Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Có thể khai thác ngay 145 triệu m3 cát biển làm vật liệu xây dựng, đường cao tốc

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 04/06/2024 09:29 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, vừa qua Bộ TNMT đã hoàn thành xong đề án đánh giá trữ lượng ở khu vực tỉnh Sóc Trăng và có thể khai thác ngay 145 triệu m3, cách bờ gần 20km, thân mỏ chiều sâu 7m, tuy nhiên, Bộ đưa ra khuyến cáo chỉ nên lấy sâu 2m để giảm tác động đến môi trường.
Bình luận 0

Sáng 4/6, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời đầu tiên với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đó, sẽ tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết: Thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này. Để giải quyết căn cơ vướng mắc trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện?

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Có thể khai thác ngay 145 triệu m3 cát biển làm vật liệu xây dựng, đường cao tốc- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chất vất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, sáng 4/6. Ảnh: Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Thời quan qua với cơ chế đặc thù của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng của các địa phương chúng ta thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia. Thực hiện 8 Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết, hướng dẫn để triển khai chỉ đạo. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các hướng dẫn về cấp vật liệu xây dựng này cho các dự án, đến nay các dự án đều vượt tiến độ. 

"Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngay tại công trường cũng như các Bộ, ngành và địa phương quan tâm để giải phóng mặt bằng, có thể khẳng định cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép là rất hiệu quả", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Theo Luật Khoáng sản năm 2010, vật liệu san lấp được quy định để cấp mỏ cũng giống như các kim loại quý, quy định chưa được phân loại phân nhóm. Để xử lý vấn đề này Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, phân loại 4 nhóm. Theo đó, nhóm 1: kim loại quý; Nhóm 2: vật liệu xây dựng cao cấp; Nhóm 3: vật liệu xây dựng thông thường; Nhóm 4: vật liệu đất, đá sỏi (nhóm 3 và nhóm 4 sẽ được phân cấp cho các địa phương và trong dự thảo không phải cấp phép mỏ, thay vào đó đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế). Như vậy, cơ chế đặc thù của Quốc hội, chúng ta đã tổng kết đưa vào Luật như vậy.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Có thể khai thác ngay 145 triệu m3 cát biển làm vật liệu xây dựng, đường cao tốc- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: Quốc hội

Cũng liên quan đến vật liệu xây dựng, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chất vấn Trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên, việc thay thế có điều kiện khi mà chưa đáp ứng thì triển khai đại trà sẽ đánh cược với môi trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước?

Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết: Hiện nay, việc sử dụng vật liệu xây dựng cát biển cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt dự án về đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, KHCN, GTVT cùng nghiên cứu để sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ GTVT đã thực hiện cát biển để sử dụng tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Theo Bộ GTVT việc sử dụng cát biển trong quá trình thí điểm như vậy có thể san lấp, thi công đến độ K95.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao đánh giá trữ lượng, khu vực lấy cát biển, vừa qua Bộ đã hoàn thành xong đề án đánh giá trữ lượng ở khu vực tỉnh Sóc Trăng và có thể khai thác ngay 145 triệu m3, cách bờ gần 20km, thân mỏ chiều sâu 7m, tuy nhiên Bộ đưa ra khuyến cáo chỉ nên lấy sâu 2m để giảm tác động đến môi trường.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trên thực tế cát biển đã được san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, dự án ven biển. Bộ trưởng cho rằng khi sử dụng cát biển thì phải đánh giá tác động môi trường tùy theo công trình, dự án với nguyên tắc không ảnh hưởng đến nhiễm mặn. Còn nếu đưa cát biển vào vật liệu xây dựng thì Bộ Xây dựng sẽ có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định đưa vào như thế nào?, công trình gì? ở đâu? thì là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem