Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về

Nguyễn Thị Thùy Dương Thứ tư, ngày 01/02/2023 10:00 AM (GMT+7)
Giáp Tết, trời Sài Gòn se lạnh, người ra đường ai cũng co ro trùm kín mít nào khăn nào áo ấm mà chống chọi với những trận gió lạnh ùa về.
Bình luận 0

Khép nép bên gốc cây ven đường, cạnh mấy chậu cúc đại đóa khoe sắc vàng tươi là bóng dáng những chiếc áo xanh đang ngồi bệt trên vỉa hè nghỉ mệt. Tôi cầm cái điện thoại cùi, mặt điện thoại trầy… hơn mặt thớt "đánh dây thép" gọi về cho "công chúa nhỏ". Đầu dây bên kia vang lên giọng trẻ con non nớt:

"Mẹ ơi, chừng nào mẹ về".

"Con nói với ngoại qua Tết mẹ mới về nha. Bé Quỳnh ở nhà với ngoại ngoan, mẹ sắm cho Quỳnh, ngoại  với cậu quần áo mới nè thêm bánh kẹo với búp bê Elsa nữa, mai mốt mẹ đem về cho con nhé!".

"Mẹ ơi… mấy bữa nay ngoại ho nhiều, đau lưng nữa. Tối nào con cũng đấm lưng cho ngoại hết".

"Giỏi, bé Quỳnh ngoan, ở nhà phải nghe lời ngoại. Nói ngoại bớt bớt mần, ráng thêm ít bữa mẹ về nha".

"Dạ!"

***

23 tháng Chạp, người Sài Gòn nao nức sắm sanh lễ vật cúng ông Công ông Táo, phố xá nhộn nhịp hơn, người qua lại càng thêm vội vã, nghe hương Xuân đã đến rất gần. Người ta vội để kịp buổi chợ, để kịp giờ làm và còn để kịp quay về nhà đoàn viên ba ngày Tết.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về - Ảnh 1.

Xuân về. Ảnh: NVCC

Năm năm rồi từ ngày rời quê nhà lên Sài Gòn làm công nhân vệ sinh môi trường tôi toàn… ăn Tết muộn. Làm cái nghề không mấy thơm tho đến con gái đi học cũng bị chê cười "con bà quét rác", lắm lúc ngẫm lại cũng tủi nhưng thôi… lao động chân chính mọi việc... cứ để ông trời tính sao phải buồn. Người ta đưa ông Táo xong là rục rịch sắp xếp hành trang chuẩn bị về quê ăn Tết còn tôi lại ngược đời khi nào nhà nhà người người ăn Tết chán chê từ quê trở lên thành phố thì tôi mới đơn phương "ngược dòng" về ăn Tết muộn với gia đình. Hàng xóm, họ hàng cũng gièm pha: "Một năm có ba ngày Tết cũng không về cho đúng dịp… tham tiền cho lắm bỏ con bỏ mẹ". 

Miệng đời nhiều khi cay nghiệt… nhưng xin lỗi và xin phép thị phi ơi xin được lướt qua nhau. Dăm ba triệu tiền làm mấy ngày Tết không bao nhiêu đối với một số người nhưng là cả một gia tài đối với nhà tôi, là biết bao thang thuốc cho mẹ và rất nhiều bộ quần áo đẹp cho con. Mẹ đơn thân than thân không ai biết, nhà đơn chiếc có nói lý thuyết cũng chẳng ai nghe, mặc kệ đời mặc kệ người cứ vô tư mà sống vậy.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về - Ảnh 2.

Một ngày bình thường. Ảnh: NVCC

Giờ này ở nhà chắc mẹ cũng chuẩn bị đón Tết rồi. Nhà nghèo cô quạnh quanh đi quẩn lại chỉ một bà một cậu một cháu ngoại nên ăn Tết cũng rất giản đơn. Sáng 23 tháng Chạp, mẹ dọn dẹp gọn gàng gian bếp nhỏ, xới sạch tro và "tắm rửa" sạch sẽ cho cái bếp củi rồi bày biện xôi chè, bánh trái tiễn đưa ông Táo về trời. Tội nghiệp mẹ tôi, cái bếp nấu ngót chục năm trời, bể miệng, bung vành không biết bao nhiêu bận xi măng chắp vá nhưng mẹ cứ tiếc để dùng hoài không nỡ bỏ vì nó là món đồ cuối cùng ba mần để lại cho vợ con. Nhà nội tôi trước làm nghề đúc lò trấu lò củi truyền thống đã truyền qua mấy đời nhưng đến  đời cha tôi thì "thất truyền" bởi hai chị em tôi chẳng đứa nào có "đam mê" chế tác ông Táo cả. Ngày trước còn sống ba thường nói giỡn: "Người ta chết để lại hũ vàng. Ba bây để lại cái lò nấu cơm". Bởi vậy mẹ mới nói hoài "mần gì thì mần cái lò phải giữ lại nghen bây".

Độ 25 Tết là thằng út được nghỉ học, có thêm "lực lượng" phụ dọn nhà, tảo mộ với chạy vặt linh tinh. Miền tây sông nước gì không có chứ trái cây thì đầy vườn, bởi vậy Tết nhà tôi không cần mua bánh mứt gì cứ cây nhà lá vườn, ngoài hè có trái gì là nhà có mứt đó: Mứt mận, chùm ruột, thơm, me, cà chua... tha hồ mà mần chừng nào mệt thì thôi.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về - Ảnh 3.

Mứt trái cây... nhà có trái gì làm mứt đó. Ảnh: NVCC

26 Tết, sân nhà treo sào lạp xưởng, 27 Tết đánh bóng bộ lư đồng, hai tám dọn dẹp gian thờ. 29 Tết nhà nhà nô nức đi chợ Tết.  Ăn Tết miền tây không thể thiếu nồi thịt kho tàu và tô canh khổ qua dồn thịt, đó là "quốc hồn quốc túy", là tinh hoa ẩm thực Tết mà người con Nam bộ nào cũng thấm nhuần. Mà ngộ thiệt cũng nồi thịt ấy cũng tô canh đó bất cứ thời điểm nào trong năm cũng có thể nấu và ăn được nhưng sao Tết đến mới thấy nó ngon đến nao lòng chắc là do "hương của Tết, vị của gia đình" hòa quyện nên chăng?

Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về - Ảnh 4.

Nồi thịt kho... Ảnh: NVCC

Đêm 30 Tết, nhà hàng xóm cười nói vang trời xúm xít quây quần canh nồi bánh tét, nhà tôi lặng lẽ một già một trẻ một bé con tập trung vào… màn hình điện thoại đếm ngược, đón giao thừa online với con với chị với mẹ đang dọn dẹp vệ sinh đường phố chốn Sài Thành. Út nói mẹ có chuẩn bị nếp, đậu, lá hết rồi nhưng chưa gói bánh đợi ít bữa chị về cả nhà cùng gói bánh tét "cho nó biết Tết với người ta".

Bài dự thi Tết đoàn viên: Qua Tết con về - Ảnh 5.

"Đợi Hai về gói bánh nghen Hai". Ảnh: NVCC

Tôi nghe mắt cay cay, cảm giác đâu đó trong dòng người đông nghịt xem pháo hoa mừng năm mới dường như có gia đình có mẹ có em có cả con tôi cùng hiện diện. Gia đình trong tim tôi tuy xa mà gần, Tết như có cũng như không. Đâu phải một năm Tết chỉ đến một lần, bất kể khi nào bạn ở bên gia đình bên những người thân yêu nhất thì khoảnh khắc đó chính là Tết - Tết đoàn viên.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

 

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem