Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 12/07/2024 05:53 AM (GMT+7)
Mưa lớn đầu tháng 7/2024 khiến mực nước sông dâng cao, chảy xiết, gây sạt lở bờ sông Cầu đoạn qua địa bàn xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Bình luận 0

Người dân thấp thỏm khi sạt lở bờ sông Cầu

Theo báo cáo của UBND xã Nhã Lộng, qua công tác kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở theo ven sông Cầu và các khu vực trũng có nguy cơ sạt lở tại địa bàn, có 5 hộ dân thuộc xóm Thanh Đàm đã bị sạt lở đất với chiều dài khoảng 68m. Ngoài ra, còn 13 hộ gia đình khác thuộc xóm Thanh Đàm có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 800m.

Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m- Ảnh 1.

Nhiều khu vực ven sông Cầu thuộc địa phận 2 xóm Thanh Đàm và xóm Nón (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) bị sạt lở nghiêm trọng, tiến sát vào nhà dân. Ảnh: Hà Thanh

Tại xóm Nón (xã Nhã Lộng), có 33 hộ có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 750m. Đối với các hộ dân đã bị sạt lở, có gia đình ông Hoàng Văn Hưng bị sạt lở khoảng 15m tường rào trị giá khoảng 20 triệu đồng. Các hộ gia đình còn lại, sạt lở chủ yếu cuốn trôi đất vườn và cây lâu năm, tuy nhiên các hộ này có nguy cơ bị sạt lở tiếp vào các công trình phụ và nhà ở.

Bà Hoàng Thị Lan (xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ, tình trạng sạt lở cạnh bờ sông của gia đình bà xảy ra từ đêm nên cũng không ai trong gia đình nắm được. Sáng ngủ dậy bà đã thấy sạt lở đến sát chân nhà ở, chỉ cách khoảng 5m khiến bà rất sốt ruột và lo lắng. Do đó, bà Lan mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ kè bờ sông để bà con yên tâm sinh sống.

Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m- Ảnh 2.

Tình trạng sạt lở bờ sông Cầu đã đến sát chân nhà bà Hoàng Thị Lan (xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hà Thanh

Bà Dương Thị Loan (xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cũng cho biết: "Từ khi về làm dâu tại xóm, tôi có nghe ông bà kể khoảng vài chục năm nay, nhưng đến nay mới xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như thế này. Theo tôi nghĩ, nguyên nhân có thể là do việc khai thác cát sỏi của một số doanh nghiệp trên địa bàn. Tôi rất sợ nếu cứ tiếp tục mưa to thì gia đình tôi sẽ không còn nhà để ở".

Theo ông Lê Văn Khanh - Trưởng xóm Thanh Đàm (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), trong thời gian đầu tháng 7 vừa qua, do mưa nhiều dẫn đến tình trạng sạt lở khu vực dọc bờ sông Cầu. Trước tình hình đó, xóm đã thành lập tổ kiểm tra và báo cáo lên xã, đề xuất chính quyền có phương án xử lý, giải quyết để bà con bớt lo lắng.

Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m- Ảnh 3.

Nước sông Cầu dâng cao sau mưa lớn khiến nguy cơ sạt lở bờ sông Cầu tăng cao. Ảnh: Hà Thanh

Cũng theo ông Khanh, ngoài yếu tố thiên tai gây sạt lở, cách đây khoảng 3 - 4 năm trước, tại khu vực này có một số cá nhân khai thác cát, sỏi cũng ít nhiều phần nào gây ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tại khu vực này hiện có Công ty Doanh Trí đang thực hiện khai thác cát sỏi, cách vị trí sạt lở khoảng 100m. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây sạt lở.

Lên phương án di dời người dân khi sạt lở bờ sông Cầu

Trước nguy cơ sạt lở cao, UBND xã Nhã Lộng đã xây dựng phương án bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Theo đó, xã đã đưa ra phương án tổ chức sử dụng lực lượng và sơ tán nhân dân.

Dự kiến địa điểm sơ tán nhân dân khi sạt lở, trong đó ở vị trí 1 tại nhà văn hóa xóm Hanh, Nón, cách vị trí có nguy cơ sạt lở 400m; vị trí 2 tại UBND xã Nhã Lộng cũ, cách vị trí có nguy cơ sạt lở 1.000m. Dự kiến có 51 hộ và 209 người phải sơ tán, 25 con trâu bò, 700 con lợn gà, tài sản lương thực 250 tấn.

Trong trường hợp phải sơ tán, xã sẽ sử dụng lực lượng gồm dân quân của 3 xóm Hanh, Bến, Nón với tổng số 15 người; các ngành đoàn thể xóm Hanh, Bến, Nón với tổng số 45 người; nhân dân xóm Nón, xóm Thanh Đàm với tổng số 90 người.

Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m- Ảnh 4.

Trước nguy cơ sạt lở bờ sông Cầu, UBND xã Nhã Lộng đã xây dựng phương án bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Ảnh: Hà Thanh

Ngày 11/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng cho biết: Trong tháng 7/2024 diễn ra mưa lớn kéo dài, do đó có 5 hộ dân thuộc xóm Thanh Đàm bị sạt lở nghiêm trọng sát đường đi và các công trình phụ. Còn các hộ bị ảnh hưởng có khoảng 37, 38 hộ dân dọc theo tuyến sông Cầu thuộc địa bàn xóm Thanh Đàm.

Theo ông Mạnh, trước đây trên địa bàn xóm Thanh Đàm đã từng xảy ra sạt lở nhưng không nghiêm trọng và diễn biến liên tục như năm nay. Nguyên nhân xảy ra sạt lở chủ yếu là do mưa nhiều, trong khi đó đất ở rìa bờ sông Cầu thuộc địa bàn xóm Thanh Đàm đều là đất màu, đất mềm nên khi mưa xuống sẽ rất dễ gây sạt lở.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng và phức tạp, địa phương đã thành lập Ban phòng chống lụt bão đi kiểm tra thực tế, thực hiện việc cắm biển báo, căng dây ở những khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, vận động những hộ dân có công trình phụ bị sạt lở ở gần thực hiện việc tháo dỡ. Ngoài ra, xã cũng lên phương án di dời người dân về UBND xã Nhã Lộng cũ - hiện đang bỏ không để người dân tạm thời tránh nạn trong trường hợp xảy ra sạt lở.

Bờ sông Cầu ở Thái Nguyên sạt lở như thế này, có nhà cách điểm lở đất chỉ 5m- Ảnh 5.

Các khu vực sạt lở bờ sông Cầu được cắm biển báo cấm đến gần. Ảnh: Hà Thanh

"Cùng với đó, xã cũng đã báo cáo tình hình lên UBND huyện Phú Bình, Phòng Nông nghiệp huyện. Trong sáng 11/7, đoàn công tác của tỉnh đã về khảo sát thực địa. Đồng thời, xã đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để có phương án đầu tư hỗ trợ kè bờ sông, đảm bảo an toàn lâu dài cho người dân" - ông Mạnh thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem