Cà Mau: Trồng thứ cây một thời xem như cỏ dại, rút đọt đon bán làm rau đặc sản mà dân mau khấm khá
Cà Mau: Trồng thứ cây một thời xem như cỏ dại, rút đọt đon bán làm rau đặc sản mà dân mau khấm khá
Hùng Phước (Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau)
Thứ hai, ngày 21/09/2020 19:02 PM (GMT+7)
Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó mà vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy, ở ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đã vượt qua cảnh nghèo khó và vươn lên khá giàu nhờ trồng cây bồn bồn trên những mảnh đất thuê. Cây bồn bồn trước kía dân xem như cây cỏ dại thì ngày nay trở thành cây đặc sản "hái" ra tiền.
Hơn 10 năm trước, gia đình chị Hoàng Thị Thủy, ở ấp 1, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) có 4 nhân khẩu, không đất sản xuất, hai người con còn nhỏ, vợ chồng chị không ai có nghề nghiệp ổn định.
Ngày mới lập gia đình, do cha mẹ 2 bên đều nghèo nên khi ra riêng, tài sản của vợ chồng Hoàng Thị Thủy không có gì đáng giá. Gia tài của gia đình chị chỉ là một căn nhà nhỏ bằng cây gỗ địa phương ở gần Trường tiểu học Tân Lợi, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) để che mưa, che nắng và không đất sản xuất.
Hàng ngày, chị bán nước giải khát ven đường, chồng chạy xe ôm để sống đắp đổi qua ngày nên cuộc sống lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu.
Sau thời gian dài suy nghĩ tìm hướng đi cho gia đình để thoát khỏi cảnh nghèo khó, chị Thủy nhận thấy cây bồn bồn có giá, tiêu mạnh và phù hợp với đồng đất ở địa phương nên vợ chồng chị đi tìm thuê những mảnh đất sâu trũng, không cấy lúa được của bà con trong vùng để trồng bồn bồn bán kiếm thêm thu nhập.
Sau thời gian tìm kiếm, vợ chồng chị Thủy thuê được 2,5 ha đất đồng năn ven rừng tràm còn bỏ hoang rồi khai phá, phát dọn để trồng bồn bồn.
Do phù hợp với đồng đất nơi đây nên chỉ sau một thời gian ngắn xuống giống, diện tích trồng cây bồn bồn của vợ chồng chị Thủy phát triển xanh tốt, cây to mập và đạt năng suất cao. Vụ bồn bồn đầu tiên của gia đình, vợ chồng chị Thủy thu hoạch trên 1.500 kg bồn bồn tươi thành phẩm.
Thời điểm đó, trên thị trường thương lái đến tận nhà cân với giá 18.000 đến 20.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, công thuê mướn nhổ, lột, vợ chồng chị còn lãi trên 25 triệu đồng.
Từ 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày gia đình chị Thủy phải thuê từ 4 đến 5 lao động nhàn rỗi ở địa phương để nhổ, lột bồn bồn. Bình quân 1 ngày, người nhổ, lột giỏi có thu nhập từ 180.000 đến 200.000 đồng.
Người nhổ ít, lột ít mỗi ngày cũng có thu nhập từ 120.000 đến 150.000 đồng. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày gia đình chị Thủy thu hoạch được từ 80 đến 100 kg bồn bồn tươi thành phẩm. Trên thị trường, mỗi ký bồn bồn tươi thương lái đến nhà cân với giá 20.000 đến 22.000 đồng. Có thời điểm bồn bồn hút hàng, mỗi ký bồn bồn tươi bán được 25.000 đến 27.000 đồng.
Mỗi ngày, trừ các khoản chi phí ra gia đình chị Thủy còn lãi trên 1.500.000 đồng nhờ trồng cây bồn bồn. Một năm gia đình chị Thủy thu hoạch bồn bồn được từ 8 đến 9 đợt, mỗi đợt khoảng 15 ngày.
Mỗi năm, gia đình chị Thủy có thu nhập từ việc bán đọt bồn bồn tươi trên 200 triệu đồng. Cũng chính nhờ mô hình trồng bồn bồn này mà những năm qua kinh tế gia đình chị Thủy từng bước vượt qua khó khăn túng thiếu và cuộc sống ngày một ổn định hơn.
Chị Thủy cho biết: “Cây bồn bồn rất dễ trồng, không sợ rủi ro, công chăm sóc ít, chi phí đầu tư thấp và rất phù hợp với đất rừng U Minh. Từ lúc trồng bồn bồn đến thu hoạch gần 8 tháng. Nếu trồng cây bồn bồn phát triển nhanh chỉ 7 tháng là thu hoạch, trồng 1 lần thu hoạch nhiều năm...".
Theo chị Thủy, bồn bồn tươi rất dễ bán, giá bán ổn định. So với một số cây trồng khác, cây bồn bồn có mức thu nhập cao hơn. Đặc biệt, trong quá trình trồng cây bồn bồn không sợ rủi ro gì hết. Cũng nhờ cây bồn bồn nên những năm qua gia đình chị có thêm nguồn thu nhập để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Trương Văn Đủ - cha của chị Thủy - cho biết: “Gia đình tôi ít đất sản xuất, nên lúc cho vợ chồng nó ra sinh sống riêng cũng không có cho vợ chồng nó công đất nào, chỉ cất cho cái nhà bằng cây gỗ địa phương ở gần Trường tiểu học Tân Lợi, huyện Thới Bình để bán quán giải khát sống lấp đổi qua ngày, nên cuộc sống vợ chồng nó rất khó khăn, túng thiếu...".
Theo ông Đủ, từ ngày vợ chồng chị Thủy thuê được 2,5ha đất ven rừng để trồng bồn bồn bán thì kinh tế vợ chồng chị ngày một ổn định hơn trước đây nhiều. Hiện nay, vợ chồng chị Thủy không chỉ thoát được cảnh nghèo khó, gia đình còn có của ăn, của để, 2 đứa con đến trường học tập được cha mẹ nó lo chu đáo...
Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó và biết tính toán trong làm ăn mà vợ chồng chị Hoàng Thị Thủy mạnh dạn đi thuê đất để trồng bồn bồn. Từ mô hình trồng bồn bồn này mà gia đình chị Thủy đã vượt qua cảnh nghèo khó để vươn lên khá giàu.
Chị Hoàng Thị Thủy, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) xứng đáng là tấm gương sáng trong vượt khó, thoát nghèo của địa phương để cho nhiều chị em phụ nữ khác học tập và noi theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.