Bình Điền: Hoạt động kết nghĩa hiệu quả với buôn làng Tây Nguyên
Bình Điền: Hoạt động kết nghĩa hiệu quả với buôn làng Tây Nguyên
Trần Đình Thế
Thứ sáu, ngày 02/10/2020 10:23 AM (GMT+7)
Đoàn công tác của Công ty CP Phân bón Bình Điền vừa trải qua một đêm đón tết Trung thu 2020 thật vui tươi, đầm ấm với hơn 630 em thiếu niên, nhi đồng của buôn Eana, thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Đêm văn nghệ phá cỗ ngắm trăng rằm Trung thu kéo dài tưởng như không dứt. Các em nhỏ hát, vui, nhận thưởng từ những tiết mục văn nghệ của đội, nhóm mình, đã được tập luyện từ nhiều ngày trước. Mỗi em còn nhận một phần quà trị giá 60 ngàn đồng.
Đây là hoạt động thường niên của Bình Điền tại buôn Eana. Mỗi dip khai giảng năm học mới, hơn 50 em học sinh học giỏi, chăm ngoan của buôn còn nhận được học bổng của Bình Điền.
Mặt khác, đoàn cán bộ của Bình Điền phối hợp với Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, TP Buôn Ma Thuột cũng đã về khám bệnh, phát thuốc miễn phí định kỳ năm 2020 cho bà con trong buôn. Mỗi năm có trên 500 người được nhận thuốc từ chương trình này.
Truyền thống từ 15 năm trước
Nhằm tăng cường tình đoàn kết, động viên, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng làm giàu và xây dựng nông thôn mới trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; theo Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 7/ khóa IX, năm 2004 Tỉnh ủy Đắk Lắk chủ trương tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn với các buôn làng xa xôi của tỉnh. Công ty cổ phần phân bón Bình Điền là đơn vị đầu tiên đăng ký thực hiện hoạt động kết nghĩa với buôn Eana.
Ông Y Piek Enuol, trưởng ban tự quản, cho biết: "Buôn Eana có 300 hộ, 1.500 nhân khẩu, trong đó gần một nửa là người dân tộc thiểu số. Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm vườn, trồng cà phê, tiêu, bắp, chỉ có 4,5 ha trồng lúa trong số 400 ha. 15 năm trước hộ nghèo chiếm gần 50%, chỉ có 3% hộ khá, đời sống văn hóa tinh thần rất hạn chế, thiếu thốn, buôn thuộc diện buôn vùng 3".
Sau lễ ký kết nghĩa, một kế hoạch tổ chức các hoạt động được vạch ra vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa rất cụ thể, rõ ràng cho từng tháng, từng năm, trong đó 2 khâu đưa vào đầu tiên là khuyến học và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con. Hoạt động này đã giúp buôn xây dựng 1 phòng máy vi tính với 21 máy tính, 1 máy chủ, đường truyền Internet, 1 máy tính xách tay, 1 tivi, 1 máy chiếu… trị giá gần 200 triệu đồng; giúp bà con nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng thư viện, sân bãi và phương tiện luyện tập thể dục thể thao; xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ tưới tiêu và thắp sáng sinh hoạt cho bà con.
Cùng với đó là các chương trình tập huấn, tư vấn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn bà con xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, bảo vệ môi trường; phối hợp với bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) khám bệnh, phát thuốc miễn phí hằng năm; thực hiện chương trình khuyến học cho con em nông dân trong buôn.
Và hơn 15 năm sau
Do tiếp thu tốt các ứng dụng khoa học - kỹ thuật và được đầu tư phân bón chất lượng, kịp thời nên năng suất cây trồng trong buôn đã tăng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ thu được 1.000 kg cà phê nhân/ha (năm 2004), đến năm 2019 đã tăng lên 3 tấn, 4 tấn, thậm chí 5 tấn cà phê nhân/ha; cây bắp lai từ 3 tấn, lên 4,5 tấn/ha; cây lúa từ 4 tấn, lên 6-7 tấn/ha; cây tiêu từ 1,5 tấn, lên 3 tấn/ha…
Nếu trước đây người dân tưới cây bằng máy nổ, đổ dầu, vừa không chủ động được nguồn nguyên liệu, dễ hỏng hóc máy móc, lại tốn kém, thì nay tưới tiêu bằng máy điện, vừa chủ động, tiện lợi, lại lại giảm chi phí sản xuất (từ 7 triệu đồng/ha, xuống chỉ còn 2 triệu đồng/ha). Riêng khoản tưới tiêu đã làm lợi cho buôn mỗi năm hàng tỷ đồng. Điện còn mang tới từng nhà dân nguồn sáng văn minh thời đại.
Tỷ lệ hộ nghèo sau 15 năm giảm từ 42,7%, xuống còn 19,4%. Hộ giàu từ 20 hộ tăng lên 200 hộ/300 hộ. Buôn được công nhận là buôn văn hóa, có tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, vững vàng; có phong trào thể dục - thể thao, nhất là môn bóng chuyền mạnh nhất nhì huyện Krông Ana…
Từ chỗ chỉ có 70- 80% số em học sinh đến tuổi đi học được đến trường, đến nay 100% các em đến tuổi được đến trường. Tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 375%, đặc biệt có em đạt thành tích thủ khoa đại học.
Con số gần 7 tỷ đồng mà Bình Điền giúp là không lớn, nhưng nếu so với kinh phí hoạt động của một buôn làng xa xôi, như Eana thì không hề nhỏ. Nó luôn được tính toán kỹ lưỡng, sử dụng chặt chẽ nên hiệu quả rất cao.
Có được niềm tin và kinh nghiệm thành công từ Eana, tháng 11 năm 2015, Bình Điền lại tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ bon (buôn) Rlong Phe, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Với quan điểm giúp đồng bào cái cần câu, chứ không chỉ mang cho con cá, Bình Điền đã từng bước đưa ánh sáng khoa học - kỹ thuật đến với công việc sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con thông qua các đoàn cán bộ từ Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hội đồng cố vấn khoa học của Công ty. Các nhà khoa học định kỳ có mặt, trực tiếp giúp bà con xác định, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cách thức chăm sóc từng cây, con cụ thể để đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, gia tăng được lợi nhuận. Sau 5 năm, bộ mặt của bon đã có nhiều thay đổi.
"Đến với Tây Nguyên, đến với bà con đồng bào các dân tộc ít người, phải từ sự chân thành, chân thật và có tấm lòng; cán bộ, nhân viên Công ty Bình Điền đã làm được điều đó. Coi buôn làng như quê hương mình, bà con dân tộc như người thân yêu, ruột thịt của mình. Bình Điền đã đến và sẽ còn ở lại mãi với Tây Nguyên"- ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.