Quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank: Cần cơ chế đặc thù phát triển sản phẩm bảo hiểm khu vực tam nông

H.Anh Thứ hai, ngày 05/06/2023 12:28 PM (GMT+7)
Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, thiếu sự hợp tác, liên kết nên việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến từng hộ nông dân rất khó khăn. Do vậy, Quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank đề nghị có cơ chế đặc thù cho việc phát triển sản phẩm bảo hiểm vào khu vực tam nông.
Bình luận 0

Khó khăn của thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng dịp Bảo hiểm Agribank nhìn lại chính mình, để hoàn thiện hơn

Kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã tạo động lực phát triển mới và mạnh mẽ cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm; tạo thế cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm; góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, những vụ lùm xùm thời gian gần đây của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lại liên quan đến kênh hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Là một công ty bảo hiểm triển khai rất mạnh mẽ kênh bancassurance đứng vị thế số 1 về cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khu vực "tam nông" với hơn 3 triệu hộ nông dân và hơn 10.000 doanh nghiệp, bảo hiểm Agribank có chịu nhiều tác động không, thưa ông?

- Sau 3 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ rất hy vọng những tháng đầu năm nay 2023 sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, lùm xùm từ một vài vụ liên quan đến bảo hiểm nhân thọ khiến cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chỉ trong tháng 2 và tháng 3/2023 phải ban hành 6 văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tự chấn chỉnh rà soát, tự báo cáo và phải tự chịu trách nhiệm.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tự chấn chỉnh, tự rà soát và tự chịu trách nhiệm với hoạt động hợp tác với công ty bảo hiểm.

Về phía Ngân hàng Agribank, bên cạnh việc có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Agribank tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 cũng đã thành lập 8 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động triển khai bảo hiểm đối với các đơn vị thành viên trong toàn quốc - cung cấp các sản phẩm phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đối với việc tự chấn chỉnh, rà soát và báo cáo như vậy, Bảo hiểm Agribank cũng phải tập trung nguồn lực để triển khai. Việc đón tiếp và làm việc với các đoàn công tác thanh, kiểm tra cũng phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu Agribank nói chung - vốn đang là đơn vị tiên phong triển khai nhiệm vụ cung cấp vốn tín dụng ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 19 - NQ/ TW của Trung ương Đảng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Điều này dẫn đến, 5 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Agribank – một đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ - tăng trưởng âm so với 2022. Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vô hình chung đã bị ảnh hưởng bởi lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ.

Dù vậy, Bảo hiểm Agribank xác định vẫn kiên định đi tiên phong triển khai hoạt động kinh doanh chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để bảo vệ vốn của ngân hàng mẹ - Agribank. Bảo hiểm Agribank đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, qua khó khăn cũng là dịp để nhìn lại chính mình, để hoàn thiện hơn.

Quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank: Cần cơ chế đặc thù phát triển sản phẩm bảo hiểm khu vực 'tam nông' - Ảnh 1.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank)

Để bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, cần sự tham gia của tất cả các chủ thể, trong đó có cả người mua bảo hiểm. Với người mua bảo hiểm thì việc hiểu đúng về từng loại hình bảo hiểm là rất quan trọng để đưa ra quyết định đúng. Thưa ông Đỗ Minh Hoàng, ông có thể chia sẻ cho độc giả Dân Việt hiểu rõ hơn về các loại hình bảo hiểm hiện nay và ý nghĩa, vai trò của từng loại hình bảo hiểm đó?

- Về các sản phẩm bảo hiểm chỉ gồm có hai nhánh lớn. Một là các loại bảo hiểm do nhà nước thực hiện (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm tiền gửi…) và hai là bảo hiểm thương mại được thể hiện trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022, có hiệu lực từ 1/1/2023, gồm ba loại chính: bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Điểm khác biệt giữa bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phi nhân thọ với bảo hiểm nhân thọ là chỉ thuần túy để bảo vệ rủi ro, không có tính chất đầu tư sinh lời. Còn bảo hiểm nhân thọ thì ngoài việc bảo vệ và tích lũy ra, còn có một phần là sinh lời.

Đối với Bảo hiểm Agribank, hiện chúng tôi đang cung cấp 103 các sản phẩm bảo hiểm cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thông qua kênh phân phối bancassurance của Agribank.

Sản phẩm gồm ba nhóm lớn: Nhóm thứ nhất chính là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người vay vốn, hiện nay chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hơn 3 triệu hộ nông dân.

Nhóm thứ hai là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ rủi ro về tài sản mà người dân, người nông dân phải đem đảm bảo hoặc tài sản thế chấp hoặc những tài sản hình thành từ vốn vay.

Và đặc biệt nhóm thứ ba là Bảo hiểm Agribank chịu trách nhiệm triển khai các sản phẩm thuần nông nghiệp với chính sách thương mại, không phải sản phẩm bảo hiểm lấy phí từ ngân sách nhà nước. Nhóm bảo hiểm nông nghiệp này nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, với nhiệm vụ phải cung cấp vốn cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thời gian qua, Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai cung cấp tín dụng cho đề án năm vùng nguyên liệu thí điểm đạt chuẩn, và đề án triệu ha lúa đạt cao sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ này Agribank cũng giao trách nhiệm cho Bảo hiểm Agribank phải thiết kế các sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ vốn tín dụng trong khu vực tam nông này.

Mục tiêu của các sản phẩm bảo hiểm chỉ tập trung vào 2 thuộc tính. Đó là, bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua dòng vốn tín dụng vào ngành nông nghiệp; hai là khi người dân, người nông dân đến vay vốn Agribank mà không may có sự kiện bảo hiểm bị tổn thất về tài sản hoặc về tính mạng, sức khỏe thì đã có Bảo hiểm Agribank thay mặt để trả nợ gốc và lãi vay cho Agribank. Đồng thời, người nông dân và người dân đó lại có điều kiện về hạn mức tín nhiệm để được tái vay vốn. Đây là điều giúp Bảo hiểm Agribank bảo vệ để tệp khách hàng của mình luôn luôn tăng trưởng và phát triển. Hai thuộc tính trên cũng giúp cho việc cung vốn tín dụng khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được bền vững.

Quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank: Cần cơ chế đặc thù phát triển sản phẩm bảo hiểm khu vực tam nông - Ảnh 2.

Hai yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản của Bảo hiểm Agribank

Là đại diện cho một Công ty bảo hiểm, ông chia sẻ về hành động thực tiễn của đơn vị về bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm và phát triển thành công kênh phân phối bancassurance?

- Để đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm, Bảo hiểm Agribank xác định phải tập trung vào tất cả các khâu: trước, trong quá trình bán hàng và cả dịch vụ sau bán hàng. Bảo hiểm Agribank xác định có hai yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản:

Thứ nhất, mọi hành vi của mình phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm, đặt quyền lợi tối ưu cho khách hàng. Bởi vì khách hàng của Bảo hiểm Agirbank đến 95% là bà con nông dân. Nếu Bảo hiểm Agribank chỉ đưa ra những hợp đồng phức tạp, sản phẩm rườm rà, đưa ra những quy trình và thủ tục nhiêu khê thì đương nhiên chúng tôi không thể tồn tại 16 năm qua bên cạnh dòng vốn tín dụng của Agribank được. Do vậy, Bảo hiểm Agribank quan niệm mình phải có hoạt động thiết thực đầu tiên là phải thiết kế cho được sản phẩm đơn giản, dễ hiểu và có thể chuyển đổi số ngay lập tức.

Hai là, phải tăng cường công tác đào tạo đại lý, tuyên truyền giáo dục và công tác truyền thông kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội, rồi các cơ quan đài, báo tại địa phương để đưa tin, viết bài về chương trình ưu đãi của gói tín dụng Bảo hiểm Agribank. Bản thân doanh nghiệp cũng thiết lập những bộ phận chăm sóc khách hàng, đường dây nóng 24/7, nâng cao các ứng dụng về công nghệ thông tin.

Hiện nay, mặc dù hàng năm Bảo hiểm Agirbank có khoảng 3,6 triệu đơn bảo hiểm cung cấp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhưng trong đó 95% đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử. 100% xuất hóa đơn điện tử và trong đó 70% đã được hạch toán tự động doanh thu và các chi phí tương đồng có liên quan. Như vậy, nếu kinh doanh các sản phẩm bán lẻ mà không áp dụng chuyển đổi số thì đương nhiên không thể quản lý dòng tiền minh bạch và không thể xứng đáng với thương hiệu của Agribank.

