Ác mộng buôn bán bào thai ở Chăm Puông (Bài cuối): Chị em vẫn quyết bán thai, chúng ta còn thất bại!
Lam Anh – Chiên Hoàng
Thứ tư, ngày 17/03/2021 11:52 AM (GMT+7)
Đâu là bản chất của những tấn bi kịch buôn bán bào thai kinh hoàng kia? Chúng ta ghi nhận các nỗ lực đáng trân trọng của chính quyền địa phương, cơ quan Công an và các bộ ngành trong việc xử lý vấn nạn bán bào thai. Song, kết quả ngăn chặn chỉ là phần nổi của tảng băng.
Vắc-xin luôn ra đời sau vi-rút, ngay cả khi Công an, Biên phòng bủa vây vùng biên giới hay có đối tượng bán bào thai lén lút "cất bước ra đi", vẫn có những phụ nữ hoàn thành việc buôn bán bào thai bên kia biên giới.
Dù công an Kỳ Sơn có giao cho từng chiến sỹ "đặc trách" thông tin, tuần hai lần đến "thăm" các phụ nữ mang bầu trên địa bàn, chị em vẫn "xé rào" biến mất đi vượt biên bán bào thai như thường.
Vì sao? Vì họ là con người và có quyền di chuyển, có quyền mang bầu và đi bất cứ đâu mà luật pháp không cấm. Mà đi lên biên giới trốn sang Trung Quốc bán, nếu bị bắt, được Công an và các nhà từ thiện chu đáo đưa hồi hương, cảm ơn "chính sách nhân đạo" vài câu, tuần sau chị em ta lại trốn tiếp.
Vấn đề là cần tháo từ gốc rễ, làm sao triệt phá các đường dây dụ dỗ, dẫn mối, trục lợi xuyên quốc gia từ hoạt động này? Làm sao sự thiếu hiểu biết và cái đói nghèo không là động lực đẩy chị em vào con đường cùng quẫn bán con như vậy nữa.
"Quả bom dư luận" chỉ nổ ở Việt Nam, sau vụ tai nạn giao thông bên xứ người
Lời của ông Lư Văn Tân, ở bản Chăm Puông (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), hơn 80 tuổi, bố đẻ của nạn nhân của đường dây bán bào thai sang Trung Quốc mới nhất ở xã Lượng Minh đã khiến chúng tôi nhận ra thêm bản chất câu chuyện.
Ông từng là Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Công an xã, nhưng con ông trốn đi bán bào thai, ông không biết và cũng không thể quản lý được. Ngay cả khi bắt con bỏ trống nhà, đến ở cận kề, ăn cùng mâm, ngủ giường kế bên giường ông.
Vì nỗi hận tình làm nó đi bán bào thai. Ai đã rước các con nghiện vào xứ này để chúng hành hoành, từ bao giờ Lượng Minh có các bản "ma túy", "bản không chồng" vì ma túy? Đó là vấn đề lớn, và chuyện bán những hài nhi nhỏ xíu chưa kịp ra đời kia nằm trong cái chuyện lớn này.
Nhìn lại, có thể thấy nhiều kẽ hở không nhỏ ở đây, thế rồi các đối tượng đã tinh vi lợi dụng. Họ mang sản phụ với "đứa con giấu kĩ trong cơ thể" (bào thai) xuất cảnh/vượt biên rồi lại đưa chính người phụ nữ đó nhập cảnh trở lại. Không dắt theo ai, cũng không bế theo đứa trẻ nào khi đi.
Đến khi trở về vẫn "vẹn nguyên" người phụ nữ đó. Song, thật ra, hành vi bán bào thai đã thực hiện xong ở bên xứ người. Tinh vi hơn, chúng còn đưa người bên kia sang Việt Nam, "tìm kiếm và thụ thai" cho chị em, rồi để họ dưỡng thai dăm bảy tháng ở Việt Nam hoặc Campuchia, lúc sắp đẻ mới mang sang bên kia.
Vụ đầu tiên bị phát hiện liên quan đến những thai phụ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Tình cờ chiếc xe ô tô chở 5 thai phụ Việt Nam bị nạn ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) khiến 1 người chết cùng hài nhi trong bụng, 4 thai phụ bị trọng thương.
Thử hỏi, nếu không có vụ tai nạn kia ở bên đất nước kia, thì "các ngòi nổ" của quả bom "bán bào thai" ở nước ta bao giờ mới bị khám phá?
Thêm nữa, là các diễn biến bất ngờ của thảm nạn mà Luật chưa thể theo kịp. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, có năm tội liên quan đến hành vi mua bán người. Tuy nhiên, theo luật sư Tạ Ngọc Vân - từng tham gia điều tra, giải cứu và hỗ trợ hồi hương cho hầu hết cả nạn nhân kể trên: "Không có tội danh nào nhắc đến việc mua bán bào thai.
Cái khó nữa để nạn buôn bán này khó xử lý dứt điểm là bị hại trong các vụ án này chính là những bào thai, "cháu bé" chưa ra đời nên cơ quan điều tra thiếu căn cứ khi xác định ai là nạn nhân.
"Nạn nhân" đó cũng không biết lên tiếng. Vả cũng không ai có bằng chứng về việc bào thai đó sau này có sinh ra thành đứa trẻ hay không".
Bên cạnh Cụt Văn Nga (người huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vừa bị khởi tố vì hành vi đưa 4 thai phụ chuẩn bị vượt biên đi bán bào thai bên Trung Quốc; vào tháng 6/2020, công an huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An cũng đã bắt giữ và khởi tố đối tượng Trương Đình Thi khi người này đang "nuôi dài ngày tại nhà nghỉ" 3 phụ nữ mang thai, chuẩn bị đem ra nước ngoài bán với giá vài chục triệu đồng/bào thai.
Không chỉ phụ nữ trên địa bàn bị dụ dỗ, trong 3 bà bầu ở vụ việc trên, một ở Đắk Lắk, một ở Tiền Giang, một ở Nam Định. Giá mà Thi trả cho chị em, chỉ là 30 triệu đồng nếu sinh ra trẻ em gái, 70 triệu đồng nếu sinh ra bé trai.
Trước đó, 4 phụ nữ khác ở Kỳ Sơn cũng đã bị khởi tố vì các hành vi trên. Có lẽ, mấu chốt của vấn đề là nhận thức và sự đói nghèo. Họ chỉ nghĩ đơn giản, hết tiền tiêu thì bán cái gì đó kiếm tiền, bán dâm, bán vợ đợ con, giờ bán cả bào thai do chính mình với chồng mình ân ái "kết tinh" thành; đợi giọt máu đó lớn, biết cựa, biết suy nghĩ, sắp chào đời thì đem đi bán cho người ta.
Sinh con ra, nhìn con một lần duy nhất rồi vĩnh viễn chia tay. Lấy tiền trở về, có khi chồng nghiện chích hút hết, có khi trả nợ con trâu con bò vừa chết rét là tay trắng lại hoàn trắng tay.
Những cách "xé vòng vây" trốn đi bán bào thai không thể tin nổi!
Không ai và chẳng dễ gì ngăn được một kẻ quyết tâm tự tử, không ai ngăn được một kẻ tìm mọi cách cắt đứt tình máu mủ thiêng liêng của chính họ được. Mạch nước sông Lam chảy trong huyết quản các bé trai bé gái đã bị bán từ lúc còn là bào thai, nhưng các cháu không hề biết. Bố mẹ các cháu cũng không hề muốn các cháu thấy!
Xã Hữu Kiệm "nổi lên" với 20 thai phụ vượt biên bán bào thai, các xã khác cũng nhan nhản, song đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Ai cũng biết thế, và bằng chứng là cả Bộ Công an, Bộ Tư pháp, rồi Quốc hội, cả làng báo đau đầu về nạn bán bào thai và cơ quan công an đã cử người nằm ở từng bản, theo dõi các thai phụ như bác sỹ sản khoa, vậy mà họ đánh chỗ nọ thì quái vật lại trồi lên những cơn ác mộng ở nơi kia.
Bằng chứng là: những gì nhìn thấy "trên mặt báo" (tức là bề nổi tảng băng) đã lan dần từ Hữu Kiệm đến xã Hữu Lập, xuống Chiêu Lưu, xuống cả huyện khác là xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Tôi hỏi một sản phụ ở Lượng Minh, "Em kia đi khỏi bản với cái bụng khệ nệ, giờ trở về thanh thoát như thiếu nữ mà đứa con thì không ai biết nó đi đằng nào rồi. Bà con có dị nghị không?". Cô bé trả lời chắc nịch: "Ai cũng biết là đi đâu rồi mà. Họ tế nhị lờ đi anh ạ".
Trưởng Công an xã "điểm nóng nhất" Hữu Kiệm, anh Nguyễn Văn Trường kể một câu chuyện mà bất cứ ai cũng phải giật mình: hai phụ nữ trẻ tên là Lư Thị V. và Moong Thị Ph. Họ quyết tâm đi bán bào thai bằng được, bất chấp công an ngăn chặn.
Cả hai từng vượt bảy tám trăm cây số đi tận Quảng Ninh, tìm đường vượt biên bán báo thai, bị công an chặn lại, đưa hồi hương về bản chờ sinh con.
Ít hôm sau, Vân lại cùng chồng đột ngột biến mất. Hỏi, thì người nhà bảo đi làm công nhân xa. Tiếp đến, công an quản lý chặt hơn nữa, thường xuyên vào bản thăm hỏi nắm tình hình các bà bầu (ít nhất 2 lần/tuần).
Mỗi lần nhìn thấy họ khệ nệ ra vào nhà sàn, anh em rất yên tâm. Ai ngờ, sểnh ra là họ lại biến mất, dò hỏi thị người nhà bảo Vân đi làm nương, nương xa nhà nên ngủ lại.
Đùng một cái, công an xã lại nhận tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh, V. và Ph. lại thoát khỏi "chín tầng bủa vây" để lên đến biên giới, chuẩn bị vượt biên thì bị… ngăn lại.
Đơn giản là các vòi bạch tuộc xuyên biên giới với các khối lợi khổng lồ từ hoạt động phi pháp này còn tồn tại, thì bi kịch có lẽ vẫn không khó để vẫn còn xảy ra.
Theo tài liệu trinh sát của cơ qua công an cho hay, có tình trạng chị em còn tinh vi lách luật (chắc do các mẹ mìn bày mưu kế) bằng cách: đi khỏi địa phương từ khi chưa có bầu. Nào ai dám ngăn một người đi làm ăn xa.
Thế là họ có bầu từ ngày đầu đến ngày sinh nở, đẻ xong vẫn vẹn nguyên thân hình xưa cũ về lại bản. Tất nhiên, ai cũng hiểu, thời gian đó, đủ để chị kia bán xong một cái bào thai vừa nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
Số khác thì còn danh chính ngôn thuận hơn: tôi làm thủ tục sang Trung Quốc kết hôn, đẻ xong, để con lại, tôi bỏ chồng và về lại quê mẹ tôi. Danh nghĩa thế, nhưng theo nguồn tin điều tra, bản chất vẫn là một vụ bán bào thai.
Cuối tháng 2/2021 vừa qua, tại biên giới tỉnh Cao Bằng, cơ quan chức năng đã phá một đường dây "khổng lồ" đưa trẻ sơ sinh và cả bà bầu sang Trung Quốc để bán trẻ em, bán bào thai.
4 trẻ em được giải cứu, một phụ nữ mang bầu tháng thứ 8 được đưa về sinh nở. Theo tài liệu điều tra, có 2 bà bầu khác đã được đưa trót lọt sang Trung Quốc ở dạng "bán bào thai".
Vậy là tình trạng buôn bán bào thai vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt sau hàng loạt các động thái được coi là quyết liệt của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Hàng loạt các đối tượng liên quan đã bị bắt giữ.
Đáng buồn hơn, trong đó có một người là Moong Văn Tình, ở thời điểm có các hành vi phạm pháp dẫn đến bị xử lý nghiêm khắc kia diễn ra, Tình là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tình bị tố cáo đã nhận nhiều tiền của thai phụ tên là Xeo Thị T., người bị nạn trên chuyến xe chở 5 thai phụ đã bị nạn ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, với lời hứa sẽ "cứu giúp" chị ta khỏi các nỗi lo bị xử lý vì các khuất tất liên quan đến đường đi bán bào thai.
Tình cũng bị nghi ngờ nhận tiền bồi thường từ những kẻ gây tai nạn bên kia biên giới mà không hề đưa lại cho nạn nhân (là các thai phụ, sản phụ và người nhà họ - vì một chị đã chết). Theo Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, Tình ở miền núi, làm nông mà có ô tô xịn để đi, thường xuyên ở bên Trung Quốc. Nhiều tài liệu đặt vấn đề, Tình có tham gia vào "buôn người".
Không còn cách nào khác, chúng ta chỉ còn biết mong chờ vào các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống kinh tế, xã hội, nâng cao nhận thức cho chị em, đồng thời, sớm có bàn tay thép xử lý các đường dây dụ dỗ, đưa người đi bán bào thai.
Bởi đây là vấn đề nhức nhối, nó ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trạng xã hội. Nó gây sốc trong cộng đồng, trong công cuộc tiến tới một xã hội tiến bộ và thượng tôn lòng nhân ái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.