Bất động sản du lịch cần tạo khung pháp lý để phát triển
Bất động sản du lịch cần tạo khung pháp lý để phát triển
Thái Nguyễn
Chủ nhật, ngày 16/10/2022 06:30 AM (GMT+7)
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều địa phương. Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp mong muốn có khung pháp lý rõ ràng đối với loại hình bất động sản du lịch bởi đây là phân khúc quan trọng.
Bất động sản du lịch cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã bổ sung một số nội dung quy định cụ thể về giao dịch, kinh doanh các loại bất động sản du lịch, gồm: Công trình căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), công trình văn phòng làm việc kết hợp lưu trú (officetel), nhà phố thương mại (shophouse).
Bộ Xây dựng cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đề cập đầy đủ hơn các hình thức, loại hình kinh doanh bất động sản, đặc biệt là các loại hình mới được hình thành; bảo đảm thực thi hiệu quả trong thực tế áp dụng và tạo môi trường pháp lý hiệu quả cho phát triển năng lực của doanh nghiệp, tạo động lực phát triển thị trường bất động sản; đồng thời tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch.
Nhiều chuyên gia nhận định thực tế lâu nay, loại hình bất động sản du lịch được ví như đứa "con lai" sinh ra nhưng chưa được cấp giấy khai sinh, chưa được thừa nhận. Vì vậy, có nhiều vấn đề phát sinh bất cập liên quan loại hình bất động sản này.
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết loại hình bất động sản du lịch bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2018, do sự cố "vỡ trận" ở Cocobay Đà Nẵng, phân khúc bất động sản du lịch lịm dần.
"Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng khung pháp luật cho bất động sản du lịch nhưng không ai làm cả. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta có thời gian nghỉ, đến bây giờ độ nóng đã quay lại. Luật Đất đai đang sửa, vậy đến lúc nào có khung pháp lý cho bất động sản du lịch, vốn là một phân khúc có tiềm năng rất lớn?", ông Võ nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng vai trò của phân khúc bất động sản du lịch rất quan trọng. Đây là một kênh đầu tư không chỉ của chủ đầu tư mà còn của cả cá nhân góp vốn. Đã là kênh đầu tư thì thị trường thứ cấp là vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.
"Tại sao các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia làm bất động sản du lịch rất tốt nhưng Việt Nam lại không làm được? Rõ ràng pháp lý là vấn đề nổi cộm. Chúng ta đã cố gắng giải quyết vấn đề này trong nhiều năm vừa qua nhưng chưa được", ông Lực nhận định.
Gắn kết du lịch trong phát triển bất động sản du lịch
Thị trường bất động sản du lịch là một trong những phân khúc thị trường có tốc độ phát triển nhanh và mạnh trong những năm gần đây và dự báo còn tiếp tục phát triển sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là nhu cầu về du lịch bùng nổ và tăng đột biến sau thời kỳ hậu Covid – 19 ở cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để thị trường bất động sản du lịch phát triển có hiệu quả, phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của các vùng, miền trong cả nước, tạo nên sức hấp dẫn và phúc đáp tốt nhu cầu của du khách thì cần thiết khách quan cần phải có sự nhận định đúng đắn vai trò của thị trường bất động sản du lịch. Nhận diện một cách khách quan sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian qua và dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng bất động sản du lịch vẫn thuộc về sự quản lý của ngành xây dựng, nhưng tại sao lại gắn chữ "du lịch" vào đây? Tại sao ngành du lịch không được có ý kiến gì về việc này? Khi xây xong thì ai vào đây ở? Nếu khách du lịch vào ở thì các bất động sản du lịch phải đạt tiêu chuẩn phục vụ của ngành du lịch.
"Nếu đó chỉ là bất động sản thuần túy thì họ cứ việc đầu tư, chẳng ai cấm cả, nhưng phải bỏ chữ "du lịch" đi. Còn nếu gắn chữ "du lịch" vào đó thì phải theo chuẩn của du lịch và khách du lịch phải được tiếp cận các bất động sản đó, thậm chí những người làm du lịch cũng phải tiếp cận các sản phẩm đó để phục vụ ngành du lịch. Chứ có những bất động sản không liên quan gì đến du lịch, không đóng góp cho sự phát triển của du lịch thì gọi là bất động sản du lịch để làm gì?", ông Bình nhận định.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch có quyền đưa ra yêu cầu như nêu trên nhằm đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch đối với bất động sản du lịch. Qua đó nhằm giúp cho các nhà đầu tư bất động sản giải tỏa bớt khó khăn, có thể chuyển hóa được phần nội dung đầu tư của họ sang lĩnh vực du lịch được nhiều hơn trên cơ sở phải đáp ứng tiêu chí, yêu cầu về phục vụ của ngành du lịch.
Một số chuyên gia cũng nhận định thị trường bất động sản du lịch có bước phát triển nhanh, mạnh và có nhiều dư địa để phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, pháp luật cần điều chỉnh thị trường bất động sản du lịch được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở của nền tảng lý luận chung về thị trường bất động sản, pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản mang tính liên ngành đang có hiệu lực; đồng thời chú trọng tới tính đặc thù của thị trường bất động sản du lịch; cùng với đó là những yêu cầu khách quan thực thực tiễn đặt ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.