Trong thời gian tới, để phát triển kênh bancassurance, đặc biệt là phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia trong khu vực đầy khó khăn như tam nông, Bảo hiểm Ngân hàng Agribank bắt buộc phải tuân thủ nghiêm túc những quy định của pháp luật, những văn bản quy phạm pháp luật. Agribank cũng đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện Bảo hiểm Agribank, lấy kênh bancassurance cung cấp cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn làm trọng tâm, làm trung tâm để cho cả hai bên cùng quan tâm phát triển.

Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới kênh bancassurance của Agribank luôn luôn xứng đáng là kênh số một và đồng thời tiếp tục tiên phong đi vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Qua đó triển khai thành công chính sách phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 19 của Trung ương Đảng.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank.

Để phục vụ tốt hơn đối với tệp khách hàng "đặc biệt" của mình, ông có kiến nghị gì thưa ông?

- Để kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Agribank phát triển bền vững, phục vụ đắc lực cho khu vực Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bảo hiểm Agribank xin có một số kiến nghị như sau:

Một là: Đề nghị có cơ chế đặc thù cho việc phát triển sản phẩm bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp nông dân và nông thôn. Nghị quyết 19-NQ/TW về phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Agrribank và Ngân hàng Chính sách có trách nhiệm cung cấp tín dụng vào khu vực này.

Để triển khai nghị quyết của TW Đảng nhằm bảo vệ nguồn vốn tín dụng cần phải có nhiều giải pháp để quản lý rủi ro trong đó bảo hiểm là một công cụ hữu hiệu có thể phân tán rủi ro trên toàn thế giới thông qua phương thức tái bảo hiểm. Tuy nhiên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, thiếu sự hợp tác, liên kết nên việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến từng hộ nông dân rất khó khăn. Do vậy cần phải có một cơ chế đặc thù có thể vận dụng nhiều phương thức bán hàng để không bị coi là ép buộc phải mua bảo hiểm khi vay vốn.

Hai là: 16 năm qua, Bảo hiểm Agribank hình thành và phát triển dựa trên 02 trụ cột là kênh phân phối bán lẻ được vận hành bởi đội ngũ cán bộ Agribank hiểu biết về sản phẩm tài chính, am hiểu về địa phương, được tổ chức thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Và, sản phẩm bảo hiểm được tích hợp với sản phẩm ngân hàng hình thành gói vay vốn cho khu vực Tam nông.

Do vậy, Bảo hiểm Agribank mong muốn Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện bán gói sản phẩm tín dụng cùng bảo hiểm nhằm bảo vệ tối đa nguồn vốn tín dụng của Agribank (thông qua việc bồi thường tổn thất) giúp người nông dân có khả năng thanh toán khoản vay.

Ba là: Agribank có các gói tín dụng hỗ trợ người dân, đặc biệt là khu vực Tam nông để triển khai bảo hiểm nông nghiệp gắn với tín dụng nông nghiệp qua kênh phân phối Agribank là mô hình chứng minh đạt nhiều kết quả khả quan trong thực tiễn triển khai của Bảo hiểm Agribank 15 năm qua. Bảo hiểm Agribank đã phối hợp chặt chẽ với Agribank tuyên truyền, giải thích, tư vấn về sản phẩm bảo hiểm cũng như áp dụng các chính sách hỗ trợ khách hàng khi vay vốn tín dụng tại Agribank có tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Agribank (Agribank có gói lãi suất ưu đãi một số địa bàn giảm lãi suất đến 1% so với các Ngân hàng Thương mại khác, Bảo hiểm Agribank giảm phí bảo hiểm 20%).

Ngoài những nỗ lực từ chính sách cần có sự phối hợp liên kết giữa Nhà nước, Ngân hàng, Doanh nghiệp bảo hiểm, Doanh nghiệp/hộ sản xuất/cá nhân trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao và tăng thu nhập cho nông dân. Bảo hiểm Agribank kiến nghị coi phương thức triển khai bảo hiểm dưới hình thức gói tín dụng nông nghiệp của Agribank với các sản phẩm bảo hiểm của Bảo hiểm Agribank là mô hình điểm để triển khai thành công Bảo hiểm rủi ro trong khu vực tam nông, bằng hình thức thương mại (không có hỗ trợ phí bảo hiểm từ Ngân sách Nhà nước).

Bảo hiểm Agribank cam kết tập trung mọi nguồn lực phát triển các sản phẩm bảo hiểm vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn góp phần bảo vệ tối đa cho doanh nghiệp, các hộ sản xuất và cá nhân đồng thời thúc đẩy thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp để thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của TW Đảng và triển khai thành công thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp – Agribank – Bảo hiểm Agribank.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem