Bài toán "nâng chất" cho y tế cơ sở: Bài 1: Bác sĩ trẻ mới ra trường có thật sự là "cứu cánh"?
Bài toán nâng chất lượng y tế cơ sở (bài 1): Đưa bác sĩ trẻ về trạm - giải pháp tình thế
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 23/06/2022 17:15 PM (GMT+7)
Sau khi đưa gần 300 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp về thực hành lấy chứng chỉ hành nghề tại các trạm y tế phường, xã, TP.HCM kỳ vọng đây là bước đầu tiên trong việc giải bài toán nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn.
Sau khi tốt nghiệp, Cao Minh Ngọc Hà (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tình nguyện về thực hành tại trạm y tế trên địa bàn quận 5. Hà là một trong số gần 300 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp được phân bổ về các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM với mục tiêu nâng cao chất lượng cho y tế cơ sở của UBND TP.HCM.
Một tuần, Hà làm việc luân phiên 3 ngày tại trạm y tế và 2 ngày thực tập tại bệnh viện. Thời điểm Hà mới về trạm, dịch Covid-19 vẫn chưa lắng xuống nên Hà được phân công hỗ trợ theo dõi, chăm sóc các F0 điều trị tại nhà, lấy mẫu, nhập liệu… Khi dịch được kiểm soát, Hà làm các công việc hỗ trợ khác do trưởng trạm y tế phân công nhưng cũng giống như các bạn cùng khoá khác, Hà chưa được thật sự khám bệnh, kê đơn do chưa có chứng chỉ hành nghề.
Bác sĩ Trần Văn Quý, Trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Phú (TP.Thủ Đức) cho biết, trạm tiếp nhận một bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp về thực hành. "Bác sĩ trẻ rất chăm chỉ và nhiệt tình trong công việc, giao việc gì cũng hoàn thành chu đáo, dù một tuần chỉ ở trạm 3 ngày. Nhưng do mới tốt nghiệp, chưa có chứng chỉ hành nghề nên bạn ấy chỉ được khám và kê toa cho bệnh nhân mắc Covid-19, còn với các bệnh thông thường khác thì chưa được phép kê đơn, vẫn phải do bác sĩ của trạm thực hiện. Dù gì thì việc có bác sĩ trẻ về trạm cũng rất tốt và chúng tôi rất mừng. Có còn hơn không", bác sĩ Quý chia sẻ.
TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã - khó quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn. Tình hình nhân lực tại các trạm y tế càng khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Thiếu thuốc, thiếu cả người kê toa
Bác sĩ chuyên khoa I Lâm Thanh Hương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức cho biết, năm 2015, theo chỉ đạo của Sở Y tế, các trạm y tế trên địa bàn triển khai khám BHYT tại trạm. Thời điểm đó chưa sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP.Thủ Đức nên khu vực quận Thủ Đức có 12/12 phường, xã đủ điều kiện; quận 9 cũ có 6/13 trạm; quận 2 chỉ có 1/7 trạm đủ điều kiện khám cấp thuốc BHYT. Hoạt động này được duy trì thực hiện đến năm 2020 thì ngưng.
Lý giải nguyên nhân này, bác sĩ Hương cho hay để khám được BHYT thì cần phải có bác sĩ của các bệnh viện hỗ trợ. Tuy nhiên, giờ làm việc của bác sĩ trùng với giờ tại trạm, vì vậy về lâu dài không đáp ứng được các điều kiện nên tạm ngưng cung cấp thuốc. "Hiện tại, TP.Thủ Đức chỉ còn duy trì được 2 phường là Bình Chiểu và Hiệp Bình Chánh. Bởi đây là phòng khám đa khoa vệ tinh thuộc Bệnh viện TP.Thủ Đức. Tất cả hoạt động tại phòng khám từ nhân sự, trang thiết bị, thuốc men đều do bệnh viện thực hiện, trừ địa điểm là được đóng tại trạm y tế của 2 phường này", bác sĩ Hương chia sẻ.
Theo bác sĩ Hương, nhiều trạm y tế người dân có nhu cầu thăm khám BHYT tại trạm, song trạm y tế thuộc tuyến 4 nên hạn chế về danh mục thuốc. Thời điểm còn duy trì hoạt động, 1 tháng trung bình các trạm y tế trên địa bàn (trừ 2 phòng khám đa khoa vệ tinh) có khoảng vài chục đến hơn 100 ca bệnh đến thăm khám. Trong thời gian thực hiện hoạt động thăm khám, thuốc BHYT tại các trạm cũng thiếu nhiều loại, chủ yếu là thuốc điều trị bệnh thông thường. Bên cạnh đó, với mục tiêu sẽ cấp thuốc điều trị các bệnh mạn tính không lây nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai được.
Bác sĩ Hương cũng cho biết hiện tại trạm y tế vẫn thực hiện các hoạt động nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia như cấp thuốc tâm thần, HIV, tiêm ngừa... Bên cạnh đó, vẫn thực hiện khám chữa bệnh khi người dân có nhu cầu nhưng sẽ kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua.
Tại TP.Thủ Đức có 5 trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, trong đó chỉ có 2 phòng khám đa khoa vệ tinh do bệnh viện thực hiện là phát triển, 3 trạm y tế còn lại chưa thể hiện được chức năng vì thiếu thiết bị cận lâm sàng. Bên cạnh đó, nếu có thiết bị thì phải có con người, trong khi tình hình chung ở TP.HCM là không thu hút được nhân lực về trạm y tế, dẫn đến thực trạng nhức nhối: thiếu thuốc, thiếu cả người kê toa thuốc.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quy (quận 7), cho biết trạm luôn trong tình trạng thiếu người. Hiện số dân trong phường hơn 23.000 người nhưng nhân lực của trạm chỉ có 5 người, nên bắt buộc phải làm nhiều việc hơn. "Với số dân hiện có ở địa bàn, trạm cần 9-10 người mới đảm đương được khối lượng công việc. Nhiều lần trạm cũng nhận tiếp nhận nhân viên y tế về nhưng họ chỉ làm thời gian ngắn rồi cũng nghỉ", bác sĩ An cho hay.
Dù TP.HCM đã tăng cường năng lực y tế cơ sở khi đưa hàng loạt bác sĩ trẻ mới ra trường về các trạm y tế, song đại diện Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức cho rằng thực trạng của trạm y tế chỉ cần bác sĩ có chứng chỉ hành nghề là làm được, còn các bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm cũng chỉ có thể kê toa điều trị Covid-19 vì đang trong giai đoạn dịch bệnh. Đối với bệnh thông thường khác, theo Luật Khám chữa bệnh, để kê toa phải có chứng chỉ hành nghề thì đội ngũ này chưa đáp ứng được.
Ngày 7/4, TP HCM đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù để nâng cao năng lực y tế cơ sở. Thành phố là địa phương tiên phong, chi hơn 138 tỷ đồng mỗi năm cho 310 trạm y tế trên địa bàn, từ nay đến năm 2025 để thu hút nhân sự về làm việc.
Có 3 nhóm được hỗ trợ. Một là, bác sĩ trẻ mới ra trường được hỗ trợ 60 triệu đồng trong 18 tháng thực hành tại trạm; điều dưỡng, hộ sinh được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng thực hành. Nhóm hai là người cao tuổi đã về hưu sẽ nhận 9 triệu đồng mỗi tháng nếu là bác sĩ, 7 triệu đồng nếu có chuyên môn y tế khác, từ trình độ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ. Nhóm thứ ba là nhân viên vệ sinh và bảo vệ, được hỗ trợ 5,5 triệu đồng mỗi tháng.
Chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho bác sĩ, điều dưỡng trẻ khi về thực hành tại trạm y tế được xem là đột phá, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế TP.HCM. Thay vì phải thực hành 18 tháng ở các bệnh viện như trước đây, bác sĩ thực hành 12 tháng ở trạm y tế và 6 tháng ở bệnh viện sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Họ cũng không phải đóng tiền thực hành như luật cũ quy định mà còn được hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, giải pháp đưa bác sĩ trẻ về y tế cơ sở, huy động cán bộ y tế nghỉ hưu, chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn chứ không bền vững. Thành phố chưa khắc phục những tồn tại ở trạm y tế như: chưa thay đổi chính sách nâng cao thu nhập cho những người đã gắn bó, làm việc ở trạm y tế hàng chục năm; chưa hỗ trợ và đãi ngộ bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện công.
Ngành y tế thành phố sử dụng nhóm bác sĩ về hưu có thể giải quyết việc thiếu nhân lực trước mắt, song họ sẽ không thể gắn bó lâu dài do tuổi tác, sức khỏe. Bác sĩ, điều dưỡng trẻ vừa ra trường được đãi ngộ nhưng chưa hẳn sẽ ở lại trạm sau khi hoàn thành việc lấy chứng chỉ hành nghề.
Bài 2: Không thay đổi chính sách đãi ngộ, chất lượng càng lúc càng tệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.