Để dân được tham gia nhiều hơn vào việc giới thiệu nhân sự Đại hội XIII

Thành An Thứ năm, ngày 14/05/2020 06:51 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Do đó phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia nhiều hơn vào công tác giới thiệu nhân sự Đại hội VIII.
Bình luận 0

Hội nghị Trung ương 12 khóa XII đang diễn ra (từ ngày 11-14/5). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được Hội nghị cho ý kiến là xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự T.Ư khóa XIII.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: "Về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng… có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực... Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền...".

Nhân sự Đại hội XIII: Tin dân, dựa vào dân để chọn cán bộ đủ đức đủ tài - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, tháng 1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quy định số 214-QĐ/TW Quy định "khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (Quy định 214)" cũng đề cập đến những tiêu chuẩn trên.

Đáng chú ý, so với Quy định 90 trước đây, nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí được đặt cao hơn, rõ hơn. Trong 5 tiêu chuẩn chung của các chức danh cán bộ diện Trung ương quản lý, thì Quy định 214 nêu rõ hơn tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo phải là người có uy tín cao trong Đảng và nhân dân.

Cán bộ phải có uy tín với nhân dân

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư đánh giá: Việc ban hành Quy định 214 quy định tiêu chuẩn và tiêu chí đánh giá các đồng chí Ủy viên T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và kể cả tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các chức danh khác. Đây là cách làm thông lệ ở các Đại hội Đảng gần đây.

Nhân sự Đại hội XIII: Tin dân, dựa vào dân để chọn cán bộ đủ đức đủ tài - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông - Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

Hiện nay Tiểu ban nhân sự của Đại hội XIII đang chuẩn bị nhân sự. Bước đầu T.Ư đã xem xét là lựa chọn được 184 người để đưa vào quy hoạch BCH T.Ư. Tiếp theo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quy hoạch chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Sau đó, phải lựa chọn danh sách để giới thiệu bầu vào BCH T.Ư cả chính thức và dự khuyết… trong nhiệm kỳ tới.

Để thực hiện tinh thần đó, Đảng rà soát lại các quy định trước đây liên quan tới đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (Quy định 90) thấy rằng thực tiễn cần phải bổ sung những điểm mới trong Quy định 214 này.

"Một trong những điểm mới trong Quy định 214 là nhấn mạnh tới vai trò của nhân dân. Đảng ta ra đời, nếu nói thật gọn là vì nước, vì dân, phục vụ nhân dân, không có lợi ích nào khác nên một trong những tiêu chí với đội ngũ cán bộ là phải có uy tín trước nhân dân. Lần này chúng ta bổ sung thêm quy định này với những đối tượng áp dụng Quy định 214 phải có uy tín trong Đảng và nhân dân. Tôi cho điều này là rất đúng với nguyện vọng của nhân dân. Đánh giá cán bộ cũng phải xem nhân dân có hài lòng không" – ông Thông nhấn mạnh.

Một điểm mới nữa được ông Nguyễn Viết Thông chỉ ra là trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đang tấn công dữ dội vào nền tảng tư tưởng, tung đủ loại quan điểm sai trái để phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì lần này phải nhấn mạnh đến "bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái". 

"Tôi cho rằng từ trong thực tiễn những điểm mới được bổ sung quy định này là rất hợp lý. Qua theo dõi, dư luận, đảng viên và nhân dân rất đồng tình với những quy định mới trong Quy định 214 này", ông nói.

Tin dân, dựa vào dân để chọn cán bộ

Theo Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư, nếu thực hiện nghiêm những quy định hiện nay đã ban hành "sẽ lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

"Hệ thống các quy định, quy chế, quy trình không thiếu, vấn đề mấu chốt hiện nay là người thực hiện quy định, quy chế, quy trình đó. Theo quan sát kinh nghiệm, tôi nhận thấy, trước hết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo quyết liệt thì sẽ lựa chọn được cán bộ đủ đức, đủ tài. Còn quy định, quy chế, quy trình ban hành nhưng người thực hiện không lãnh đạo, chỉ đạo tốt thì những quy định đó cũng không thể đi vào cuộc sống được" - ông Thông nhận định.

"Trước đây, những nơi bổ nhiệm không đúng cán bộ, bổ nhiệm sai cán bộ đều thanh minh rằng đã làm đúng quy trình. Nhưng lỗi ở đây không phải ở quy trình mà lỗi là do người thực hiện quy trình. Những văn bản, quy định về lựa chọn cán bộ kể cả cấp huyện, tỉnh, T.Ư như Quy định 214 là đầy đủ, nếu người lãnh đạo, chỉ đạo làm nghiêm. Thực tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhiều lần nói rõ vấn đề này. Nếu như làm nghiêm thì Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ đúng yêu cầu đặt ra" – ông Thông phân tích thêm.

Đặc biệt, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, cán bộ tốt hay xấu thì cứ hỏi dân là biết hết. Cho nên, trong các quy trình để giới thiệu nhân sự ứng cử, bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đều lấy ý kiến của nhân dân ở nơi nhân sự đó đang công tác, tại nơi cư trú.

Nhân dân có quyền thông qua MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, có thể giới thiệu nhân sự cho Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cũng mạnh dạn chỉ ra những người nào không nên đưa vào quy hoạch hay ứng cử các chức danh.

"Thực tế hiện nay, khi cán bộ được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó có tố giác của nhân dân, qua xác minh, xem xét đã phải đưa cán bộ đó ra khỏi quy hoạch. Cơ chế hiện nay đã có những quy định, đồng thời cũng phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế để nhân dân tham gia nhiều hơn vào công tác giới thiệu cán bộ" – ông Thông nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem