"Bỗng lại hờn lại nhớ" cùng "gã phu chữ" Huỳnh Dũng Nhân
"Bỗng lại hờn lại nhớ" cùng "gã phu chữ" Huỳnh Dũng Nhân
Minh Thi
Thứ tư, ngày 06/01/2021 18:15 PM (GMT+7)
Tự nhận mình là một kẻ lang thang hơn nửa đời người, "ngẩng đầu cao quên đất dưới chân mình", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – tác giả của những phóng sự nổi tiếng một thời ở báo Lao Động đôi khi trở nên hồn nhiên như cây cỏ, nhất là trong tập thơ mới nhất của ông.
Lâu nay, Huỳnh Dũng Nhân vẫn làm thơ thế sự, thơ tình, nhưng hơn hết, chút góc riêng rất thật "Bỗng lại hờn lại nhớ" khiến bạn bè, đồng nghiệp và độc giả càng hiểu và quý mến "gã phu chữ" với những phút sực tỉnh chơ vơ, lạc lối giữa đời thường.
Nói chuyện một mình, uống với bóng mình, nghĩ cũng chỉ một mình, khi đó, Huỳnh Dũng Nhân mới thấm thía cuộc sống tưởng an nhàn ở tuổi hưu mà thực ra trôi đi rất chậm, so với nửa đời lang bạt của ông đến những vùng đất mới, viết những phóng sự, ghi chép đầy hồn vía về thân phận và tình người của những kẻ tha phương cầu thực.
Ngày trước, ông dùng ngòi bút để chống lại những bất công, thể hiện những trăn trở trước các hiện tượng tiêu cực của xã hội. Nhưng giờ đây, khi đối diện với chính mình là khi ông hiểu được sự bất lực của ngôn từ:
"Có những lúc nhìn lên trần nhà
Tôi thấy con thạch sùng bò ngược
Song con thạch sùng lại cười cợt tôi
Cái thằng người kia đi ngược".
Hay:"Có những lúc tôi sợ ngồi yên
Vì thời gian một chiều rồi hết
Có lúc tôi không dám đeo đồng hồ
Khi biết sống tôi đã nghĩ về cái chết".
Có thể, đó là khi ông nhận ra mình không có chỗ trong guồng xoáy tất bật, mưu toan tình tiền và có quá nhiều đổi thay so với thời xưa của thế hệ mình.
"Tôi mang tôi ra Hà Nội cuối thu
Hoa cúc họa mi xếp hai hàng đón tôi ngoài phố
Tôi lang thang Hồ Tây mùa này se se gió
Chuyến bay nửa đêm gió thốc lá vàng"…
Bởi ông mang theo mình một Hà Nội thời mũ rơm, mũ cối, một Hà Nội của thời tem phiếu. Giờ đây, ông đã là con người của quá khứ:
"Bây giờ là mùa thu với ánh nắng thủy tinh vàng ươm
Của trà sữa với nhạc Rap và muôn tầng mạng ảo
Buổi họp mặt bạn cũ không có nhiều người lính xe tăng, bộ binh, lính pháo
Họ - những lính cựu sinh viên - đã khuất sau những mùa thu".
"Thú thật, trước thời thế phức tạp bộn bề hiện nay, có lúc tôi cũng trăn trở chao đảo niềm tin lắm. Nhưng có lẽ tôi giống con búp bê lật đật của Nga, cứ đẩy nó xoay tròn, ngả nghiêng thế nào rồi nó cũng cố đứng thẳng lên được. Người ta có câu: "Cây nến cong nhưng lửa ngọn nến vẫn thẳng". Tôi sẽ cố gắng như vậy trong quãng đời cầm bút sắp tới của mình", tác giả chia sẻ.
Đây là tập sách thứ 5 trong vòng 5 năm nay của Huỳnh Dũng Nhân. Còn trong suốt chặng đường sáng tác của ông, đây là tập sách thứ 30. Sau 40 năm làm báo, từng nổi danh trong lĩnh vực phóng sự điều tra, và hiện nay trực tiếp giảng dạy chuyên ngành báo chí tại nhiều trường đại học, tác giả Huỳnh Dũng Nhân cho ra mắt nhiều tác phẩm đáng chú ý, trong đó có thể kể đến tập thơ Tự tình với Facebook ( NXB Tổng hợp TP.HCM) Ký ức chao nghiêng (NXB Văn hóa – Văn nghệ), hồi ký Chúng tôi - Một thời mũ rơm, mũ cối (NXB Tổng hợp TP.HCM).
"Làm thơ là trở về đam mê thủa nhỏ là văn chứ không phải báo, tôi tiếp tục dòng thơ thế sự vì ảnh hưởng nhãn quan nhà báo. Quan điểm thơ phải có tình, có nghĩa, xuất phát từ nội tâm và đọc hiểu được, thơ nói giúp mình khi mình không thể hiện được bằng báo chí, văn vẻ, hội họa, âm nhạc. Làm thơ nhiều vì chơi Facebook, rồi dễ dàng tập hợp các bài hay làm thành tập. Thơ làm cho tôi cảm thấy mình tồn tại và chia sẻ với mọi người, ngay cả trong thời gian cách ly vì dịch bệnh ", ông nhắn nhủ.
Nói như Huỳnh Dũng Nhân trong bài thơ "Có những lúc" thay lời kết của mình:
"Có những lúc sống đời đa tính cách
Rồi thấy mình nên cứ là mình
Hãy sống như ngày mai tận thế
Cháy hết mình khao khát, bao dung".
Và cuối cùng, sau khi đặt nhiều dấu hỏi, tự truy vấn đời mình, ông biết mình đã có câu trả lời: "Tôi là tôi - phu chữ Huỳnh Dũng Nhân". Đơn giản thế thôi, mà đã phấn đấu cả một đời người, rồi buông bỏ.
Tác giả Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) là nhà báo, nhà văn và nhà giáo. Trong lĩnh vực báo chí, Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo nổi tiếng chuyên về thể loại phóng sự, từng giữ chức vụ Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM và Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo. Ông hiện nghỉ hưu, và làm cố vấn cho Trung tâm Báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM), tham gia giảng dạy tại một số trường, viện có chuyên ngành báo chí, truyền thông. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện xã hội.
Tác phẩm đã xuất bản: Nối dây cho diều (viết chung ), Những vòng sóng (viết chung), Kỷ niệm ngày sinh (viết chung), Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Lãng mạn cùng cá sấu (Sách thiếu nhi); Ăn Tết trong rừng chó sói, Ký sự Xuyên Việt, Tôi đi bán tôi, Những người đi trong gió, Kính thưa Ô Sin, Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng ( in chung với Đỗ Doãn Hoàng) (Phóng sự).
Ngoài ra, ông còn là tác giả tập truyện ngắn: Ba hồi chuông, Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối, tản văn Sao băng, Giọt lệ trên trời, cùng tập thơ Dã quỳ tím, Tự tình với Facebook, Ký ức chao nghiêng, Bỗng lại hờn lại nhớ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.