Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Báo điện tử Dân Việt đã đồng hành trong chiến lược phát triển nông nghiệp"
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Báo Dân Việt đã đồng hành trong chiến lược phát triển nông nghiệp"
Quỳnh Nguyễn (ghi)
Thứ năm, ngày 08/06/2023 06:30 AM (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 13 năm ngày ra mắt Báo điện tử Dân Việt (8/6/2010 -8/6-2023), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã gửi lời chúc tốt đẹp tới tập thể Báo. Ông đánh giá cao vai trò của Báo Dân Việt trong việc cùng Bộ NNPTNT định hình chiến lược, kế hoạch hoạt động đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Báo điện tử Dân Việt/Báo Nông thôn Ngày nay là tờ báo mà tôi đọc mỗi ngày. Tôi rất ấn tượng với đội ngũ những người làm Báo Dân Việt. Qua tiếp xúc, tôi thấy anh em rất năng động và thực sự tâm huyết với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn thông qua những bài viết, những góc nhìn, sự phản ánh thực tế đời sống ở nông thôn, hoạt động kinh tế nông nghiệp và cuộc sống của người nông dân.
Những góc nhìn của Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay đã gợi mở cho Bộ trưởng cần có một cách tiếp cận khác về nhiều vấn đề. Bởi vì mỗi người có một góc nhìn, mỗi cơ quan báo chí có một góc nhìn, chúng ta phải hợp lại nhiều góc nhìn để thấy bản chất của sự kiện, sự việc, vấn đề một cách đầy đủ hơn. Từ đó sẽ có những giải pháp phù hợp.
Cuộc sống dạy chúng ta rất nhiều điều, không ai có thể tự làm được mọi việc, Bộ trưởng cũng vậy và nhà báo cũng vậy. Chính điều này đã tạo nên sự gắn kết giữa báo chí nói chung và trong đó có Báo điện tử Dân Việt nói riêng với lãnh đạo Bộ NNPTNN, với các cơ quan của Bộ để đồng hành, kiến tạo không gian phát triển mới cho tất cả các mảng trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thuỷ sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn…
Từ trong sâu thẳm tôi rất cảm ơn Báo điện tử Dân Việt vì anh em đã luôn đồng hành trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Có thể nói những chủ trương, chính sách mới ra đời không dễ dàng được chấp nhận mà phải có truyền thông vào cuộc, truyền thông phân tích, tuyên truyền tại sao phải thay đổi vấn đề đó, tại sao đừng làm ăn cá thể nữa mà phải làm ăn tập thể, tại sao phải tăng nuôi trồng thuỷ sản lên…
Qua theo dõi tôi thấy Báo điện tử Dân Việt đã phát hiện nhiều vấn đề và có cách truyền thông của mình để dẫn dắt câu chuyện và đồng hành cùng lãnh đạo Bộ NNPTNN, cùng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong thời gian tới, để báo điện tử Dân Việt đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của độc giả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, mục tiêu kinh tế - xã hội, tôi muốn nhắn gửi thêm đôi điều.
Trước hết với những bài viết, Báo cố gắng đẩy những cảm xúc tích cực trong xã hội lên nhiều hơn. Phản ánh hiện thực khách quan là điều cần thiết nhưng hãy phản ánh dưới lăng kính tích cực. Ví dụ, việc đứt gãy chuỗi cung – cầu, ùn tắc nông sản ở biên giới phía Bắc thì chúng ta phải gợi mở ra một điều gì đó để rồi các cơ quan quản lý suy nghĩ, người nông dân cũng suy nghĩ.
Nếu chỉ phản ánh hiện tượng cục bộ như nông sản ùn ứ, hay giá nông sản giảm thì chúng ta dễ bị cảm xúc. Chúng ta nói một trái xoài không bằng ly trà đá... nghĩa là chỉ mô tả lại hiện thực khách quan. Cần phải chỉ ra tại sao nó lại như vậy, đó là do nền nông nghiệp của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, người nông dân chưa liên kết, hợp tác với nhau.
Chính từ sự không liên kết, hợp tác với nhau nên các cơ quan chức năng cũng không có đầy đủ thông tin để dự tính trước những sản lượng nông sản thế nào, chu kỳ đó ra sao để chủ động tiếp cận thị trường trong nước và thị trường nước ngoài theo từng khoảng thời gian.
Dẫn câu chuyện đó để thấy chúng ta thường ở thế bị động. Ngay cả Bộ NNPTNN hay các Bộ, ngành liên quan đều bị động trong vấn đề này, bởi nông sản có đặc điểm mùa vụ, mau hỏng. Những yếu tố đó làm cho giá cả nông sản rớt xuống, không phải chuyện thương lái ép vì buôn bán là theo quy luật thị trường.
Hay nói đến chuyện bà con vẫn bảo do thương lái nhưng thực tế bà con cũng sản xuất không theo một quy chuẩn nào hết, mỗi loại nông sản là khác nhau. Đơn cử như một trái bưởi có giá 40.000 đồng khi được xuất khẩu nhưng phóng viên phản ánh người nông dân bán còn có 7.000 đồng/trái.
Thực tế, trái bưởi được trồng đúng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, giá 40.000 đồng/trái mà doanh nghiệp mua còn không có, còn trái bưởi 7.000 đồng là trái bưởi bà con trồng trôi nổi, không theo quy chuẩn, không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên chất lượng không đạt chuẩn. Nhìn sự việc phải rõ như vậy chứ không thể đánh đồng được.
Có thể thấy việc một kg xoài hay một kg nông sản nào đó giá thấp, rớt giá là điều rất đáng buồn. Báo chí thông tin phải phân tích và làm rõ được vấn đề, đó là hệ quả của cách chúng ta làm ăn. Nếu bà con nông dân liên kết, hợp tác với nhau, vào hợp tác xã để nắm bắt được thông tin, triển khai sản xuất bài bản thì sẽ khắc phục được chuyện đó. Còn nếu báo chí chỉ thể hiện câu chuyện mà không đưa ra một thông điệp thì sẽ không gửi gắm được tâm huyết của nhà báo.
Nhân kỷ niệm 13 năm ngày ra mắt Báo điện tử Dân Việt, tôi xin dành những lời chúc tốt đẹp đến đội ngũ cán bộ, BTV, PV, người lao động của báo. Xin cảm ơn tập thể Báo đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hình những chiến lược, kế hoạch hoạt động đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.