Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết trên đất của người Thái

Bài: Hoàng Ngọc Linh - Ảnh: Ngô Văn Hùng Thứ ba, ngày 23/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Từ thành phố Thanh Hóa đi về phía Tây 54km, Thường Xuân là môt huyện miền núi có 17km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Là nơi non xanh nước biếc, thiên nhiên trù phú, còn nguyên những nét hoang sơ của núi rừng; được ví là hòn ngọc xanh quý giá của vùng núi Tây Thanh Hóa.
Bình luận 0

Dân tộc Thái chiếm đại đa số dân số của huyện. Một vài năm trở lại đây, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng Thường Xuân đang dần phát triển, định hướng xóa đói giảm nghèo cho bà con trong một số bản có tiềm năng. Tuy nhiên, khi đã dần dần quen với du lịch thì dịch Covid-19 xuất hiện và ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân.

Từ nhà tôi sang đất Thường Xuân chỉ cách một cây cầu nhỏ. Nhưng tôi cảm giác như từ đầu bên này và đầu bên kia luôn là hai thái cực khác biệt. Nếu như vào mùa hạ, cây cầu bên này vẫn đang là sắc hè rộn rã, đầu cầu bên kia đã là hơi thở mát lạnh của mùa thu. 

Năm nay Tết buồn hơn mọi năm, mọi người lo phòng chống dịch, ngày Tết cũng chẳng dám đi đâu xa. Theo lệ đầu năm lên núi, cuối năm xuống biển; nếu là thời điểm không có dịch ngoài đường đã tấp nập người và xe rộn rã. Giờ thì chỉ có tiếng thở của đất trời vào xuân, và những màu xanh rất khác nhau ngút ngàn tầm mắt của núi rừng.

Cầu treo vào Bản Mạ

Cầu treo vào Bản Mạ

Tôi đến thăm bản Mạ, bản Vịn vào chiều mùng 4 Tết. Cờ đỏ vẫn bay dọc theo cây cầu treo bắc qua đường vào bản. Không còn cảnh những cô gái Thái mặc trang phục dân tộc đẹp mê hồn hướng dẫn đoàn khách tham quan vào thăm bản; không còn những buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ đặc sắc của đồng bào người Thái ở bãi đất trống dưới chân cầu. Bản Mạ thật yên bình và vắng lặng. Mùa xuân, những điệu hát xường, hát giao duyên, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng và các trò chơi dân gian như đánh mảng, đi cà kheo, ném còn, nhảy sạp... đều là những tinh hoa mà người Thái cố gắng gìn giữ và phát huy. 

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết trên đất của người Thái - Ảnh 2.

Thuyền nằm im trên bến.

Mỗi độ Tết đến xuân về, huyện Thường Xuân lại tổ chức các lễ hội như lễ hội Nàng Han, lễ hội Cửa Đặt, lễ hội rước Thành Hoàng làng… Nhưng đồng bào dân trí ngày một cao, cũng hiểu sự nguy hiểm của bệnh dịch, nên ai cũng bảo nhau, thôi để dành tới khi nào con Covid nó rời khỏi nước Việt mình rồi ta lại làm lễ hội, rứa cái bụng mình nó mới vui được. Những chiếc thuyền xanh đỏ ngày nào còn đua thuyền mừng lễ hội Cơm mới, nay nằm im lìm và tư lự trên bến vắng. Nước sâu thẳm xanh ngăn ngắt và mây trời xanh bay…

Hai cô gái Thái đi chơi xuân

Hai cô gái Thái đi chơi xuân.

Đường vào bản quanh co, những nếp nhà sàn lủn củn bạc phếch, những gốc đào rừng xù xì vươn những cánh tay chi chít nụ xuân ra đón gió trời. Khói lam xanh biếc như những dải lụa mềm của nàng thiếu nữ, cứ quyến luyến vấn vít lên tay lên áo người qua lại. Mùi cơm lam thơm phưng phức, thật khiến người ta thấy phong vị mùa xuân thân thuộc và gần gũi. Chỉ có lũ trẻ con vẫn vui với niềm vui Tết, xúng xính áo xanh áo đỏ vui đùa trên đường đất, khoe nhau những phong bao lì xì đỏ. Thật ra chỉ có người lớn là bận rộn và lo toan, còn trẻ con hãy để cho chúng thỏa thuê với những khoảng trời hồn nhiên, vô tư lự.

Sông xanh nước biếc Thường Xuân.

Sông xanh nước biếc Thường Xuân.

Tôi bắt gặp 2 cô gái người Thái đang lội suối đi chơi với trang phục ngày xuân rạng rỡ. Con gái Thái da trắng tinh, không chút son phấn mà nét rạng rỡ làm ngả nghiêng cả đất trời. Thật ra xuân đến ngay từ trong lòng người, một năm Covid khó khăn đi qua, nhưng khi Xuân đến con người ta vẫn luôn mở lòng háo hức chờ mong, là động lực để tiếp tục phấn đấu, hi vọng năm mới khởi sắc, tươi tắn hơn.       

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết trên đất của người Thái - Ảnh 5.

Lũ trẻ trong bản vui đùa ngày Tết

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Tết trên đất của người Thái - Ảnh 6.

Khói bếp xanh lam của bữa cơm đầu năm người Thái.

Tháng giêng rét ngọt, không chỉ người Thường Xuân mà nhiều nơi trên đất Thanh Hóa đều một lòng hướng về Khu di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Cửa Đạt dâng hương. Đền thờ vị quan Cầm Bá Thước (một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương thế kỉ XIX) và Bà Chúa thượng ngàn (Mẫu Đệ nhị cai quản miền rừng núi). Người Thái tôn sùng Cầm Bá Thước như người Mường tôn sùng vua Lê Thái Tổ Lê Lợi bằng tất cả sự thiêng liêng và kính trọng; cầu cho ngài phù hộ sức khỏe và bình an; cầu xin Mẫu phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. 

Từ khi có chỉ thị hạn chế tập trung nơi đồng người của Chủ tịch UBND tỉnh, Cửa Đạt đã trở nên vắng lặng. Chỉ có một số người dân ở gần đó lên dâng hương, thưa thớt, ai cũng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Nhưng trong sâu thẳm trái tim người Thái, trong thời khắc thiêng liêng đầu năm, dù không thể lên tận nơi, cũng đều khấn vọng và gửi niềm tôn kính tới các vị thánh thần. Dịch Covid 19 có thể làm gián đoạn và tạm dừng nét văn hóa đầu năm thiêng liêng ấy của người Thái, nhưng không thể làm mất đi sự nồng nhiệt và những trái tim luôn đập những nhịp yêu thương mạnh mẽ, chân thành của đồng bào miền sơn cước.

Khu di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Cửa Đại

Khu di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Cửa Đại

Chiều muộn buông xuống. Trong đền chỉ còn tiếng gõ mõ tụng kinh và khói nhang thơm bay, cầu cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, quan trọng nhất là mong dịch bệnh nhanh chóng được đẩy lùi để mọi thứ được trở về với guồng quay của nó, để người Thái trên đất Thường Xuân có cuộc sống thêm tốt đẹp và ấm no hơn, hi vọng mùa xuân 2022 tới được cùng nhau đón một cái Tết trọn vẹn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem