Chính phủ "thúc" liên bộ vào cuộc giảm thuế, chặn "găm" xăng dầu

An Linh Thứ ba, ngày 19/07/2022 06:17 AM (GMT+7)
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tính toán, sớm trình các phương án giảm thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Cùng đó, Bộ Công Thương phải chặn găm hàng đầu cơ giá xăng, xử nghiêm các hành vi này.
Bình luận 0

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vào cuộc để giảm giá xăng dầu, tránh găm xăng dầu

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 85 về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo về phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế đối với xăng dầu theo quy định.

Chính phủ "thúc" liên bộ vào cuộc giảm thuế, chặn "găm" xăng dầu - Ảnh 1.

Chính phủ thúc hai Bộ vào cuộc để giảm giá xăng dầu, chặn "găm" xăng dầu chờ giá.

Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, các mặt hàng thiết yếu xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất.... Bộ này phải kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.

Bộ Công Thương phải tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu...

Trước đó, Bộ Tài chính đã đệ trình phương án giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu MFN từ 20% xuống 10% để mục đích gia tăng lượng xăng dầu nhập khẩu, gia tăng đối tác cung ứng xăng dầu cho Việt Nam.

Cùng với thuế suất thuế nhập khẩu MFN, Bộ Tài chính mới đây cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt và Thuế Giá trị gia tăng (VAT), các phương án giảm hai sắc thuế lớn này không được tiết lộ, tuy nhiên, theo nguồn tin từ Bộ Tài chính cơ quan này đưa ra hai phương án đề xuất nhằm giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt, VAT.

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu tuỳ theo chủng loại, dao động từ 8-10% (trong đó xăng sinh học có mức thuế thấp hơn, xăng khoáng có mức thuế cao hơn); Thuế VAT hiện tại đang ở mức 10%, đây là hai sắc thuế lớn, tác động mạnh đến cấu thành giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định cho giảm kịch khung Thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu đến ngày 31/12/2022, trong đó xăng được giảm 1.000 đồng/ lít, các loại dầu khác dao động từ 300 - 700 đồng/lít. Hiện nay, các loại xăng dầu trong nước chỉ chịu mức thuế bảo vệ môi trường cao nhất là 1.000 đồng/ lít. Sang ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ trở về mức cũ khoảng 4.000 đồng/ lít xăng và dầu là khoảng từ 2.500 đến 3.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu thế giới hiện có diễn biến khó lường do tác động dai dẳng của dịch bệnh, chiến tranh giữa Nga - Ucraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và sự biến động mạnh, mất giá của các đồng tiền mạnh như USD, Euro hay Yen, sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc… Nhiều dự đoán giá dầu sẽ có biến động tăng giảm hết sức khó lường từ nay đến cuối năm, tác động rất nghiêm trọng đến đời sống kinh tế vĩ mô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem