Bị cáo nói không thể nhắc lại từng chữ câu của nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái về việc "lo cơ chế"

Bách Thuận Thứ bảy, ngày 26/08/2023 06:34 AM (GMT+7)
Ngày 25/8, tại tòa, Giám đốc Công ty Tuyên Huy khai do thời gian quá lâu nên không thể nói lại y nguyên câu bị cáo Đinh Tiến Hùng – nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái về việc "lo cơ chế".
Bình luận 0

Thời gian quá lâu, bị cáo không thể nhắc lại nguyên văn câu nói của nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Ngày 25/8, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái bước sang ngày làm việc thứ 2, xét xử nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái và 9 bị cáo khác trong vụ khai thác trái phép quặng chì – kẽm ở Yên Bái.

Theo cáo trạng, khoảng 17 giờ ngày 18/10/2020, Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyên Huy (gọi tắt là Công ty Tuyên Huy), Nguyễn Văn Hậu – Giám đốc Công ty Tuyên Huy về TP.Yên Bái (Yên Bái) ngồi uống nước ở quán cà phê Đồng Tâm.

Tuấn đã gọi cho Đinh Tiến Hùng đến. Tại đây Đinh Tiến Hùng và Hậu nhận ra nhau là bạn học. Quá trình nói chuyện, Đinh Tiến Hùng giới thiệu cho Hậu biết mình đang là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái; Hậu cũng giới thiệu cho Đinh Tiến Hùng biết mình là Giám đốc Công ty Tuyên Huy.

Công ty Tuyên Huy đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép lại giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ chì – kẽm núi Ngàng (xã Cảm Nhân, Yên Bình, Yên Bái) và đang gặp vướng mắc về thủ tục ở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái, hiện Công ty Tuyên Huy đang tiến hành làm đường lên mỏ.

Bị cáo nói không thể nhắc lại từng chữ câu nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái nói "lo cơ chế" - Ảnh 1.

Hôm nay, HĐXX giành gần hết ngày làm việc cho việc xét hỏi các bị cáo. Đến chiều muộn, vị đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội, đề nghị mức án với 10 bị cáo trong vụ án. Ảnh: BT

Sau khi nghe Hậu nói chuyện, Đinh Tiến Hùng nói việc liên quan đến Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái sẽ liên hệ giúp.

"Đồng thời, Đinh Tiến Hùng chủ động đặt vấn đề với Hậu và Tuấn với nội dung: Các ông có mỏ, tôi thì có "quan hệ". Bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn.

Tôi sẽ đứng ra lo "quan hệ, cơ chế" còn Hùng "lùn" đi tìm người về để khai thác quặng. Sau khi khai thác và bán được quặng thì tính toán trừ chi phí quan hệ, chi phí sản xuất thì tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận, 2/3 còn lại là của Công ty Tuyên Huy và Hùng "lùn". Sau khi nghe lời đề nghị của Đinh Tiến Hùng thì Hậu và Tuấn đều đồng ý" – cáo trạng nêu.

Tại tòa hôm nay, trả lời câu hỏi của các vị luật sư trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Hậu cho biết, bị cáo này hoàn toàn không biết việc Lăng Đức Hân – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ngọc Tâm (gọi tắt là Công ty Ngọc Tâm) sử dụng trái phép vật liệu nổ khi khai thác đá làm đường ở núi Ngàng.

Về cuộc gặp bị cáo Đinh Tiến Hùng ở quán cà phê Đồng Tâm, Hậu khai về gặp xem người đấy là ai, có giúp hỏi được không về thủ tục vướng mắc bên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Yên Bái.

Tại cuộc gặp, Hậu khai lúc đầu không có ý kiến gì, sau đó bị cáo Đinh Tiến Hùng đề xuất câu chuyện liên quan khai thác quặng thì Hậu đồng ý với phương án đó.

Bị cáo Hậu nói trước tòa, rằng bị cáo này cam kết bị cáo Đinh Tiến Hùng là người đặt vấn đề trước và lời khai của mình hoàn toàn đúng.

Theo lời khai của bị cáo Hậu, sau khoảng 18 năm mới gặp lại bạn học Đinh Tiến Hùng ở quán cà phê Đồng Tâm.

Trước câu hỏi của luật sư về việc gặp lại có người giới thiệu mới nhận ra bạn cũ, vậy có dám tâm sự việc "tày đình, ăn chia lợi nhuận" không, Nguyễn Văn Hậu trình bày một số lý do.

Theo đó, Hậu khai đồng ý với phương án bị cáo Đinh Tiến Hùng đề ra vì được Tuấn giới thiệu rằng Đinh Tiến Hùng là Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Hậu nghĩ có quan hệ nhất định.

Thứ hai, theo Hậu là rất nhiều lần Tuấn đề xuất với Hậu rằng bị cáo Hân đề nghị nổ mìn ở khu vực mỏ.

"Từ suy nghĩ như thế cộng thêm việc con người kỹ thuật như tôi, giờ nổ mìn lấy đá làm đường mà có được quặng nằm trong đá, đem cả quặng, cả đá đi dải đường phí, cộng 3 việc như thế nên tôi đã đồng ý" – Nguyễn Văn Hậu khai.

Về việc quyết định chia 1/3 lợi nhuận cho Đinh Tiến Hùng, Hậu khai lúc đó có mình và bị cáo Tuấn ở đó, Tuấn đồng ý nên Hậu mới quyết định việc trên, nếu Tuấn không đồng ý thì Hậu cũng không đồng ý lúc đó.

"Bản thân tôi đến giờ phút này tôi vẫn khẳng định lời khai đúng" – Hậu nói.

Đáng chú ý, tại tòa hôm nay, khi các vị luật sư đề nghị bị cáo Hậu nhắc lại nguyên văn câu nói cho rằng Đinh Tiến Hùng đề cập chuyện "lo cơ chế", vị Giám đốc Công ty Tuyên Huy nói không nhắc được do thời gian quá lâu, không nhớ được từng dấu chấm, dấu phẩy nhưng vẫn khẳng định có chuyện đó.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư

Về căn cứ để xác định thời gian gặp bị cáo Đinh Tiến Hùng vào ngày 18/10/2020, Hậu khai sau khi cán bộ điều tra trích xuất cuộc gọi, tin nhắn từ Tuấn là thời điểm đó nhắn tin cho Đinh Tiến Hùng, gọi cho Hậu gặp nhau ở quán cà phê nên bị cáo này nhớ.

Về thông tin chia chác lợi nhuận cho nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, ngoài lời trình bày tại tòa, Hậu khai không còn tài liệu chứng cứ gì khác để chứng minh.

Bị cáo nói không thể nhắc lại từng chữ câu nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái nói "lo cơ chế" - Ảnh 3.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng chiều ngày 25/8 sau khi trả lời một số câu hỏi của luật sư đã xin từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của các luật sư. Ảnh: BT

Tại phần trình bày của mình, theo bị cáo Hậu, sau khi đọc kết luận điều tra thì Hậu không hiểu lắm, về đọc lại thì Hậu cho rằng có một số vấn đề chưa được khách quan.

Tại tòa, trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn nói chưa bao giờ khai Đinh Tiến Hùng khởi xướng khai thác trái phép tài nguyên. Tuấn nói trong Công ty Tuyên Huy không thấy ai chi gì để lo cơ chế, quan hệ và cũng không phải chi phí gì cho ai để đi lo cơ chế, quan hệ.

Với biên bản đối chất được luật sư dẫn chứng, nói rằng mọi chi phí tại mỏ núi Ngàng do Đinh Tiến Hùng chi trả, bị cáo Tuấn khai không biết việc này; không biết Đinh Tiến Hùng có trả chi phí không và các khoản chi phí ấy là khoản nào Tuấn cũng nói không biết.

Ở một diễn biến khác, tại phiên làm việc buổi chiều cùng ngày, trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Đinh Tiến Hùng cho biết chưa bao giờ bước chân đến mỏ núi Ngàng của Công ty Tuyên Huy.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng nói không điện cho Hùng "lùn" (Nguyễn Mạnh Hùng, SN 1978, lao động tự do – PV) tìm người lên mỏ của Công ty Tuyên Huy để khai thác; không sắp xếp cho Hân và Tuấn gặp nhau ở nhà khách thanh niên.

Bị cáo Đinh Tiến Hùng cũng khai chưa bao giờ nhận hình ảnh quặng nào Tuấn gửi cho mình qua Zalo; "chưa chi trả 1 cắc nào cả" cho bất cứ chi phí nào liên quan việc sản xuất hơn 1 nghìn tấn quặng.

Vị nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái khai bị khởi tố bị can vào ngày 5/4/2022 và từ đó đã bắt đầu kêu oan. Theo bị cáo Đinh Tiến Hùng, cả quá trình làm việc dài, khi bị khởi tố, đến khi cơ quan công an ra kết luận điều tra lần 1, lần 2…, bị cáo đều khiếu nại kèm theo đơn kêu oan, tuy nhiên không được giải thích thỏa đáng.

Khi đang trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Đinh Tiến Hùng bất ngờ nêu quan điểm từ chối tất cả các câu hỏi của luật sư.

"Tôi không liên quan gì đến các đối tượng trong vụ án, không có mâu thuẫn gì với tất cả các đối tượng trong vụ án" – bị cáo Đinh Tiến Hùng nói.

HĐXX cũng ghi nhận điều này, việc xét hỏi của các luật sư với bị cáo Đinh Tiến Hùng được dừng lại.

Bị cáo đầu vụ bị đề nghị cao nhất đến 16 năm 6 tháng tù

Chiều muộn ngày 25/8, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đã nêu quan điểm giải quyết vụ án, luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, phía Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị tòa tuyên mức án các bị cáo như sau:

1. Lăng Đức Hân: 15 năm 6 tháng đến 16 năm 6 tháng tù về tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung từ 100 đến 200 triệu đồng.

2. Nguyễn Trọng Tuấn: 15 đến 16 năm tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 100 đến 200 triệu đồng.

3. Nguyễn Văn Hậu: 15 đến 16 năm tù tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 100 đến 200 triệu đồng.

4. Đinh Tiến Hùng: 3 đến 4 năm tù tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt 100 đến 200 triệu đồng.

5. Bùi Mạnh Hùng: 7 đến 8 năm tù tội "Sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 1 đến 1 năm 6 tháng tù tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.

6. Nguyễn Mạnh Hùng: 2 đến 3 năm tù tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên".

7. Bùi Minh Đức: 15 đến 16 năm tù tội "Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ"; 2 đến 3 năm tù tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt bổ sung 50 đến 100 triệu đồng.

8. Trần Đắc Việt: 15 đến 16 năm tù tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ".

9. Nguyễn Văn Báu: 15 đến 16 năm tù tội "Vận chuyển trái phép vật liệu nổ".

10. Lưu Bằng Đoàn: 2 đến 3 năm tù tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", phạt 50 đến 100 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem