Bàn hỗ trợ DN sau dịch Covid -19:Nóng chuyện vay vốn, sử dụng lương dự phòng...
Bàn hỗ trợ DN sau dịch Covid -19:Nóng chuyện vay vốn, sử dụng lương dự phòng...
Nguyệt Tạ
Thứ tư, ngày 01/07/2020 06:03 AM (GMT+7)
Dịch Covid -19 khiến cho thị trường lao động chịu nhiều ảnh hưởng. Nhu cầu lao động sụt giảm do số doanh nghiệp (DN) rời thị trường nhiều, số lượng lao động thất nghiệp, mất việc làm cao hơn. Trước bối cảnh đó, cần thiết phải có những giải pháp tổng thể để hỗ trợ lao động và DN.
Chiều 29/6, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho các DN do tác động của đại dịch Covid - 19. Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH), số lao động ở Việt Nam bị mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, lực lượng lao động thấp kỷ lục, lao động có việc làm có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm cả nước có 62.000 DN đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. DN tạm dừng kinh doanh có thời hạn là 29.000, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, riêng trong quý I/2020 đã có 35.000 DN rút khỏi thị trường lao động. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Hơn 75% số DN phải thu hẹp quy mô lao động và có gần 10% phải giảm tới một nửa lao động so với hiện nay, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Theo tính toán sơ bộ, tính đến hết tháng 6/2020 cả nước có hơn 30 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid -19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm lại rất thấp. 6 tháng đầu năm chỉ giải quyết việc làm cho 540.000 lao động, đạt 36% so với kế hoạch đặt ra. 6 tháng đầu năm Việt Nam mới chỉ đưa được hơn 33.000 người đi làm việc ở nước ngoài (bằng 60% so với cùng kỳ năm trước).
Khó "với" gói 62.000 tỷ
Ông Đỗ Mạnh Tuấn - Trưởng phòng tổ chức cán bộ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, quý I và quý II, tổng doanh thu của đơn vị là 94 tỷ đồng, chỉ đạt 9% kế hoạch năm và bằng 53% so với cùng kỳ năm 2019. Các khách sạn đã phục vụ hơn 9.000 lượt khách, chỉ đạt 18% kế hoạch năm... "Biện pháp cho người lao động nghỉ luân phiên, vẫn đảm bảo đóng đủ BHXH cho người lao động giúp chúng tôi cơ bản vẫn giữ được lao động nhưng thu nhập giảm sút. Chính vì vậy đơn vị cũng có kiến nghị giảm, hoãn hoặc miễn đóng BHXH" - ông Tuấn.
Số lao động bị mất việc trong 6 tháng đầu năm là 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm trong các DN bị phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất là gần 9.000 người. Một số công ty đã phá sản, sa thải hàng nghìn lao động.
Ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó trưởng Ban Tổ chức nhân sự Vietnam Airline kiến nghị: "Bộ Tài chính nên xem xét lại cơ chế sử dụng chi tiêu khoản tiền lương dự phòng (tích lũy 17% tiền lương) để các đơn vị có nguồn lực chăm lo, giải quyết tiền lương cho người lao động. Không có lý gì Chính phủ và các bộ ngành đang tìm đủ cách tháo gỡ khó khăn cho DN mà Bộ Tài chính lại không tháo gỡ khó khăn này".
Đại diện lĩnh vực dệt may thì cho rằng, hầu hết các DN trong ngành chưa thể tiếp cận được các gói hỗ trợ 62.000 tỷ vì các điều kiện quá chặt. Các DN mong muốn, nếu giai đoạn tới sản xuất khó hơn thì sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ này.
"Nếu Chính phủ giảm điều kiện tiếp cận vốn vay trả lương cho lao động khi doanh thu giảm 20% trở lên là phù hợp. Điều kiện thứ 2 là tài chính của DN không còn lương, không còn quỹ dự phòng mới được vay vốn là không phù hợp, vì nếu không còn quỹ lương dự phòng thì DN đã phá sản" - ông Trần Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Hành chính Tổng Công ty May 10 kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam, các DN trong hiệp hội kiến nghị thay vì giãn, hoãn đóng BHXH thì nên miễn đóng BHXH và phí công đoàn trong 3 tháng xảy ra dịch. Về điều kiện tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, ông Nam cho rằng hầu như DN không tiếp cận được. Khi có chủ trương DN rất hào hứng nhưng tới lúc triển khai thì DN bị "hẫng"...
Ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, sau hội nghị này, Bộ LĐTBXH sẽ có tổng hợp, gửi kiến nghị của các DN tới Chính phủ với mong muốn hỗ trợ DN tối đa, để DN tái sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động" - ông Thanh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.