Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang

Trang Thảo Thứ hai, ngày 17/06/2024 05:32 AM (GMT+7)
Là huyện miền núi đầu tiên của Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), Lục Nam đã có cách làm hay, giúp bộ mặt nông thôn phát triển nhanh, đời sống nông dân khấm khá, rất đáng nhân rộng trên cả nước.
Bình luận 0

Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm

Trong những năm qua, kinh tế xã hội huyện Lục Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc cải thiện diện mạo và chất lượng sống của người dân nông thôn.

Ông Đặng Văn Nhàn Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: Lục Nam từ một huyện miền núi với rất nhiều khó khăn, khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM chỉ đạt 7,56 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người thấp đạt 15 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao chiếm 22,17%, có 4 xã đặc biệt khó khăn.

Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang- Ảnh 1.

Ông Dương Văn Thái (Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang), Nguyễn Hoàng Hiệp (Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT) trao Bằng công nhận đạt chuẩn NTM và tiền thưởng cho cán bộ, nhân dân huyện Lục Nam.

Nhưng với sự vào cuộc tích cực của Đảng ủy, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam, đến nay sau gần 13 năm thực hiện xây NTM, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã nông thôn mới nâng cao, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổng nguồn vốn huy động trong xây dựng NTM đạt hơn 1.463 tỷ đồng; Gần 600km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, cải tạo, nâng cấp. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học khang trang, rộng rãi. Tại 248/248 thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, sân thể thao diện tích từ 300 m2 trở lên.

Về phát triển kinh tế nông nghiệp, Đảng ủy huyện Lục Nam đã chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn; hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch và theo lợi thế từng vùng. Nhiều nông sản của Lục Nam đã có thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng như: Na dai Lục Nam, Nhãn muộn Lục Sơn, Trà Hoa Vàng, Bưởi Mai Sưu, Dứa Bảo Sơn…

Song song với đó công nghiệp cũng được huyện Lục Nam xác định là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Toàn huyện đã có 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 381 ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,3 triệu đồng/người/năm. Địa phương không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang- Ảnh 2.

Thôn Thanh Sơn (xã Đông Phú, huyện LụcNam) đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: An Nhiên

"Với những kết quả đã đạt được cùng sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, huyện Lục Nam đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện Lục Nam đạt chuẩn NTM năm 2023 (hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra). Đây sẽ là bước ngoặt và tiền đề quan trọng để huyện Lục Nam phát triển toàn diện, bền vững" Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho hay.

Bí quyết cần nhân rộng

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, có được kết quả này, Đảng bộ và chính quyền huyện Lục Nam luôn chú trọng vận động và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động xây dựng NTM. Tổ chức nhiều cuộc họp, tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục tiêu và lợi ích của chương trình, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp công sức, tiền của.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Nam được biết đến với nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, là huyện đi đầu trong định hướng, quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung điển hình như: Vùng sản xuất nhãn, vùng sản xuất na dai.

Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang- Ảnh 3.

Hệ thống giao thông nông thôn trên toàn huyện đã được bê tông hóa và trồng hoa cây cảnh hai bên đường. Ảnh: An Nhiên

Phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, Lục Nam cũng triển khai với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm; Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", "đường đi đến đâu dân giàu đến đó"; chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, người dân trong huyện đã đồng tình, tích cực vào cuộc hiến đất, đóng góp công, góp của để sửa chữa, làm mới, nâng cấp trục đường thôn, liên thôn, ngõ xóm, đến nay tổng số km đường giao thông nông thôn được cứng hóa của huyện Lục Nam đạt 78,16%, trong đó đường xã đạt 100%.

Đặc biệt, để hoàn thành về đích NTM, huyện đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... Điều này không chỉ cải thiện đời sống vật chất của người dân mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Lục Nam còn chú trọng hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế như: khuyến nông, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Đồng thời, huyện cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội.

Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới ở một huyện miền núi Bắc Giang- Ảnh 4.

100% xã trên địa bàn huyện Lục Nam đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Ảnh: Thảo My

Để tiếp tục xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn nữa, đưa Lục Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lục Nam đã đặt ra tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được; khắc phục những mặt còn hạn chế, khó khăn… phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao trong giai đoạn 2026-2030.

Trong đó, sẽ tập trung nâng cao các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân như: Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh hiện hữu; chuyển đổi số…

Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Bảo Đài, Đông Phú, Đông Hưng, Yên Sơn, Thanh Lâm), đạt 21,7%; có thêm từ 7-10 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 25-30 thôn.

Với những nỗ lực không ngừng, Lục Nam đã từng bước hoàn thiện diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đây là những bài học quý báu có thể áp dụng cho các địa phương khác trong quá trình xây dựng NTM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem