Ai cũng tín nhiệm!

Chân Tâm Thứ ba, ngày 17/06/2014 18:26 PM (GMT+7)
Về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN), bỏ phiếu tín nhiệm (BPTN) các chức danh chủ chốt, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tâm tư và sự băn khoăn của mình.
Bình luận 0

Vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri tâm tư đầu tiên là việc nghị quyết sửa đổi vẫn giữ nguyên 3 mức phiếu tín nhiệm. Thảo luận tại hội trường Quốc hội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kể trong dân gian đã biến tấu từ 3 mức tín nhiệm của nghị trường thành chuyện châm biếm 3 tiêu chí sống chung thủy, đó là “chung thủy cao, chung thủy và chung thủy thấp”. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) còn góp thêm: “Đúng như anh Nguyễn Bá Thuyền nói. Tôi gặp cử tri họ nói sao ĐBQH dốt thế? Tôi cũng chỉ nói là sẽ cố gắng nghiên cứu!”.

Khỏi cần phải phân tích gì đau đầu, ai cũng hiểu nếu lấy phiếu mà ai cũng tín nhiệm cả thì lấy phiếu làm gì? Cũng như học sinh đi thi mà biết chắc chắn sẽ đậu. Chỉ có đậu cao hoặc đậu thấp, thế thì có nên tổ chức thi nữa hay thôi? Và nguy hiểm hơn là sẽ tồn tại suy nghĩ: Chẳng phải học hành chi nữa vì kiểu gì cũng đỗ.

Lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) là để rạch ròi người được tín nhiệm và người không được tín nhiệm. Không được tín nhiệm thì hãy nghỉ để người khác làm. Có như vậy mới tạo ra động lực, áp lực để những người có trọng trách lo làm việc cho nước, cho dân. Nếu bị mất tín nhiệm là mất chức- như vậy mới sợ. Còn với 3 mức tín nhiệm như giờ với khả năng tín nhiệm quá thấp để mất chức là rất khó xảy ra, sẽ không có nhiều tác dụng răn đe.

“Nhân dân đang rất khen Quốc hội về việc LPTN ở các kỳ họp cuối năm thì nay ta lại bỏ. Còn cái 3 mức tín nhiệm bị chê thì lại giữ” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói về việc sửa đổi bổ sung Nghị quyết 35 về LPTN, BPTN, cũng là nói thay cho tâm tư của nhiều cử tri, ĐBQH.

Quốc hội là cơ quan đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của dân. Vì thế, hãy làm những việc mà dân ủng hộ. LPTN là hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội rất được dân ủng hộ thì không thể dừng lại. Nếu có ý kiến đề xuất dừng lại hoặc dãn ra, từ năm 1 lần xuống thành cả nhiệm kỳ 2 lần thì cũng nên thực hiện đúng quy trình việc “bấm nút” để tôn trọng nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.

Rất nhiều ĐBQH khi trao đổi bên hành lang Quốc hội hay trong các cuộc thảo luận tổ đều mong muốn Quốc hội nếu có biểu quyết về việc sửa đổi Nghị quyết 35 thì nên cho biểu quyết thông qua từng nội dung đang còn gây nhiều băn khoăn, ví như bấm nút thông qua 2 hay 3 mức tín nhiệm; thông qua thời điểm LPTN, thông qua đối tượng cần phải LPTN…

Vẫn biết vạn sự khởi đầu nan. Việc LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm trên thế giới chưa từng có ai làm như Việt Nam. Chính vì thế, dù lúc đầu có nhiều khó khăn, va vấp, phải vừa làm vừa nghiên cứu, sửa đổi, nhưng rất mong việc chỉnh sửa này phải trúng, phải đúng, phải phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri và số đông ĐBQH.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem