Bất động sản bị “thổi giá” từ khi có thành phố Thủ Đức

V.D Thứ bảy, ngày 23/01/2021 14:53 PM (GMT+7)
Từ khi có thông tin thành lập TP.Thủ Đức, thị trường bất động sản tại khu vực phía Đông này đã liên tục tăng một cách chóng mặt. Điều này đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi giá đất ở đây được cho là bị "thổi" lên quá cao so với giá trị thực.
Bình luận 0

Giá bất động sản tăng chóng mặt

Ngày 22/1, chính quyền thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự có mặt của thành phố phía Đông thuộc TP.HCM.

Kể từ khi có thông tin thành lập TP.Thủ Đức, giá bất động sản (BĐS) tại 3 quận phía Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức liên tục tăng. Không chỉ đất ở đô thị, đất nông nghiệp, đất vườn cũng tăng lên hơn 20 triệu đồng/m2. Điều này đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại bởi giá đất ở đây được cho là bị "thổi" lên quá cao so với giá trị thực.

Khảo sát thực tế, tại khu Tam Đa (quận 9), một miếng đất có diện tích 56m2 có đầy đủ thổ cư (đất ở) được môi giới rao bán 2,7 tỷ đồng, tức gần 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cách đây 1 tuần, lô đất này chỉ có giá 2,5 tỷ đồng, nghĩa là giá đã tăng gần 10% chỉ trong 7 ngày.

"Nếu lô đất này hiện mới chỉ đặt cọc chưa công chứng chuyển nhượng, nếu để qua Tết âm lịch thì sẽ tăng lên 3 tỷ đồng", một môi giới cho hay.

BĐS bị “thổi giá” khi có thành phố Thủ Đức - Ảnh 1.

Giá BĐS tại TP.Thủ Đức bị đẩy lên một cách chóng mặt. Ảnh: V.D.

Theo các môi giới, hiện nay giá đất tại TP. Thủ Đức tăng liên tục nên các chủ đất đang ghim hàng chờ để qua Tết mới bán.

Hình thức mua bán phổ biến tại khu vực này là "sang cọc", nhằm mục đích đầu cơ, lướt sóng kiếm lời. Cụ thể, người mua trước đây chỉ cần đặt cọc 50.000 -100.000 triệu đồng và hẹn chủ đất sau 20 ngày đóng tiền tiếp. Trong thời gian đó, môi giới rao bán tiếp lô đất với giá chênh lệch có thể lên tới hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nếu bán được thì người mua trước "sang cọc" cho người mua sau và được một khoản lời nhanh chóng.

Theo các chuyên gia, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến mức giá rao bán liên tục bị đẩy lên quá cao so với giá trị thật ở khu vực này thời gian gần đây.

Không chỉ riêng nhà đất lẻ trong khu dân cư, đất tại các dự án khu đô thị, căn hộ, nhà phố thương mại cũng được tăng vùn vụt. Giá một căn nhà phố thương mại có diện tích 140m2 hồi đầu năm có giá bán 24 tỷ đồng nhưng đến nay đã tăng lên gần 33 tỷ đồng/căn.

Riêng phân khúc căn hộ chung cư, một dự án vừa chào bán ở Thủ Đức đã chạm ngưỡng 85 triệu đồng/m2, mức cao kỷ lục tại khu vực này thời gian qua.

Ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, nâng giá 

UBND TP.HCM cho biết, quy hoạch phát triển TP.Thủ Đức sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2022 với mục tiêu xây dựng dự án, tạo quỹ đất và kế hoạch sử dụng; giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2030 là giai đoạn triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng số và giai đoạn 3 từ năm 2030 - 2040, Nhà nước sẽ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, giao thông, hạ tầng, thiết kế đô thị các khu vực, nhà đầu tư mở rộng triển khai kế hoạch đầu tư.

Có thể thấy, việc triển khai hình thành TP.Thủ Đức đòi hỏi thời gian dài, đặc biệt trong công tác quy hoạch đô thị, việc điều chỉnh hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, giá đất tăng cao quá nhanh sẽ gây nên nhiều rủi ro, hệ lụy không chỉ cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới việc kêu gọi đầu tư phát triển khu vực này.

Chuyên gia tư vấn bất động sản Phan Công Chánh cho biết, hiện nay người mua và người bán BĐS ở khu vực TP.Thủ Đức đều đang rất phấn khích. Tuy nhiên, giá đất tùy theo từng khu vực sẽ được điều chỉnh, thậm chí có thể sụt giảm, bởi phụ thuộc vào các yếu tố như quy hoạch.

Ngoài ra, việc giá đất tăng cao cũng gây khó cho việc thu hút đầu tư phát triển TP.Thủ Đức sau này. Bởi một khi chi phí giá đất quá cao sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, thậm chí lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Việc đẩy giá nhà đất theo kiểu đón đầu quy hoạch là không mới tại thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là nguyên nhân gây nên nhiều cơn sốt ảo thời gian dài vừa qua.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) khuyến cáo, để tránh các hệ lụy, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh các bước để sớm công bố quy hoạch chi tiết các khu vực tại TP.Thủ Đức. Để từ đó người dân, nhà đầu tư có được thông tin rõ ràng, tránh các xáo trộn không đáng có và gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển về sau.

Trước tình hình giao dịch đất đai khá nhiễu loạn hiện nay, chính quyền các quận trong quy hoạch TP.Thủ Đức cũng khuyến cáo người dân khi giao dịch nhà đất trên địa bàn nên đến UBND phường để tra cứu thông tin quy hoạch mới nhất, pháp lý khu đất nhằm tránh rủi ro, tranh chấp về sau.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, nâng giá làm bất ổn thị trường sau khi chính thức thành lập TP.Thủ Đức.

Theo các chuyên gia bất động sản, TP.Thủ Đức vẫn sẽ là điểm nóng, cung cấp phần lớn nguồn cung nhà ở và nhiều loại hình bất động sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với khách hàng dù đầu tư hay mua ở, đều cần thận trọng xem xét kỹ về điều kiện pháp lý dự án, quy hoạch và hướng phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài ra, tránh dùng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng quá cao trong thời điểm hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem