Cận cảnh: Nghề đan "hồ lô" bên bờ sông Chảy

Văn Chiến - Thiên Long Thứ hai, ngày 18/09/2017 06:45 AM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, đan rọ tôm đã trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân lúc nông nhàn ở các xã: Tân Lập, Phan Minh... huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái). Vào “tháng 3, ngày 8”, có hàng trăm hộ dân trong xã làm nghề đan rọ tôm. Người nào nhanh tay, mỗi ngày cũng có thể thu nhập từ 100 – 150.000 đồng từ đan rọ tôm. Nhiều người vui tính gọi là nghề đan “hồ lô” nơi thượng nguồn sông Chảy.
Bình luận 0

Ông Hứa Dũng Bôn – Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết: Tân Lập là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn chục năm trở lại đây, từ tự phát, đan rọ tôm đã phát triển thành nghề phụ, mang lại thu nhập ổn định cho người dân vào những tháng ngày nhàn rỗi.

img

Đan rọ tôm đã trở thành nghề phụ ở xã Tân Lập, từ nhiều năm nay

“Lúc đầu, chỉ có một vài hộ đan rọ tôm, phục vụ nhu cầu đánh bắt tôm trên dòng sông Chảy của gia đình. Khi rọ tôm trở thành hàng hóa, thì nghề này lan truyền khắp bản trên, xóm dưới, đến nay có hơn 90% số hộ trong xã tham gia. Mỗi ngày, có hàng nghìn chiếc rọ tôm được các thương lái thu gom, rồi đem bán cho người dân ở các vùng lòng hồ thủy điện: Thác Bà, Sơn La, Hòa Bình...” – ông Bôn cho hay.

img

Nghề đan rọ tôm nhẹ nhàng nên các cụ già cũng tích cực tham gia

Chị Triệu Thị Duyên, ở bản Tại xã Tân Lập là một trong những người đan rọ tôm khéo tay nhất xã. Chị vui vẻ nói: Đan rọ tôm rất đơn giản, nhẹ nhàng, từ người già đến trẻ em, ai cũng có thể làm được. “Người nào nhanh ý chỉ mất độ 2 ngày là có thể đan được. Nhưng để đan nhanh, đẹp thì phải làm thường xuyên, liên tục thì tay nghề mới nâng cao được. Nếu tập trung, một ngày tôi có thể đan được khoảng 30 chiếc rọ tôm, bán với giá 5.000 đồng/chiếc, cũng thu được 150.000 đồng...”.

img

Tranh thủ ngày nghỉ học, các cháu học sinh phụ giúp gia đình, đan rọ tôm

Theo chị Duyên, để đan được một chiếc rọ tôm đẹp và bền cần 3 loại lạt: tre, giang, nứa. Những thứ này ở trên rừng rất nhiều, chỉ mất chút công sức đi lấy một buổi là đủ nguyên liệu dùng cho cả tuần. Giang dùng làm nan dài vì nó dẻo nên rất bền khi ngâm nước. Còn tre cứng hơn thì để đan hom, nứa dùng cho đan thân rọ. Một chiếc rọ tôm hoàn chỉnh cần tới 11 loại nan: Nan công ngắn, dài; lạt đan hom, vấn hom; lạt đan thân to, lạt vấn cổ rọ...

img

Chị Triệu Thị Duyên ở bản Tại, xã Tân Lập là một trong những người đan rọ tôm khéo tay nhất xã. Thương lái rất thích mua các sản phẩm do chị làm

“Đan rọ tôm không lo khâu tiêu thụ, cứ vào buổi sáng mọi ngày, thương lái đến tận nhà thu mua. Từ khi làm nghề này, gia đình cũng có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày...” – chị Duyên cho biết thêm.

img

Chị Nguyễn Thị Phương người hàng ngày đến từng hộ thu mua rọ tôm của bà con tại xã Tân Lập

"Để động viên người dân phát triển nghề phụ, vào các dịp lễ, tết như: Quốc tế phụ nữ, tết Nguyên đán..., xã Tân Lập lại tổ chức hội thi đan rọ tôm. Mỗi bản thành lập một đội, gồm 5 thành viên, tham gia tranh tài, đội nào thắng cuộc được xã khen thưởng. Hội thi không chỉ góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát triển nghề đan rọ tôm mà còn thắt chặt tình làng, nghĩa xóm của người dân nơi thượng nguồn sông Chảy này" - ông Bôn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem