Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết bên bà trong bệnh viện

Đặng Đức Lộc Thứ hai, ngày 30/01/2023 13:08 PM (GMT+7)
Bà ốm đúng dịp Tết, tôi lên viện thay mợ chăm bà. Bà tôi già rồi, đã ngoài chín mươi, lắm bệnh, bác sĩ bảo cần ở lại theo dõi, nhưng cô dì chú bác ai cũng bận, Tết nhất mà. Cuối cùng, đành họp gia đình và chọn tôi - đứa cháu nội duy nhất làm công việc tự do, không vướng bận, đi lên chăm bà ốm.
Bình luận 0

Mợ bảo, chọn tôi là đúng quá rồi, tiện cả đôi đường. Tôi ậm ừ cho qua chuyện dù trong lòng chưa phục vì bao nhiêu dự định họp lớp, đi chơi đành gác lại. Tôi không sợ chuyện chăm bà ốm, nhưng tôi sợ nơi nhà thương, khi nằm cạnh bà, tôi phải nghe những câu chuyện "đời sơ", những lời than của bà và nhiều người già bên cạnh suốt mấy ngày Tết.

Mợ tôi dặn, bà kể kệ bà, tốt nhất cứ nhét bông gòn vào tai, thấy bà nói cứ gật gù là được. Chứ bà càng già tai càng nặng, miệng nói như chiếc radio mở sẵn, ai có thời gian đâu ngồi nghe. Tôi tin mợ vào nhà thương chăm bà không mang theo bông gòn mà nhét sẵn đôi tai nghe đời mới. 

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết bên bà trong bệnh viện - Ảnh 1.

Bà và ông tôi chăm đàn gà (ảnh chụp 5 năm trước). (Ảnh: NVCC)

Chiều 30 Tết, thấy tôi lên, bà mừng lắm! Tôi biết, với bà, tôi là đứa cháu bà thương nhất, bằng chứng ngày còn đi học tháng nào bà cũng cho tôi tiền - những đồng tiền mừng tuổi, tiền cấp dưỡng người già mà bà tích góp từ nhiều năm nay.

Tôi ngồi xuống và bà bắt đầu kể những câu chuyện không đầu không cuối, không cao trào hay thắt mở. Tôi im lặng, đầu gật gù như lời mợ dặn, còn bà cứ ngỡ có người nghe thoáng chốc lại bật cười vui lắm! Cứ thế, căn phòng toàn người già nói cười với nhau mà tôi biết chắc rằng chẳng ai nghe được lời người kia nói. Mà đâu chỉ riêng tôi đang phiêu theo tiếng nhạc, mỗi góc tường nơi con cháu đi chăm ông bà ốm vẫn bừng lên ánh sáng điện thoại, vang lên tiếng báo tin nhắn hay tiếng khúc khích cười với một người nào đó bên kia màn hình.

Trong một khoảnh khắc nào đó tôi thấy tim mình nhói đau. Tôi tự hỏi mình đang làm gì như thế này? Tôi chợt nhớ về những ngày Tết xưa, đêm giao thừa, tôi lại chạy xuống nhà ông bà rúc đầu vào chăn lắng nghe chuyện "đời sơ". Thế giới của tôi ngày đó nhẹ nhàng và bình yên biết mấy, bà kể ông nghe, tôi nằm im đắm chìm vào từng câu chữ, vào hơi ấm ông bà rồi ngủ lúc nào không hay…

Giờ ông tôi mất rồi, còn mình bà kể không ai đoái hoài. Tôi hối hận giật đôi tai nghe, đặt lên bàn, không gian chung quanh bỗng chốc tràn ngập tiếng nói cười của bà, của những người già cô đơn và lạc lõng.

Thật lạ, trong một giây phút nào đó tôi có cảm giác rằng mình đang được kết nối lại với bà, với những người già cách tôi ba, bốn thế hệ. Những câu chuyện tưởng chừng chán ngắt bỗng trở nên thấm thía lạ thường. Tôi không còn im lặng như đá mà hòa mình, tan chảy vào từng chuyện đời, từng ký ức buồn vui của những người già như bà tôi.

Như chuyện của cụ ông bên cạnh, ông than "con cái ai cũng thành đạt sao để cha mẹ chết khô, thời đại gì lạ thật". Hay cụ bà vừa truyền nước vừa tâm sự rằng "con trai trách, Tết phải vui, sao mẹ suy nghĩ nhiều nhưng đến tuổi này nỗi buồn nó tự ập đến, đâu muốn nghĩ đâu". Rồi chuyện chia đất, chuyện thờ cúng tổ tiên, chuyện Tết đói khổ năm xưa, chuyện chia ngày chăm cha mẹ… cứ thế tuôn trào trong thời khắc cuối năm.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết bên bà trong bệnh viện - Ảnh 2.

Trước khi ốm bệnh, bà tôi rất chăm đọc sách. (Ảnh: NVCC)

Sáng mồng 1, cô chú cùng đám cháu nội ngoại từ xa mới về lên thăm bà. Căn phòng bệnh có người trở nên rôm rả hơn thường lệ. Cô bác ở xa cứ luôn miệng hỏi bà khỏe không, bà thèm ăn gì, sang năm mới bà ước gì, thế mà bà bỗng im lặng, không nói câu nào nữa. Mợ tôi đùa, Tết nay đã khác Tết xưa chiếc radio cạn pin rồi, khiến tất cả cười vang, tôi im lặng vì biết bà đang giận.

Rồi người đưa, kẻ dúi vào tay bà những phong bao lì xì đỏ chói, rằng bà cứ cầm tiền thích mua gì thì mua, thích ăn gì thì ăn. Bà ngồi đó tay cầm đầy tiền mừng tuổi mà run run rồi bỗng hỏi ngược "tiền có ăn được không?". Mợ tôi cười, quay ra nói nhỏ, đấy bà thêm tuổi thêm lẩm cẩm rồi, nói trước quên sau, ăn rồi nói chưa, tiền mà đòi ăn được…

Câu chuyện đầu năm chuyển hướng, cô chú bác cùng con cháu bỗng bàn tán về chuyện thời gian gần đây lãi suất tăng, đất đóng băng, chuyện chứng khoán, chuyện ông nọ bà kia lên chức, từ nhiệm… Không ai hiểu rằng câu hỏi của bà chính là câu trả lời, tiền không ăn được, bà không cần tiền nhiều đến thế, bà chỉ cần được lắng nghe.

Rồi mọi người ra về để đi chúc Tết nội ngoại, tôi nắm tay bà hỏi nhỏ "bà muốn về nhà đón Tết không", bà lắc đầu rồi dúi nắm phong bao vào tay tôi, dặn "cất tiền giùm bà, nếu bà còn sống thì đưa lại bà ăn, nếu bà mất thì đưa ra lo đám".

Tôi ngồi đó bên cạnh bà, tay phải nắm phong bao lì xì, tay trái nắm chặt tay bà, cả hai đều lạnh. Tôi tự hỏi lòng, sau Tết này, tôi còn được đón bao nhiêu cái Tết cùng bà nữa?

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem