Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của thợ mỏ

Đặng Huỳnh Thái Thứ ba, ngày 31/01/2023 06:30 AM (GMT+7)
Tết năm nay tôi về Cẩm Phả ăn Tết với những người thợ mỏ. Hai mươi năm rồi kể từ ngày nghỉ hưu, hôm nay mới được trở về đây như về với chính ngôi nhà của mình. Ai cũng vui, ai cũng niềm nở bắt tay và ôm chặt lấy nhau.
Bình luận 0
Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của thợ mỏ (6h30) - Ảnh 1.

Bác Hồ về vui Tết với công nhân mỏ năm 1965 ảnh NSNA Công Vượng.

Những giọt nước mắt chảy vào trong làm cay cay sống mũi. Nghẹn ngào thân tình nói với nhau bằng những đôi mắt đỏ hoe. Tất cả đã bước sang tuổi tám, chín mươi cả rồi, không nói với nhau bằng ông, bằng cụ mà gọi nhau bằng tao, bằng mày như cái thời cuốc than trong lò chợ, rồi tràng giang đại hải ngôn ngữ riêng của thợ lò cứ tuôn ra tuồn tuột.

Bữa cơm tất niên, ông Nguyễn Xuân Quang bảo: "Không phải mời, chỉ cần nghe thấy tiếng mày về là nó kéo đến đông bây giờ đấy, cứ ngồi xuống mâm đi". Giữa Thành phố Cẩm Phả hiện đại ngày nay mà tôi thấy cứ như nhà quê. Một người đi đâu xa về là cả dân làng kéo đến. Không cần phải quà cáp, chỉ nhìn thấy mặt, thấy vóc người là mừng rồi.

Một lúc sau cánh thợ lò, thợ máy xúc... kéo đến đông đủ. Chất thợ mỏ có từ cái bắt tay, ánh mắt, nụ cười và uống rượu. Ông Quang giơ chai rượu cuốc lủi và rót ra bát cho từng người. "Nào uống, thợ mỏ là phải uống rượu bằng bát có nhớ không? Cứ một hơi, một bát mới sướng".

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của thợ mỏ (6h30) - Ảnh 2.

Công nhân Đèo Nai nô nức vào chiến dịch sản xuất "Vượt năng xuất cao" năm 1965. Ảnh: NSNA

Các ông nhớ lắm, ai cũng vanh vách kể lại những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Tết năm 1936 ông Quang mới ba tuổi, đến bây giờ hơn 80 năm rồi vẫn còn nhớ. Sau cuộc Tổng bãi công, phu mỏ được nghỉ một tháng, ngày 20 tháng Chạp đã rục rịch kéo nhau ra tàu thủy xuôi về Hải Phòng. Ngày 15 cúng tất niên, tất cả lều trại, nón, áo, thúng mủng có gì mang đốt hết. Ai cũng muốn tất cả đau thương, khổ ải của năm cũ tiêu tan ra mây khói để năm mới có nhiều may mắn. 

Ngậm ngùi giây lát ông Quang kể tiếp: Năm 1926 cụ thân sinh ra ông Quang là một trong bảy Đảng viên đầu tiên của vùng Cẩm Phả, Cửa Ông do cụ Đặng Châu Tuệ làm Bí thư Chi bộ. Ngày 1/5/1930, cụ cùng với cụ Ngô Huy Tăng kéo lá cờ Búa liềm lên đỉnh Cầu trục số 1 ở Bến cảng Cửa Ông. Cụ là nòng cốt trong cuộc Tổng đình công ngày 12/11/1936. Chỉ sau ít ngày, mật thám đã bắt cụ và đưa đi đâu không biết nữa. Mãi đến cuối thập niên tám mươi, mới được truy tặng mọi chế độ cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa...

Còn Tết năm 1955 sang năm 1956 là vô cùng sung sướng. Thợ mỏ đã thoát được ách nô lệ kìm kẹp của chủ mỏ thực dân Pháp. Hai tiếng phu mỏ bắt đầu thuộc về dĩ vãng, một từ xưng hô mới: Công nhân mỏ. Đúng là một cuộc đổi đời, cái Tết đầu tiên ấy, khắp mọi nơi trên tầng, trên đường phố, nhà nào cũng treo đèn kết hoa, treo cờ Tổ quốc. 

Tục đốt quần áo, lều trại trên tầng không còn nữa, thay vào đó là những bánh pháo dài hàng mét nổ liên tục từ giao thừa đến sáng ngày mồng một. Nam nữ thanh niên đổ ra vui đùa, người người nắm tay nhau nhảy sạp, vừa nhảy vừa hát Sòn sòn, sòn đô sòn... những bài ca hát mừng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang mãi. Đêm giao thừa, Thanh niên Cẩm Phả tổ chức  nhảy van, nhạc phát ra từ cái máy hát quay đĩa bằng kim, xè xè, cục cục. Người đông nghịt, ai cũng bá vai nhau nhảy, chân giẫm cả lên nhau, lăn ra cười rồi lại tiếp tục cho đến sáng. Không vui sao được, không cười sao được, đã bao năm cúi đầu làm nô lệ, bây giờ đã đổi đời, phải ngẩng cao đầu mà sống mà làm thật nhiều than cho Tổ quốc.

Sau những ngày Tết là những chiến dịch thi đua ra quân đầu Xuân. Mỏ Đèo Nai mở chiến dịch sản xuất than Điện Biên Phủ, phá đồi Hin Lam. Mỏ Cọc Sáu phất cao ngọn cờ năng suất cao. Nhiều chiến thi đua chạy 70 cây số/ngày (có nghĩa là vừa xúc than, vừa đẩy xe goòng từ gương tầng ra máng, các chuyến cộng lại là 70 cây số).

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của thợ mỏ (6h30) - Ảnh 3.

Thợ lò Vàng Danh bắt tay vào chiến dịch thi đua Mừng Đảng Mừng xuân. Ảnh: Vinacomin

Vùng mỏ hân hoan hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965). Tết năm ấy, Bác Hồ về ăn Tết với công nhân mỏ. Cả đêm giao thừa Hòn Gai và Cẩm Phả thao thức. Sáu giờ sáng ngày mồng 1 Tết, Đài truyền thanh phát tin, Bác Hồ về ăn Tết với công nhân mỏ, thế là một số người không kịp đi xe từ sớm, vội vã chạy bộ hơn 30 cây số về Hòn Gai để được nhìn thấy Bác. 

Sân Trường cấp ba Hòn Gai đông kín người, từ trên lễ đài Bác giơ tay vẫy chào. Bác khen ngợi vùng Than đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Chăm lo tốt đời sống công nhân, nhà ăn Than Trụ mỏ Đèo Nai là điển hình nhà ăn 5 tốt. Bác phê phán cán bộ còn quan liêu, phải đi sâu đi sát tham gia lao động, đẩy mạnh công tác quản lý xí nghiệp để tạo ra nhiều năng suất cao hơn nữa. Nhân dịp này, Bác tặng cho công nhân mỏ lá cờ thi đua luân lưu. Hàng năm đơn vị nào xuất sắc thì được thêu tên vào. Bắt đầu từ sang năm, cứ vào dịp Tết Bác tặng cho đơn vị xuất sắc một lẵng hoa tươi. Cả rừng người vỗ tay reo mừng, hứa quyết tâm thực hiện lời Bác dạy cùng nhau thi đua để được ghi tên vào cờ thưởng luân lưu.      

Bây giờ đi đến Phòng truyền thống của Công ty nào, mỏ nào thuộc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản, chúng ta đều thấy có một lẵng hoa của Bác Hồ hay Bác Tôn đặt trang trọng trong tủ kính. Nhưng mấy ai biết về sự tích của nó? Có được vinh dự này là cả một chặng đường vất vả. Một tháng trước Tết cánh thi đua chạy đôn, chạy đáo để nắm tình hình các đơn vị, bình chọn xem đơn vị nào xuất sắc, rồi làm báo cáo trình Bộ, trình Văn phòng Chủ tịch nước. Ngày 30 Tết túc trực ở Văn phòng Chủ tịch để nhận Lẵng hoa. Sau đó cấp tốc phi về Hòn Gai hoặc Cẩm Phả, 10 giờ đêm 30 mới về đến nhà. Lẵng hoa được trân trọng đặt giữa Hội trường. Sáng mồng 1 Tết cán bộ công nhân tập trung làm lễ chào cờ, đón nhận lẵng hoa tươi của Bác Hồ. Mọi người hân hoan vui mừng đón một năm mới nhiều thắng lợi.   

Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của thợ mỏ (6h30) - Ảnh 4.

Nụ cười thợ mỏ. Ảnh: Vinacomin

Những năm ấy ngày Tết thì vui nhưng ăn thì kém. Đất nước chiến tranh liên miên. Tất cả đổ ra chiến trường đánh Mỹ. Hậu phương Miền Bắc sống trong chế độ bao cấp, mọi thứ đều tem phiếu. Chuyện này là râm ran nhất, chúng tôi thi nhau kể. Không biết do đâu, ai đề xuất, cảnh ngăn sông cấm chợ giảm đi. Các mỏ được phép tự lo Tết cho công nhân. Hai ba tháng trước Tết từng đoàn xe ở Cẩm Phả, Hòn Gai kéo về các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... mua su hào, bắp cải, bí ngô... rồi gạo nếp, bò, lợn về chốt lại. Bắt đầu từ ngày 25 phân phối cho công nhân. Mổ lợn suốt ngày đêm 29, 30. Món gì cũng nhiều gấp mấy lần tem phiếu. Bấy giờ mới biết đến miếng giò, thịt đông, kho tàu, bánh chưng... Công nhân không có gia đình, ở tập đoàn 29 Tết có xe của mỏ đưa về tận làng, dù ở Thanh Hóa, Nghệ An. Sáng ngày 3 Tết lại có xe về đón ra mỏ để mồng 4 phát động chiến dịch thi đua "Mừng Đảng, mừng Xuân"...

Đã qua nhiều năm rồi, những người cùng cảnh  ngồi kể lại với nhau mới thấy thú vị. Càng kể càng thấy hay và không có hồi kết. Mọi vui buồn ngày ấy đã thấm sâu vào trái tim mỗi người.

Bây giờ con cháu sang thế hệ thứ hai, thứ ba rồi. Cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn, không biết uống rượu bằng bát, không biết xếp hàng mua gạo. Đã bước sang cuộc cách mạng 4.0, cái gì cũng mua qua mạng, người mang đến tận nhà. Đấy, con cháu chúng nó bây giờ kéo nhau đi du lịch Thái Lan, Singapore ăn Tết ở nước ngoài. Tết trở về sum họp thì nó lại ra đi... Lạ!

Ông Quang lắc đầu than vãn: "Mỗi khi mình kể, chúng nó kêu lên: "Lại chuyện ngày xưa". Sướng đấy nhưng chưa biết cội nguồn của đau khổ".

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

                                                      

                                               

 


 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem