Anh sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam khi tham gia CPTPP

An Linh Thứ bảy, ngày 08/06/2024 16:33 PM (GMT+7)
Bên cạnh lợi ích như mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư, việc Việt Nam và các nền kinh tế CPTPP phê chuẩn Vương quốc Anh - Bắc Ireland tham gia CPTPP có thể giúp gia tăng hợp tác đầu tư, tận dụng tốt các ưu đãi, cơ chế sẵn có để thúc đẩy hợp tác song và đa phương.
Bình luận 0

Sáng nay 8/6, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước đọc Tờ trình về việc Việt Nam phê chuẩn Vương quốc Anh - Bắc Ireland gia nhập CPTPP. Tại Tờ trình, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam cho biết, việc Anh và Bắc Ireland gia nhập CPTPP giúp củng cố vai trò, thúc đẩy song phương giữa hai nước. Việc này cũng giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam, bởi đây là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Theo Phó Chủ tịch nước, Việt Nam và Vương quốc Anh - Bắc Ireland đã có quan hệ FTA song phương, việc nước này gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.

Anh sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam khi tham gia CPTPP- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân

Theo Phó Chủ tịch nước, với Việt Nam, Anh và Bắc Ireland sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường, áp dụng hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại, giảm thuế nhập khẩu đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc này tạo cơ sở để Việt Nam đề nghị các nước sớm công nhận các quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam trong quan hệ kinh tế đặc biệt là phòng vệ thương mại, các vụ kiện và không áp đặt hạn ngạch nhập khẩu hàng hoá.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện 11 nước thành viên CPTPP và Anh đã kết thúc đàm phán từ tháng 3/2023 và ký thỏa thuận đưa Anh trở thành thành viên của khối thương mại 12 nền kinh tế vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, để được công nhận chính thức, Quốc hội và Nghị viện các nước thành viên CPTPP cần phê chuẩn các văn kiện liên quan.

Theo ông Diên, khi là thành viên của CPTPP, Anh sẽ mở cửa thị trường với Việt Nam trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của doanh nhân, dịch vụ tài chính, mua sắm Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, hai nước ký cam kết song phương về các lĩnh vực lao động - công đoàn, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ (nội dung bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật hoặc dữ liệu bí mật khác với nông hóa phẩm, các biện pháp liên quan tới lưu hành một số dược phẩm) và dịch vụ tài chính.

Anh sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam khi tham gia CPTPP- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Anh và Bắc Ireland sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (Ảnh: QH.VN).

Thực tế, Việt Nam và Vương quốc liên hiệp Anh Bắc Ireland từ cuối năm 2020 đã ký và thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương UKVFTA, bản hiệp định này có hiệu lực từ cuối năm 2020 trở đi. Đến năm 2023, sau 3 năm thực thi, UKVFTA có những kết quả bước đầu song khá khiêm tốn.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam dù tăng song chưa cán mốc 10 tỷ USD, xuất khẩu của Việt Nam sang xứ sở sương mù cũng chưa thực sự đột phá.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2023 Việt Nam xuất khẩu hơn 6,3 tỷ USD hàng hoá vào Anh, còn nhập khẩu chưa đầy 1 tỷ USD; nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may và thuỷ sản.

Các năm trước 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Anh cũng đạt hơn 6 tỷ USD, nhập khẩu chỉ hơn 770 triệu USD. Năm 2021, Việt Nam xuất sang Anh cũng hơn 5,7 tỷ USD, nhập về hơn 850 triệu USD. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Anh hơn 4,9 tỷ USD hàng hoá, nhập về hơn 680 triệu USD.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM cho biết: Việt Nam gia nhập CPTPP đến nay được gần 5 năm, dù đã được những thành tựu lớn song tiềm năng vẫn còn nhiều, đáng nói là hàng Việt vào các thị trường khắt khe như Nhật Bản, Úc, Singapore vẫn thấp, trong khi đó với việc mở cửa song phương, Việt Nam đang nhập rất nhiều hàng có giá trị cao từ các nước khác, nhiều thị trường FTAs Việt Nam tham gia, chúng ta bị nhập siêu.

Anh sẽ công nhận quy chế kinh tế thị trường với Việt Nam khi tham gia CPTPP- Ảnh 3.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM

"Đối với Anh và Bắc Ireland, đây là thị trường khó tính, với cơ chế quy định rất chặt chẽ về an toàn, an ninh sản phẩm, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là nhãn hàng xanh. Chinh vì vậy, Việt Nam cần thay đổi quy trình sản xuất, thích ứng nhanh với các tiêu chuẩn mới của các thị trường có dư địa cao để dễ đã dạng hoá, đa phương hoá kênh xuất khẩu", ông Ngân nói.

Cũng về chủ đề này, chuyên gia về thuế ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho hay: Với việc giảm và lộ trình cắt bỏ ngay các mặt hàng xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Anh và từ Anh, Bắc Ireland vào Việt Nam ngay tại thời điểm các bên chính thức gia nhập, có thể nói Việt Nam có lợi thế to lớn để xuất khẩu các hàng hoá như nông sản, thuỷ sản, trái cây và đồ thủ công mỹ nghệ.

Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu có độ nhạy cảm cao như máy móc, công nghệ, dịch vụ tài chính hoặc dịch vụ tiêu dùng, bảo hiểm Việt Nam cũng có lợi thế khi hàng rào về thuế được gỡ bỏ hoặc có lộ trình gỡ bỏ. Các rào cản đối với lao động, thuê chuyên gia hoặc hợp tác về nhân lực cũng có thể sẽ được khuyến khích khi Anh gia nhập CPTPP.

"Việc Anh và Bắc Ireland tham gia CPTPP sẽ tăng thêm bạn hàng, đối tác của Việt Nam cũng như 10 quốc gia thành viên khác. Tuy nhiên, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau, Việt Nam có cơ hội, các nước cũng đều có cơ hội và hiệu quả cơ hội chính là tận dụng được tốt các chính sách của nhau để khai thác tối đa giá trị của thị trường", ông Phụng nêu.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các đối tác ký năm 2018, Việt Nam phê chuẩn tham gia tổ chức này từ năm 2019.

Đến nay, tổ chức này bao gồm 11 nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản, Úc, New Zealand, các nước ASEAN có Singapore, Việt Nam, Brunei, Malaysia; các nước châu Mỹ và Caribe là Canada, Peru, Mexico, Chile.

Quy mô dân số khu vực này khoảng 500 triệu dân, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nếu có sự tham gia của Anh, nhóm này sẽ đóng góp 15% GDP toàn cầu.

Anh đã bày tỏ ý định ra nhập CPTPP từ sớm, khi nước này rời bỏ liên minh châu Âu và khu vực đồng tiền chung Eurozone (gọi tắt là Brexit). Nước này nộp đơn gia nhập CPTPP từ năm 2021 và lần lượt có đàm phán riêng với các nước thành viên CPTPP. Với Việt Nam, sau khi kết thúc đàm phán song phương, dự kiến văn kiện các Nghị định thư phê chuẩn Anh và Bắc Ireland sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua dự kiến vào ngày 25/6.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem