Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin rút thép Việt-Trung khỏi 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ

Nguyên Phương Thứ bảy, ngày 26/05/2018 10:35 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ, 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh. Song sau đó trong 6 dự án này, có 2 dự án đã khôi phục lại hoạt động, bắt đầu có lãi. Trong đó, dự án Nhà máy thép Việt-Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép Quốc hội đưa ra khỏi nhóm 12 dự án này.
Bình luận 0

img

PVTex Đình Vũ - 1 trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ (Ảnh: I.T)

Người dân chua xót khi biết các đại án tham nhũng, dự án thu lỗ nghìn tỷ

Sáng 26.5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà Nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Phát biểu tại nghị trường, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, cử tri lo ngại tình trạng tham nhũng xảy ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại tiền của của Nhà nước và nhân dân rất lớn.

img

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An)

Thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý một số đối tượng chưa đủ sức răn đe, thu hồi tài sản đạt rất thấp.

“Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng  chỉ 1.300.000 đồng, thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.

Bà cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng phổ biến, bên cạnh nguyên nhân chính là vấn đề thể chế.

“Thể chế chính sách quản lý kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực còn nhiều vướng mắc. Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách vốn Nhà nước, công tác cán bộ. Khi phát hiện tham nhũng, phần lớn tài sản đã tẩu tán cũng do thể chế, quy định mang tính nguyên tắc”.

Đại biểu Dung cho rằng cần hoàn thiện thể chế và nhanh chóng thông qua Luật phòng chống tham nhũng vào kỳ họp thứ 6, sớm đưa vào thực thi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xin rút lại 1 dự án thua lỗ nghìn tỷ

Trả lời những vấn đề được các đại biển và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, về tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Chính phủ đã chỉ đạo thành lập một Ban chỉ đạo do một Phó Thủ tướng là trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương là phó trưởng ban. Sau đó, triển khai nghiên cứu đánh giá lại 12 dự án thua lỗ, những tồn đọng, sai phạm và các vấn đề đặt ra để tìm hướng giải quyết.

Trên cơ sở của 138 văn bản chỉ đạo nhiệm vụ thực hiện, năm 2017, Ban chỉ đạo đã hoàn thiện đề án xử lý những tồn đọng của 12 dự án này và báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Sau đó, được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký phê duyệt đề án xử lý các dự án tồn đọng với mục tiêu hết năm 2018 sẽ xử lý xong nhưng vấn đề tồn tại lớn của 12 dự án, tới năm 2020 sẽ giải quyết tồn đọng của tất cả dự án. Đồng thời, có giải pháp để ngăn chặn việc hình thành những dự án tồn đọng mới trong tương lai.

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: “Trong 12 dự án này, 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả. Năm 2018, chúng ta đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, các cấp. Từ Chính phủ, các Bộ chủ quản cũng như Bộ, ngành có liên quan, Tập đoàn, Tổng Công ty, chủ đầu tư... với đúng tinh thần theo đúng nguyên tắc được Bộ Chính trị đã phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo là không cấp thêm vốn Nhà nước để xử lý những dự án này. Đồng thời, phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu và người có liên quan”.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 6 dự án đã dừng sản xuất hoặc sản xuất - kinh doanh không hiệu quả, tới nay có 2 dự án đã khôi phục lại, có lãi. Dù con số lãi còn rất khiêm tốn nhưng đã bắt đầu tham gia lại thị trường, hoạt động có hiệu quả là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án Nhà máy thép Việt-Trung.

“Dự án Nhà máy thép Việt-Trung trong một thời gian ngắn nữa có thể xin phép Quốc hội đưa ra khỏi nhóm 12 dự án này bởi về cơ quan đã hoạt động bình thường, khắc phục được những tồn tại cơ bản về điều lệ, pháp lý, quản trị doanh nghiệp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Tiếp tục cung cấp thông tin, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết, trong số 3 dự án PVTex Đình Vũ, Ethanol Quảng Ngãi, Ethanol Bình Phước tới nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại.

Về dự án PVTex Đình Vũ, ông Trần Tuấn Anh cho biết đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài. Việc khôi phục hoạt động sản xuất sẽ được tiến hành từng bước, trước mắt khôi phục 1 dây chuyền sản xuất, tới cuối năm là 3 dây chuyền. Như vậy, sẽ bù được biến phí và hoạt động có hiệu quả.

Về lộ trình, sẽ tiến hành thoái Nhà nước vốn khỏi PVTex Đình Vũ khi hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem