Bộ GTVT cho biết, Bộ này đã giao Cục hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.
Cùng với đó, Cục hàng không Việt Nam đã có báo cáo và đề xuất phương án khung giá vé máy bay, tuy nhiên, Bộ đánh giá đây là một vấn đề có tác động rất lớn nên cần sự cẩn trọng, khách quan, có tính toán khoa học.
Bộ GTVT cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay nội địa phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo.
Để đảm bảo quyền lợi của các hãng hàng không, hành khách, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam, các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau, trong đó có đánh giá tác động cụ thể.
"Đồng thời, sẽ tổ chức làm việc, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định", Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, ngày 26/10, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản 7825/VPCP-KTTH gửi tới Bộ GTVT về việc áp dụng giá sàn vé máy bay nội địa.
Văn bản nêu rõ, ngày 3/10/2021, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đánh giá về việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa.
Trên cơ sở đó, chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn vé máy bay. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên của chuyên gia Ngô Trí Long để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời chuyên gia Ngô Trí Long.
Theo thư của chuyên gia Ngô Trí Long, trên thị trường hàng không nội địa hiện nay có 6 hãng hàng không đang hoạt động. Trong đó Vietnam Airlines chiếm khoảng 35%, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%.
Như vậy, theo Luật Giá, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đối với doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường, thì nhà nước quy định giá trần (Giá tối đa).
Đối với những doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì Nhà nước quy định giá sàn (Giá tối thiểu). Vé bay của các hãng hàng không thuộc trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ, không thuộc diện áp giá sàn.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, áp giá sàn vé máy bay là trái quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa hiện nay mà Luật Giá, Luật Cạnh tranh và Luật Hàng không đã quy định...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.