Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Đã giao việc rồi TP.HCM chủ động, không mỗi cái mỗi xin

Xuân Huy Thứ bảy, ngày 05/10/2024 11:11 AM (GMT+7)
Sáng 5/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Thành ủy, UBND TP.HCM.
Bình luận 0

Đây là lần thăm và làm việc đầu tiên của ông Trần Thanh Mẫn với TP.HCM trên cương vị Chủ tịch Quốc hội (được bầu tháng 5/2024). Tham gia đoàn công tác còn có các Phó chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành trung ương. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành TP.HCM cùng dự buổi làm việc.

Buổi làm việc nhằm tháo gỡ những vướng mắc xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường vành đai 3 TP.HCM và Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM.

img

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Thành ủy, UBND TP.HCM. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Cùng với đó, trong buổi làm việc sẽ đánh giá về tình hình thực hiện các nội dung TP.HCM đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 21/10/2024) và các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP.HCM cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các đề nghị của TP.HCM đưa ra. Buổi làm việc sẽ đánh giá những vấn đề thành phố đã làm được, chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 bản nghị quyết trên.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu đã nghe phản ánh TP.HCM có Nghị quyết về cơ chế đặc thù, đặc biệt, nhưng làm việc gì cũng phải xin ý kiến. Do đó, cần làm rõ TP.HCM đã có sự chủ động, tự chủ, năng động, sáng tạo để thực hiện Nghị quyết 98 hay chưa. 

Ông Mẫn cho rằng, đã giao việc rồi, thì TP phải có sự chủ động để thực hiện theo pháp luật đã quy định, mỗi cái mỗi xin thì lại phải hội họp trong khi chúng ta đang giảm hội họp.

img

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương vẫn tiếp tục đà tăng trưởng sau 9 tháng của năm 2024 với nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố thẳng thắn nhìn nhận chưa có sự tăng trưởng và phát triển đột phá.

Ông Mãi cho biết một số vấn đề đặt ra đáng quan tâm liên quan đến dòng tiền vào thị trường. Trong đó, tổng vốn đăng ký mới của doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, trong 22 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương dự kiến có khả năng hoàn thành 19 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu có thể không đạt là tốc độ tăng trưởng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021; tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động.

Ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm, Nghị quyết 98 đã đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh. Nghị quyết cũng tạo sự phân cấp, linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính và tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho thành phố Thủ Đức với mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi làm việc. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai một số nội dung chưa đạt kế hoạch. Cụ thể là chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; vấn đề tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách.

Hiện tại, 16/32 nhiệm vụ Thủ tướng giao đã được TP.HCM triển khai, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các nội dung còn lại.

Ông Mãi cho rằng Nghị quyết 98 đã phân cấp cho TP.HCM, nhưng trong quá trình cụ thể hóa cần trao đổi, xin ý kiến các bộ, ngành rồi mới triển khai. Ví dụ, lĩnh vực ưu tiên nhà đầu tư chiến lược, các tiêu chí trong lĩnh vực này, thành phố cần trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, sau đó mới trình HĐND. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù cần thời gian, có độ trễ là vì vậy. 

Trong các nội dung của Nghị quyết 98, thành phố đã áp dụng 30 cơ chế; 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện vì có quy định mới thay thế, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem