Những thăng trầm cuộc đời của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt tạm giam
Những thăng trầm cuộc đời của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết vừa bị bắt tạm giam
Thế Anh
Thứ ba, ngày 29/03/2022 20:59 PM (GMT+7)
Xuất phát là Luật sư rẽ ngang sang làm bất động sản vào năm 2008, ông Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty CP Tập đoàn FLC với hàng loạt dự án bất động sản.
Ông Trịnh Văn Quyết, SN: 1975 tại Vĩnh Phúc, trong một gia đình công chức nghèo. Năm 1995, ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu vào học tại ĐH Luật Hà Nội, sau khi ra cầm được tấm bằng đại học ông Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư SmiC và 5 năm sau là Trưởng văn phòng Luật sư SmiC.
Với cương vị Tổng Giám đốc Công ty Luật SmiC, ông Trịnh Văn Quyết tham gia hàng loạt vụ tranh chấp như: Honda Vietnam tranh chấp với Công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên và giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005...
Từ Luật sư rẽ ngang sang làm bất động sản vào năm 2008, ông Quyết thành lập Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập với số vốn 18 tỷ đồng và chuyển đổi thành Công ty cổ phần FLC 2 năm sau. Ông Trịnh Văn Quyết là một trong ba cổ đông sáng lập. Đến năm 2011, FLC tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông Trịnh Văn Quyết xây dựng công trình FLC The Landmark Tower vào năm 2012 trên khu đất rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội). Dự án FLC Landmark Tower được xây dựng thành một tòa nhà phức hợp, 32 tầng, gồm cả khu căn hộ và văn phòng cho thuê. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.
Năm 2016, sau thương vụ mua gần 100 triệu cổ phiếu Công ty CP Xây dựng Faros (ROS), ông Trịnh Văn Quyết "bỗng chốc" trở thành người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt lúc bấy giờ, với tổng tài sản trên sàn chứng khoán đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những dự án nêu trên, những dự án bất động sản dưới thời ông Trịnh Văn Quyết cũng đã từng dính phải những lùm xùm trong một thời gian dài. Điển hình là dự án FLC Garden City với diện tích 7,8 ha với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Do thi công các hạng mục công trình trong khi chưa có giấy phép xây dựng, FLC Garden City đã từng bị các cơ quan chức năng địa phương đình chỉ thi công và xử phạt 40 triệu đồng vào ngày 13/5/2015.
Đáng nói là sau lần bị đình chỉ thi công và xử phạt hành chính, chủ đầu tư dự án không chấp hành, nhiều lần phớt lờ và có nhiều cách đối phó để tiếp tục vi phạm. Ngày 18/1/2016, trên cơ sở Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm tiếp tục phát hiện sai phạm tại dự án, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ đã ban hành quyết định đình chỉ thi công, yêu cầu các đơn vị liên quan cắt điện, nước. Sau đó vài ngày, quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng chủ đầu tư dự án FLC Garden City cũng đã được đưa ra...
Tiếp đó là dự án FLC Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá với diện tích 450ha, nguồn vốn đầu là 5.500 tỷ đồng, gồm sân golf 18 hố và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế…
Vào đầu tháng 3/2016, hàng trăm người dân ở các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) đã tập trung trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều ngày liền để phản đối việc thu hồi bãi biển Sầm Sơn giao cho Tập đoàn FLC, khiến họ bị ảnh hưởng kế sinh nhai.
Lý do được nhiều người dân phản đối là do dự án của Tập đoàn FLC chặn đường ra biển, cấm không cho người dân khai thác thủy sản gần bờ trước mặt của khu nghỉ dưỡng đã được người dân phản ánh nhiều lần lên chính quyền xã và thị xã nhưng vẫn không được giải quyết triệt để, khiến họ bức xúc.
Ngoài vụ lùm xùm ở dự án FLC Sầm Sơn, dự án FLC Vĩnh Thịnh Resort, tỉnh Vĩnh Phúc của Tập đoàn FLC cũng khiến cho báo chí tốn khá nhiều giấy mực với thông tin khởi công khi chưa được phê duyệt.
Khi đó, báo chí thông tin dự án này chưa được phê duyệt dự án và chưa tiến hành đền bù, thu hồi đất, nhưng FLC vẫn ngang nhiên công bố khởi công giai đoạn 2 dự án Quần thể du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Thịnh - An Tường tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng. Cụ thể, dù mới có quy hoạch tổng thể 1/2000, chứ chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng chủ đầu tư vẫn khởi công giai đoạn 2 dự án.
Dự này cũng bị người dân phản đối kịch liệt vì không đồng ý với phương án thu hồi đất, thậm chí họ khẳng định dù có đền bù cao họ vẫn không bán đất, "nhượng" đất cho Tập đoàn FLC...
Bên cạnh đó, hai dự án của FLC tại Quảng Bình và FLC Quy Nhơn cũng bị người dân tới trước toà nhà tại 265 Cầu Giấy, TP.Hà Nội treo băng rôn để đòi quyền lợi vì cho rằng, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý vẫn mở bán tràn lan….khiến nhiều nhà đầu tư "ăn quả đắng".
Tương tự, dự án FLC Quảng Ninh cũng từng bị Sở Xây dựng Quảng Ninh đề nghị Tập đoàn FLC dừng việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai đối với 4 tòa chung cư thuộc dự án KĐT Hà Khánh. Dự án FLC Quảng Ninh là một dự án từng vướng lùm xùm khi còn trong thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lí thực hiện dự án giai đoạn 1, chưa có thông báo đủ điều kiện huy động vốn thì FLC đã quảng cáo, chào bán đất nền.
Ông Trịnh Văn Quyết từng bị xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán
Năm 2022, FLC muốn xúc tiến các thủ tục pháp lý để triển khai, ra mắt chính thức khoảng 25 dự án mới trong các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và đô thị phức hợp tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ…
Theo thông tin mới đây từ FLC, mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ (chưa bao gồm các lĩnh vực có liên quan mật thiết đến doanh nghiệp này là hàng không và đầu tư thi công). Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18 ngàn tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu.
Đang nghiên cứu, xúc tiến khoảng 300 dự án, hiện FLC đang xúc tiến pháp lý khoảng 300 dự án trên hơn 40 tỉnh thành cả nước và tiếp tục mở rộng quỹ đất từ Bắc vào Nam. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu xúc tiến pháp lý để chính thức triển khai gần 25 dự án mới tại nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…Trong số này, có các dự án hợp phần mới từ những đại dự án đã và đang được FLC triển khai như FLC Quảng Bình, FLC Quy Nhơn…
Ngoài những dự án bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết còn "rót" tiền thành lập hãng hàng không Bamboo Airways.
Vào năm 2019, khi mới thành lập hãng hàng không Bamboo Airways giới chuyên môn và nhiều người từng nghĩ hàng không là một vùng đất khốc liệt, không dành cho FLC. Hiện nay, với thị trường nội địa, Bamboo Airways đang tập trung khai thác những đường bay mới bên cạnh các trục chính như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Các tuyến bay nội địa hướng tới các địa điểm du lịch như Quảng Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Phú Quốc, Nha Trang,Vinh, Cần Thơ, Pleiku, Đà Lạt
Với thị trường quốc tế, Bamboo Airways hiện đang khai thác các chuyến bay thẳng Đà Nẵng – Hàn Quốc; Nha Trang – Hàn Quốc; Hà Nội – Đài Loan, bay thẳng tới ÚC, Anh,...
Đối với lĩnh vực chứng khoán, ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).
Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính khi thực hiện bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Cùng với đó, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC.
Theo đó, C01 tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi trên của Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự. Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.