Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 3: Loay hoay giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai

Quang Sung - Trần Đáng Thứ ba, ngày 23/05/2023 09:47 AM (GMT+7)
Trước tình trạng chăn nuôi bò sữa ngày càng khó khăn, nông dân chăn nuôi bò sữa và ngành chức năng TP.HCM đang tìm nhiều cách giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai.
Bình luận 0

Mặc dù ngành chăn nuôi bò sữa không còn đem lại thu nhập cao như trước, thậm chí thua lỗ, nhưng nhiều hộ chăn nuôi bò sữa vẫn đang tìm cách duy trì và hy vọng phát triển đàn bò theo hướng mới.

Ứng dụng công nghệ cao để cầm cự chăn nuôi bò sữa

Sau hơn 10 năm nuôi bò sữa, ông Phạm Văn Vũ ngụ xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) nhận ra việc áp dụng khoa học - công nghệ vào chăn nuôi giúp bò sữa nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận và nhất là duy trì đàn bò vượt qua khủng hoảng chăn nuôi bò sữa hiện nay.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 3: Loay hoay giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai - Ảnh 1.

Hệ thống tắm bò, được thiết kế tự động tại trang trại của ông Phạm Văn Vũ. Ảnh: Quang Sung

"Tôi đã được cán bộ kỹ thuật khuyến nông hướng dẫn về kỹ thuật áp dụng các thiết bị cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa, như máy vắt sữa, máy băm thái cỏ, máy trộn TMR… Kết quả sử dụng, giúp tôi tiết kiệm rất nhiều công lao động, đồng thời cũng giúp giảm các chỉ số nhiễm vi sinh trong sữa", ông Vũ chia sẻ.

Hiện, trang trại của ông Vũ đang nuôi 40 con bò sữa lớn nhỏ, trong đó có 16 con đang cho sữa. Mỗi ngày, trang trại bò sữa của ông Vũ thu được hơn 150kg sữa.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nhớ - hộ chăn nuôi bò sữa tại huyện Hóc Môn cho biết, gia đình ông có khoảng 20 con bò sữa. Mặc dù số lượng bò ít, nhưng nhờ có đồng cỏ 2.000m2 và đưa vào vận hành máy cắt cỏ, máy vắt sữa nên gia đình ông tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

"Sử dụng máy vắt sữa phù hợp với sinh lý và thời gian tiết sữa của bò, nên sản lượng sữa bình quân tăng thêm 0,2 - 0,4kg sữa/con/lần vắt. Ngoài ra, khi sử dụng máy móc còn giúp gia đình tôi tiết kiệm tiền thuốc thú y do bò ít bệnh viêm vú và giảm chi phí trả công lao động", ông Nhớ cho biết.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 3: Loay hoay giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai - Ảnh 3.

Máy vắt sữa giúp người chăn nuôi bò tiết kiệm tiền thuê nhân công, đồng thời giúp năng suất sữa đạt cao hơn. Ảnh: Quang Sung

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Trung Lập - người có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi bò sữa tại xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, bên cạnh việc bán sữa cho các trạm thu mua, người chăn nuôi cũng có thể tự chế biến các sản phẩm từ sữa và bán ra thị trường.

"Thậm chí, nông dân nuôi bò sữa có thể đầu tư mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp với tham quan trải nghiệm để tìm kiếm lợi nhuận thêm và ổn định", ông Lập nói.

Giữ đàn bò, câu chuyện giữa nông dân và nhà quản lý

Không chỉ các các nông hộ chăn nuôi bò sữa nỗ lực giữ đàn bò, giữ nghề, những năm qua các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã tìm nhiều giải pháp để đàn bò sữa trụ được qua sóng gió khủng hoảng.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 3: Loay hoay giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai - Ảnh 4.

Anh Kiệt đang nối ống, chuẩn bị tưới phân cho đám cỏ voi nhằm giảm chi phí bón phân hóa học. Ảnh: Quang Sung

Một trong những cách giữ đàn bò sữa và phát triển bền vững là TP.HCM xác định theo hướng giảm đàn, nâng cao chất lượng sữa và tập trung vào phát triển con giống. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 duy trì đàn bò sữa 60.000 con.

Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho những hộ chăn nuôi bò sữa có quy mô nhỏ, chuyển đổi sang những ngành nghề khác. Tập trung phát triển những hộ chăn nuôi có quy mô trên 50 con. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi. Đặc biệt, giải quyết bài toán về thức ăn.

Chăn nuôi bò sữa nông hộ tại TP.HCM - bài 3: Loay hoay giữ đàn bò, giữ kế sinh nhai - Ảnh 5.

Những hộ chăn nuôi bò sữa có quy mô dưới 20 con được khuyến khích chuyển đổi sang ngành nghề khác. Ảnh: Quang Sung

Theo TS Chung Anh Dũng, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), bên cạnh các chính sách kinh tế vĩ mô, quản lý của Nhà nước trong việc hỗ trợ ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, như hỗ trợ nguồn tinh bò giống chất lượng cao, hỗ trợ công tác gieo tinh nhân tạo, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ quản lý dịch bệnh… người chăn nuôi bò sữa cần phải tự nỗ lực để tăng nguồn thu nhập từ ngành chăn nuôi bò sữa.

"Việc tăng thu nhập dựa vào tăng giá bán sữa sẽ khó khăn, người chăn nuôi bò sữa không chủ động được. Vì vậy, việc giảm giá thành sản xuất và tăng năng suất là một trong những giải pháp khả thi", TS Dũng chia sẻ.

Còn nữa...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem