Tháng Chạp, với nhiều phụ nữ làng nghề truyền thống, chuyên làm các sản phẩm đặc trưng ngày Tết là thời vụ bận rộn và mong chờ nhất trong năm. Chủ cơ sở khô cá xinh đẹp ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) tiết lộ bán 700 - 800kg khô cá lóc, cá chạch vào dịp Tết.
Từ đôi bàn tay cần cù, khéo léo, chị em những làng nghề ở quận Thốt Nốt gói trọn tấm lòng vào những thức quà dân dã, những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó là ước vọng đủ đầy cho gia đình trong năm mới…
Chị Nguyễn Thị Hồng Linh, khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt tất bật sắp xếp gian hàng bán khô cá các loại.
Tại Tổ hợp tác làm khô các loại tại khu vực Thạnh Phước 1, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, những ngày tháng Chạp, chị em luôn tay làm việc. Túc tắc làm bán khô quanh năm, nhưng dịp cận Tết, chị Nguyễn Thị Hồng Linh lại bận rộn hơn cả, phải nhờ thêm người thân phụ giúp. Gia đình chị Linh làm nghề đã gần 20 năm, chuyên làm khô cá sặc, cá lóc đồng, cá chạch…
Chị Linh cho biết: “Việc chế biến khô cá rất công phu, từ khâu làm cá, ướp gia vị để có được vị thơm đặc trưng. Thường thì 10kg cá tươi sẽ làm ra 3kg cá khô. Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua hơn 60kg cá tươi để chế biến mới đủ bán”.
Hiện nay, tại cơ sở của chị Linh, giá khô cá lóc từ 220.000-240.000 đồng/kg, khô cá chạch từ 500.000-800.000 đồng/kg… Chị Linh bảo, trừ chi phí, mỗi ký khô chị lời tầm 20.000-30.000 đồng. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của khách hàng gần xa nên chị có thu nhập ổn định. Riêng mỗi dịp Tết, chị bán 700-800kg khô các loại.
Ðể phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay, ngay từ tháng 10, chị Linh đã bắt đầu thu mua, chế biến cá để trữ hàng bán Tết. Chị Linh phấn khởi nói: “Tết năm nào, khô cá làm ra cũng không đủ bán. Do đó, năm nay, tôi mạnh dạn làm hơn 1.000 kg cá khô và mua thêm tủ đông để trữ cá. Tuy cực nhưng vui”.
Cách nhà chị Linh không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Hằng cũng có thu nhập ổn định nhờ nghề làm khô cá. Bà Hằng là hộ đầu tiên làm nghề tại địa phương. Trước kia, bà Hằng mở quầy hàng bán hột vịt lộn, khô mực các loại. Thấy mặt hàng khô được ưa chuộng, bà tự mày mò chế biến thử cá khô và quyết định theo nghề. Nhờ khéo léo, ướp gia vị ngon nên các sản phẩm khô bà làm được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bà Hằng cho biết, mỗi ngày, bà thu nhập 1-2 triệu đồng nhờ bán khô.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Ðính, Chủ tịch Hội LHPN phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, Tổ hợp tác làm khô các loại được thành lập tháng 12-2021 với 5 thành viên tham gia. Thu nhập của các chị bình quân từ 5,5-6 triệu đồng/tháng.
Riêng dịp Tết, hộ nào cũng có thu nhập cao hơn. Dự định của Hội trong thời gian tới sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, để thương hiệu Tổ hợp tác ngày càng vươn xa, giúp chị em khấm khá từ nghề làm khô cá.
Rời phường Thạnh Hòa, chúng tôi đến làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, Thốt Nốt, trên 100 năm tuổi được nhiều người biết đến. Làng nghề hoạt động xuyên suốt trong năm nhưng sôi động nhất vào dịp Tết. Trong tiết trời se lạnh những ngày cận Tết vẫn không thể làm căn bếp của chị Nguyễn Thị Thanh Cảnh (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) giảm bớt nhiệt.
“Công đoạn tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng đều và khi lấy bánh sẽ không bị nát. Bánh được hấp bằng hơi nước, khoảng 10-20 giây là chín” - chị Cảnh vừa giải thích, vừa thoăn thoắt tráng bánh.
Theo chị Cảnh, bánh tráng Thuận Hưng sở dĩ được người dân ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn đều, dẻo thơm; đặc biệt là rất đều, “trăm chiếc như một”. Các loại bánh tráng trứ danh của làng nghề là bánh tráng mặn, bánh tráng nem, bánh tráng dừa và bánh tráng ngọt. Bánh được làm quanh năm nhưng mùa cao điểm nhất là vào 2 tháng cận Tết Nguyên đán. Hiện nay, làng nghề có 5 hộ dân tự đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để sản xuất bánh và có khoảng 80 hộ làm bánh tráng thủ công.
Chị Thanh Cảnh cho biết: “Gia đình tôi tráng bánh quanh năm. Càng cận Tết, lượng sản phẩm làm ra gấp đôi, gấp ba ngày thường nên nhà nào cũng "đỏ lửa", nhân công làm việc luôn tay. Giá bánh ngày Tết tăng hơn ngày thường từ 5.000-15.000 đồng/kg. Cụ thể: bánh lạt có giá 40.000 đồng/kg, bánh dừa giá 350.000- 400.000 đồng/100 chiếc (tùy loại ít dừa hay nhiều dừa);... Số lượng bánh tráng gấp nhiều lần so với ngày thường nên các hộ làm nghề có thu nhập ổn định”.
Theo chị Ðồng Ngọc Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thốt Nốt, ngoài làm khô, bánh tráng, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận còn duy trì nhiều mô hình nghề như đan đát, làm bánh dân gian, trồng hoa kiểng,.. Năm 2022 phục hồi sau dịch bệnh với nhiều khó khăn. Dẫu vậy, đến giáp Tết, các mô hình kinh tế, làng nghề trên địa bàn quận Thốt Nốt tất bật vào mùa “ăn nên làm ra”.
Ðể giúp người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng phát triển nghề truyền thống ổn định và bền vững, các cấp Hội LHPN quận và các cơ quan chức năng luôn quan tâm, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận các nguồn vốn vay; tham gia các hội thảo, hội chợ để quảng bá sản phẩm,…
Với những nỗ lực của chính quyền cùng với sự cần mẫn, chăm chỉ, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn quận đã duy trì và phát triển ngành nghề truyền thống, tạo việc làm, cải thiện thu nhập đáng kể cho gia đình. Trên hết là khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.