áo đỏ) bật khóc khi lần thứ tư lỡ vào tiễn đưa Đại tướng
Dẫn theo hai đứa con, trên tay cầm cành hoa ly vẫn còn tươi màu, chị Hạnh nói
trong tiếng nấc: "Vậy là tôi đã không thể vào thắp nén hương cho Đại tướng,
nhìn di ảnh của cụ rồi. Tôi ân hận lắm, tự trách bản thân không thể đến sớm
hơn. Tôi đã không hoàn thành trách nhiệm mà bố mẹ giao phó".
Chị Hạnh cho biết, khi nghe tin Đại tướng mất, bố chồng chị - người từng phục vụ
trong quân ngũ, đã bật khóc mong được đến nhà riêng để tiễn đưa Đại tướng, nhưng
do tuổi cao, sức yếu nên nhờ vợ chồng chị cùng các cháu thực hiện tâm nguyện
này.
Đêm đầu tiên, cũng do đến muộn, chị Hạnh đành phải đứng ở phía ngoài vái vọng vào
Tuy nhiên, công việc bận rộn khiến chị không thể đến sớm, hơn nữa, dòng người xếp hàng mỗi ngày một đông hơn nên cả bốn lần đến xếp
hàng thì cả bốn lần chị đều bị lỡ hoặc hết giờ.
"Tôi sẽ nhờ các anh cảnh vệ đưa hoa vào với Đại tướng. Cầu mong Đại tướng
an nghỉ và phù hộ cho đất nước an bình", chị Hạnh nghẹn ngào.
Ngoài chị Hạnh, cho đến 0h đêm qua, vẫn còn rất nhiều người khác đã cố nán lại, đứng
trước hàng rào để vái vọng, cầu nguyện cho linh hồn Đại tướng.
Cánh cổng đã khép lại, mặc dù tiếc nuối nhưng trong lòng mỗi người dân, ai cũng tự nhủ: Đại tướng vẫn ở đó, vẫn dõi theo đất nước và ông mãi là vị Đại tướng của
lòng dân.
Vân Nga - Xuân Lực (Vân Nga - Xuân Lực)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.