Thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước được yêu cầu giải trình

Quỳnh Nguyễn Thứ sáu, ngày 26/01/2024 10:48 AM (GMT+7)
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước được yêu cầu giải trình những vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục…
Bình luận 0

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước được yêu cầu giải trình- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình. Ảnh: QH

Theo đó, các phiên giải trình được tổ chức công khai, trừ trường hợp vấn đề được giải trình có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, bí mật kinh doanh được pháp luật bảo vệ hoặc trường hợp khác do Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội quyết định.

Phạm vi giải trình là những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Ủy ban khác của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc.

Vấn đề được lựa chọn giải trình là những vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Cùng với đó là những vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục…

Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

"Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình", Nghị quyết nêu rõ.

Đồng thời, người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Về trách nhiệm, người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm tham dự phiên giải trình để trực tiếp báo cáo, giải trình những vấn đề thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham dự yêu cầu; trường hợp do sự kiện bất khả kháng không thể tham dự phiên giải trình thì có thể ủy quyền cho cấp phó của mình tham dự và phải gửi văn bản đến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội nêu rõ lý do ủy quyền và người được ủy quyền chậm nhất là 5 ngày trước ngày tiến hành phiên giải trình.

Trong trường hợp này, người được yêu cầu giải trình phải chịu trách nhiệm về những nội dung do cấp phó của mình báo cáo, giải trình tại phiên giải trình; cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người đã ủy quyền về nội dung đã báo cáo, giải trình tại phiên giải trình.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành (25/1/2024).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem