Bác sĩ phát hiện vụ ngộ độc pate Minh Chay thế nào?

Thứ tư, ngày 02/09/2020 21:13 PM (GMT+7)
Lần đầu tiếp nhận chùm ca bệnh lạ, các bác sĩ ở TP.HCM mất nhiều thời gian tìm hiểu để xác định loại vi khuẩn gây ngộ độc.
Bình luận 0

Tính đến chiều 2/9, số bệnh nhân bị ngộ độc pate Minh Chay đang điều trị tại các cơ sở y tế ở TP.HCM là 9 người. Trong đó, 3 trường hợp tiên lượng nặng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Nhân dân 115. Những người này chưa có dấu hiệu cải thiện, yếu liệt chi và phụ thuộc vào máy thở. Nhiều ngày qua, các cơ sơ y tế chưa ghi nhận thêm ca ngộ độc mới.

Chia sẻ với Zing, các bác sĩ cho biết hành trình tìm ra vụ ngộ độc pate Minh Chay rất gian nan.

Đau đầu vì ca bệnh lạ

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong thời gian từ 24/7 đến 27/8, đơn vị này tiếp nhận và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp sau khi ăn pate Minh Chay.

Các trường hợp này được chuyển viện với cùng triệu chứng mờ mắt, nhìn đôi, sụp mí, nuốt khó, nói khó, yếu tứ chi, nôn, đau bụng… Dấu hiệu điển hình này khá giống bệnh uốn ván. Tuy nhiên, sau khi xem xét, các bác sĩ loại trừ nguyên nhân này.

“Đầu tiên là hai vợ chồng ở Khánh Hòa, sau đó là chùm ca ở Đồng Nai, Vũng Tàu khiến chúng tôi khá bối rối vì chưa từng gặp trường hợp tương tự. Các bác sĩ nhiều lần hội chẩn, bàn bạc cùng nhau về các bệnh nhân đặc biệt này. Nhiều ý kiến và giả thuyết khác nhau cũng được đưa ra nhưng gần như bế tắc”, TS Hùng kể lại.

Bác sĩ phát hiện vụ ngộ độc pate Minh Chay thế nào? - Ảnh 1.

TS Lê Quốc Hùng thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Minh Chay. Ảnh: BVCC.

Theo dõi diễn biến của các trường hợp này, bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới xác định họ không mắc bệnh lý thần kinh thông thường. Vì vậy, nguyên nhân gây bệnh chắc chắn xuất phát từ yếu tố bên ngoài.

“Sau khi tìm thấy manh mối này, mỗi y bác sĩ của khoa tự tìm hiểu thông tin qua các ca bệnh có dấu hiệu tương tự trên thế giới và trong nước. Cá nhân tôi có hơn một tuần đọc sách, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, các tài liệu, y văn. Kết quả là chúng tôi cùng đưa đến nhận định dấu hiệu trên phù hợp với bệnh cảnh do Clostridium botulinum gây ra”, TS Hùng nói.

Như tìm thấy "ánh sáng", các bác sĩ bắt đầu khai thác bệnh sử của những người đang nằm viện.

“Để bệnh nhân nhớ ra được những đồ ăn, thức uống đã sử dụng không phải chuyện dễ dàng. Chúng tôi đã gợi ý cho họ về các thực phẩm có nguy cơ nhiễm vi khuẩn này. Kết quả bất ngờ là những người này đều từng ăn pate Minh Chay”, ông nói.

Bác sĩ phát hiện vụ ngộ độc pate Minh Chay thế nào? - Ảnh 2.

Pate Minh Chay bị phát hiện chứa vi khuẩn Clostridium botulinum - độc chất được nhận định nguy hiểm nhất thế giới. Ảnh: Minhchay.com.

Song song với hành trình của Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết sau khi tiếp nhận 2 trường hợp là chị em nhập viện với triệu chứng khó nuốt, không thể há miệng, bác sĩ đã loại trừ bệnh uốn ván. Từ đây, họ bắt đầu hành trình tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng bệnh lạ này.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã thăm dò đồng nghiệp ở nhiều cơ sở y tế khác nhau. Cùng thời điểm, một bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đang học tại đây cho biết cơ sở y tế này đang điều trị 5 chùm ca tương tự. Hai bệnh viện đã hội chẩn để xác định nguồn gốc vi khuẩn này và báo cáo Bộ Y tế.

Lúc này, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng TP.HCM cũng đưa ra kết luận các hộp pate Minh Chay có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum.

Thuốc giải độc có tác dụng trong một tuần sau khi phát bệnh

Theo TS Hùng, thuốc kháng độc tố botulinum có tác dụng giải độc tốt nhất trong 3 ngày sau khi phát bệnh, thời gian lâu nhất là một tuần. Trong khi đó, đa số bệnh nhân có triệu chứng bệnh sớm nhưng nhập viện muộn. Lúc này, dù có thuốc giải độc, việc điều trị không mang lại hiệu quả như mong muốn.

"Việc nhập thuốc giải độc cần khoảng thời gian nhất định. Qua trao đổi, tôi được biết hai bệnh nhân ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được sử dụng thuốc giải ở tuần thứ 4. Trước đó, bệnh viện mất 5 ngày để đặt mua thuốc từ Thái Lan", TS Hùng nói.

Bác sĩ phát hiện vụ ngộ độc pate Minh Chay thế nào? - Ảnh 3.

Nam bệnh nhân 54 tuổi bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC.

TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết Việt Nam chưa có thuốc kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum.

Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế nhập khẩu sớm, đề phòng tình huống phức tạp trong thời gian tới. Thuốc kháng độc tố botulinum là chế phẩm được làm từ huyết thanh ngựa, giá khoảng 8.000 USD một lọ.

TS Hảo cho biết nếu phát hiện và nhập viện chậm trễ, độc tố đã tác động xấu đến các tổ chức thần kinh của người bệnh. Khi đó, người bệnh chỉ có thể chờ tế bào thần kinh tái tạo. Thời gian này có thể kéo dài 2-3 tháng.

Theo TS Lê Quốc Hùng, trong thời gian chờ thuốc từ Bộ Y tế, các bệnh viện phải áp dụng biện pháp điều trị hỗ trợ cho người bệnh như thở máy, lọc máu, thay huyết tương…

Botulinum là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Loại này có 7 chủng gây bệnh được ký hiệu từ A đến G. Trong đó, vi khuẩn type A, B thường được tìm thấy ở người.

Trung bình từ 12-36 giờ hoặc có thể vài ngày sau khi khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm, người bị nhiễm botulinum sẽ xuất hiện các triệu chứng đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân.

Sau cùng, bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở do liệt các cơ hô hấp, nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

“Dù được điều trị tích cực, tình trạng liệt ở các bệnh nhân có thể kéo dài vài tháng, thậm chí không hồi phục”, TS Lê Quốc Hùng nhận định.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đây là loại ngộ độc không xảy ra thường xuyên. Vì vậy, số lượng công ty muốn sản xuất và cung cấp thuốc giải rất ít. Điều đó dẫn tới nguồn cung trên thị trường khan hiếm và giá thuốc đắt.

Do loại này được xếp vào nhóm “thuốc mồ côi”, các quốc gia phải dự trữ chúng cùng các thuốc hiếm khác. Vừa qua, hai bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai được sử dụng thuốc giải nhập từ Thái Lan với giá 8.000 USD. Đất nước này chỉ dự trữ dưới 10 lọ. Nhãn thuốc ghi rõ là chỉ sử dụng từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Theo ông Nguyên, Việt Nam cần có kho thuốc dự trữ như vậy để bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Sản phụ bị ngộ độc pate Minh Chay chưa thể tự thở Sau hơn một tháng nằm viện vì ngộ độc pate Minh Chay, người phụ nữ mang thai 22 tuần ở Nha Trang chưa thể giao tiếp bình thường.
Bích Huệ (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem