Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội"

Thành An Thứ sáu, ngày 06/11/2020 10:04 AM (GMT+7)
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương".
Bình luận 0

Sáng 6/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chánh Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội

Theo Chánh Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, trong nhiệm kỳ khóa XIII, các Tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Từ ngày 1/10/2015 đến ngày 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các Tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường. Công tác giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các Tòa án thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: "Chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội" - Ảnh 1.

Chánh Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội sáng 6/11/2020.

Tính đến nay, đã công bố được 39 án lệ với chất lượng ngày càng cao và đã có hàng ngàn bản án, viện dẫn áp dụng án lệ trong xét xử.

Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đến nay đã công bố được gần 600.000 bản án, quyết định với hơn 23 triệu lượt truy cập nghiên cứu bản án và đánh giá tích cực về chất lượng các bản án.

Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh: "Trong xét xử các vụ án hình sự, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương.

Đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn như: Vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng,... Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước".

Cũng theo báo cáo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử luôn được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm, tiến hành thường xuyên.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều tiến bộ, nhưng có năm vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội do số lượng đơn thuộc thẩm quyền vẫn không ngừng gia tăng theo từng năm.

"Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận".

Liên quan việc thực thi chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Chánh án TAND tối cao cho biết, tính từ ngày 1/6/2019 đến ngày 30/9/2020, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 37 vụ với 147 bị cáo; đã xét xử 25 vụ với 90 bị cáo phạm các tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

"Các Tòa án đã chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm sớm đưa vụ án ra xét xử; trong thời gian qua, không có vụ án nào để quá hạn luật định. Đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước. Các Tòa án cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản và các biện pháp tư pháp, các hình phạt bổ sung nhằm thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt", ông Bình nói.

Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Để nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ các giải pháp như: Tăng cường xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật. Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn pháp luật và phát triển án lệ.

Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử; nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều khiển phiên tòa cho đội ngũ Thẩm phán. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Hoàn thiện Quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết.

Tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, Tòa án các cấp nhất là các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đổi mới công tác đào tạo, đề cao kỷ cương, kỷ luật, tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, thực chất, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo các Tòa án sau Đại hội Đảng các cấp.

Đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở và trang cấp các trang thiết bị làm việc cho các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính - tư pháp, đảm bảo công khai minh bạch hoạt động của Tòa án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem