Những bí ẩn đằng sau cánh cửa trường ĐH Điện lực: Ai là người thu tiền sinh viên rồi chi cho thầy cô (Bài 8)

Hoà Nguyễn Thứ năm, ngày 21/05/2020 15:48 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương đã có kết quả xác minh một số đơn tố cáo, phản ánh tiêu cực liên quan đến trường ĐH Điện lực. Kết quả xác định, có nhiều đơn tố cáo đúng thực tế, có cơ sở.
Bình luận 0

Trường nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế

Cụ thể, kết quả xác minh đơn tố cáo phản ánh trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nhận được nhiều đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh về các sai phạm của một số cá nhân, tập thể của trường ĐH Điện lực.

Đơn được gửi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đơn mạo danh, đơn nặc danh, đơn chính danh, có đơn gửi qua đường thư điện tử tới lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ kèm theo các chứng cứ liên quan.

Theo phân cấp quản lý, một số đơn đã được Bộ Công Thương xác minh và ban hành kết luận; một số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của trường đã được Bộ Công Thương ban hành văn bản chuyển đơn theo quy định.

Lãnh đạo khoa ở ĐH Điện lực thu lệ phí tốt nghiệp rồi chi cho các thầy cô - Ảnh 1.

Trường ĐH Điện lực nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế, đúng với đơn tố cáo.

Tại thời điểm Thanh tra, Bộ Công Thương tiếp tục nhận được một số đơn tố cáo. Để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý đơn thư có cùng một nội dung, Bộ Công Thương đã tiến hành xem xét, xác minh một số nội dung.

Cụ thể, với nội dung tố cáo bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học không đúng thực tế.

Bộ Công Thương xác định, nội dung tố cáo này là đúng thực tế, có cơ sở cụ thể.

Theo đó, bộ chứng từ thanh toán tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học được thực hiện thanh toán nhưng không chặt chẽ, không thể hiện đầy đủ, chính xác và minh chứng cho việc thực tế xảy ra.

Bộ chứng từ thanh toán thiếu giấy mời mời, thư mời và xác nhận của các khách quốc tế tham dự, thiếu kế hoạch tổ chức được phê duyệt, danh sách đăng ký, số lượng thực hiện theo nhiệm vụ, thiếu hộ chiếu, chứng minh thời gian công tác của các khách nước ngoài tham dự, không đảm bảo hồ sơ thanh toán.

Trường ĐH Điện lực và Công ty Cổ phần Tổ chức Hội nghị Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin đã ký hợp đồng và nghiệm thu thanh lý với tổng số tiền 500 triệu đồng.

"Đối chiếu, xác minh với các thành phần có tên trong danh sách nghiệm thu, thấy việc nghiệm thu, thanh lý không đúng thực tế" – kết luận của Bộ Công Thương nêu rõ.

Lãnh đạo khoa ở ĐH Điện lực thu lệ phí tốt nghiệp rồi chi cho các thầy cô - Ảnh 2.

Lãnh đạo khoa ở ĐH Điện lực thu lệ phí tốt nghiệp rồi chi cho các thầy cô - Ảnh 3.

Trong tổng thể các sai phạm của trường ĐH Điện lực vừa được Bộ Công Thương kết luận, theo phân cấp quản lý, Bộ Công Thương giao Vụ Tổ chức cán bộ xem xét trách nhiệm, tiến hành kiểm điểm, có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với các công chức thuộc quyền quản lý của Bộ, trong đó có ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng trường ĐH Điện lực (ảnh trên), ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường (ảnh dưới) vì để xảy ra các sai phạm.

Về số lượng các cá nhân không sử dụng dịch vụ hỗ trợ của trường, không tham gia du lịch Bái Đính Tràng An nhưng vẫn được thanh toán theo biên bản nghiệm thu.

Cụ thể đối với bộ chứng từ chi phí ăn, ở cho khách nước ngoài thuê và thuê thiết bị phục vụ hội nghị khoa học năm 2016, một số khách mời xác nhận không sử dụng dịch vụ hỗ trợ lưu trú từ trường.

Một số khách mời chưa xác nhận mặc dù đã liên hệ, đôn đốc xác nhận về nội dung nêu trên.

Đối với bộ chứng từ tổ chức đoàn khách nước ngoài tham dự hội nghị khoa học đi Bái Đính, một số khách mời là chuyên gia nước ngoài, cán bộ của trường đã xác nhận không tham gia, đối với các sinh viên trong danh sách đã ra trường không có điện thoại liên hệ trao đổi nên chưa tổ chức làm việc xác nhận nội dung này.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, việc tổ chức hội nghị khoa học năm 2016 của trường, Hiệu trưởng phê duyệt kế hoạch chi phí nhưng kinh phí tổ chức thực hiện cao hơn nhiều so với quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ và Thông tư số 01 ngày 6/1/2010 của Bộ Tài chính quy định về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

Theo đó, với mỗi khách quốc tế, mức thuê phòng tối đa là 500.000 đồng/một người, ăn không quá 270.000 đồng/người. Việc Hiệu trưởng phê duyệt kinh phí và thực hiện hợp đồng dịch vụ số 1930, do Công ty cổ phần tổ chức Hội nghị Việt Nam tổ chức với định mức cao hơn quy định ăn nghỉ là 307 triệu.

Thực tế, trường tổ chức thực hiện hợp đồng dịch vụ số 1930 cao hơn so với báo giá trao đổi của Công ty VNC số tiền là hơn 225 triệu. Mức giá hợp đồng dịch vụ 1930 tại khách sạn Sen cũng cao hơn nhiều so với mức giá niêm yết của khách sạn này trên các phương tiện đăng ký online.

Ngoài ra, trong vụ việc này, bộ chứng từ thanh toán vi phạm quy định của pháp luật về quản lý tài chính, các cá nhân liên quan đã lập phê duyệt chứng từ thanh toán các nội dung trên không đủ thực tế và đã được thanh toán không đúng quy định.

Lãnh đạo khoa thu tiền của sinh viên trái luật

Ở nội dung tố cáo khác, đơn thư tố cáo việc thu lệ phí thực tập tốt nghiệp và quỹ khoa của khoa Điều khiển tự động hóa không đúng quy định.

Nội dung tố cáo này, Bộ Công Thương xác định là là đúng thực tế, có cơ sở.

Theo đó, khoa Điều khiển tự động hóa thực hiện không đúng quy định về quản lý tài chính, thực hiện một số khoản thu đối với sinh viên không có trong quy chế của nhà trường, trái pháp luật, một số khoản thu trái quy định về đào tạo, quản lý tài chính của nhà trường.

Cụ thể như trả nợ môn học, lệ phí thực tập, lệ phí thi lại lần 3 gây ảnh hưởng xấu, mất uy tín về công tác quản lý đào tạo của nhà trường.

Khoa Điều khiển tự động hóa thực hiện thu lệ phí tốt nghiệp 200 nghìn/một sinh viên và được thực hiện từ lâu.

Lãnh đạo khoa ở ĐH Điện lực thu lệ phí tốt nghiệp rồi chi cho các thầy cô - Ảnh 4.

Lãnh đạo khoa Điều khiển và tự động hóa của trường ĐH Điện lực được xác định có nhiều sai phạm. Cụ thể trong đơn tố cáo được Bộ Công Thương xác minh thì có việc thu tiền của sinh viên trái luật.

Đây là khoản thu trái quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của nhà trường. Lãnh đạo khoa trong các thời kỳ đến thời điểm thanh tra để xảy ra sai phạm đã tự ý tổ chức thu và chi cho các thầy cô trái quy định của pháp luật.

Để xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu và sai phạm nghiêm trọng tại khoa Điều khiển và tự động hoá, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy khoa, lãnh đạo khoa qua các thời kỳ từ khi bắt đầu có sai phạm.

Trách nhiệm gồm nguyên lãnh đạo khoa, ông Chu Đức Toàn - Phó trưởng khoa, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó trưởng khoa phụ trách khoa.

Ông Trung mặc dù về nhận công tác từ tháng 8/2019, nhưng với vai trò là người đứng đầu nên chịu trách nhiệm vì sai phạm do không kip thời báo cáo lãnh đạo nhà trường xử lý tồn tại, sai phạm.

Cùng với đó là trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của các đơn vị cấp dưới.

Cũng ở khoa Điều khiển và tự động hoá, với đơn thư tố cáo việc thu tiền chống trượt của sinh viên cao đẳng khóa 16 (C16), Bộ Công Thương xác định nội dung tố cáo là có cơ sở, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo đó, có 22 sinh viên của lớp C16 nộp tiền chống trượt tốt nghiệp với tổng số tiền 70 triệu đồng. Số tiền này được sinh viên lớp đưa cho ông Chu Đức Toàn - phó trưởng khoa Điều khiển và tự động hoá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem