Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bảo vệ ngay những "ngọn núi sắc màu" ở Suối Giàng

Lam Anh - Hoàng Chiên (thực hiện) Thứ hai, ngày 28/10/2024 11:03 AM (GMT+7)
Sau loạt bài Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái) đăng tải trên Báo Điện tử Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý vi phạm, bảo vệ nguồn tài nguyên quý không bị thất thoát.
Bình luận 0
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 1.

Dân Việt đã đăng tải loạt bài điều tra dài kỳ "Tan hoang những ngọn núi sắc màu ở Suối Giàng (Yên Bái)" từ ngày 5/9/2024. Loạt bài cung cấp thông tin về các thủ đoạn tinh vi, các nguồn lợi phi pháp khổng lồ, các dấu hiệu "khó hiểu" trong quản lý các mỏ quặng, di sản địa chất nổi tiếng trên địa bàn Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái).

Lập tức, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo khẩn, đề nghị kiểm tra, xử lý vấn đề báo nêu, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã quyết liệt vào cuộc. Sau một thời gian rà soát, kiểm tra, ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với chúng tôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 2.

Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Dân Việt. Ảnh: HC

Hết hạn thăm dò, chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác ở Suối Giàng

Được biết, khu vực Suối Giàng (huyện Văn Chấn) từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp trong công tác giao mốc giới, kiểm tra hiện trường thế nào? Kết quả ra sao?

Ông Trần Huy Tuấn: Trên địa bàn xã Suối Giàng có hai khu vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp giấy phép thăm dò hoạt động khoáng sản, gồm: Công ty cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Đại tượng Phật Tây Thiên (được cấp Giấy phép thăm dò số 1297/GP-BTNMT ngày 24/5/2019 với thời hạn thăm dò là 48 tháng kể từ ngày ký, hạn đến ngày 24/5/2023) và Công ty TNHH Việt Á (được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản số 3299/GP-BTNMT ngày 25/12/2019, với diện tích 31 ha, thời gian thăm dò 24 tháng kể từ ngày ký, tức là hạn đến ngày 25/12/2021). Như vậy, cả hai khu vực này đã hết thời hạn thăm dò theo các Giấy phép thăm dò được Bộ TNMT cấp. Đến nay, vẫn chưa có khu vực nào khác được cấp giấy phép khai thác.

Theo khoản 3, điều 2 của Giấy phép thăm dò được Bộ TNMT cấp, đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thăm dò theo Giấy phép được cấp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam).

Về phía tỉnh Yên Bái, đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, theo chức năng, nhiệm vụ và điều 3 của Giấy phép thăm dò; phối hợp với UBND huyện Văn Chấn, UBND xã Suối Giàng và các cơ quan liên quan tiến hành bàn giao mốc ranh giới khu vực thăm dò theo Giấy phép thăm dò khoáng sản; kiểm tra việc mở moong, lấy mẫu công nghệ theo đề nghị của các doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với Giấy phép thăm dò khoáng sản cấp cho Công ty TNHH Việt Á, Sở Tài nguyên và Môi trường phối với UBND huyện Văn Chấn, UBND xã Suối Giàng bàn giao mốc thăm dò ngày 28/4/2020; kiểm tra thực địa việc mở moong lấy mẫu công nghệ ngày 06/5/2020 và ngày 26/3/2021. Đến nay, giấy phép thăm dò đã hết thời hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 4.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 5.

Phóng viên Dân Việt bên những vách núi, tảng đá lớn bị khoan, cắt, đập nhỏ đủ để những chiếc xe máy thồ ra khỏi khu vực khai thác tại thôn Giàng Cao và thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Văn Hoàng

Đối với Giấy phép thăm dò cấp cho Công ty cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Đại tượng Phật Tây Thiên, việc bàn giao mốc thăm dò được tiến hành ngày 04/10/2019. Trong thời gian thăm dò, Công ty đã gửi báo cáo định kỳ kết quả thăm dò về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 149/QĐ-BTNMT ngày 06/6/2023 tiến hành kiểm tra khu vực đá Suối Giàng kể trên.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Năm 2023, Bộ TNMT đã ban hành Kế hoạch Đấu giá quyền khai thác khoáng sản (kèm theo Quyết định số 2493/QĐ-BTNMT). Trong các khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản có Đá ốp lát khu vực Suối Giàng 2. Đến nay, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực này đã thực hiện đến bước nào? Việc chậm cấp phép chính thức khai thác khoáng sản có phải là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khai thác trái phép tràn lan, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản ở khu vực Suối Giàng hay không, thưa ông?

Ông Trần Huy Tuấn: Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đá ốp lát Suối Giàng 2 thuộc thẩm quyền của Bộ TNMT. Năm 2023, Bộ đã ban hành Quyết định số 2493/QĐ-BTNMT ngày 29/8/2023 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong đó có khu vực đá Suối Giàng 2 với diện tích 21ha. 

Đến nay, tỉnh Yên Bái chưa nhận được thông tin về kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực này. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản, đặc biệt đối với các khu vực đá Suối Giàng, để tạo thuận lợi cho quản lý, bảo vệ khoáng sản, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, đúng là còn xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Suối Giàng. Theo chúng tôi, nguyên nhân do: Khu vực khoáng sản đá cảnh Suối Giàng nằm lộ thiên, nằm ở địa hình vùng đồi núi cao, hiểm trở, nhiều tuyến đường mòn dân sinh… nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 6.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 7.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 8.

Đá cảnh sau khi khai thác từ xã Suối Giàng được vận chuyển trên đường quốc lộ và đường liên tổ dân phố trong thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Văn Hoàng

Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: "Ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn có những hạn chế, việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý của chính quyền địa phương cấp cơ sở còn bị động, chưa quyết liệt, chưa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chưa được duy trì thường xuyên liên tục; giữa địa phương và lực lượng có chức năng tuần tra, kiểm soát chưa thông tin, phối hợp kịp thời để ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép".

Trên thực tế, còn tình trạng lợi dụng thăm dò để khai thác khoáng sản trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường (sạt lở do khoan, cắt, đào đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép) gây thất thoát tài nguyên. Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chấn chỉnh những bất cập kể trên như thế nào?

Ông Trần Huy Tuấn: Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương về khoáng sản (Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được ban hành tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 31/10/2017) và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Theo quy định, địa phương, nơi có khoáng sản khai thác được nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển KT-XH. 

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cần hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản khai thác - theo khoản 2 Luật Khoáng sản năm 2010 và điều 15, 16 Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật trên - cũng có quy định rõ. Các địa phương như khu vực các mỏ đá cảnh, đá mỹ nghệ ở Suối Giàng, thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TNMT.

Vì vậy, sau khi các doanh nghiệp được Bộ TNMT cấp phép khai thác, UBND tỉnh sẽ yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép thực hiện trách nhiệm đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định đã dẫn ở trên.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 9.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 10.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 11.

Hoạt động tập kết, cưa xẻ, chế tác đá diễn ra rầm rộ quanh năm tại thị trấn Sơn Thịnh, và xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái gây ô nhiễm môi trường bụi, tiếng ồn. Ảnh: Văn Hoàng

Như tôi đã nói ở trên, mặc dù trên địa bàn xã Suối Giàng chưa có tổ chức, cá nhân nào được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, song, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, UBND huyện Văn Chấn đã quan tâm triển khai các chính sách để ổn định đời sống, phát triển sản xuất đối với bà con thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng. 

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa 3,5km đường bê tông, xi măng rộng 3m; lớp bê tông dày 14cm; đồng thời, mở rộng mặt đường bê tông: với tổng mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng.

Về công tác bố trí tái định cư: Đã đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2026-2030 dự án Khu tái định cư tập trung thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng, với mục tiêu bố trí, sắp xếp, tái định cư tập trung cho 100 hộ dân tộc Mông thuộc các thôn Suối Lóp, thôn Giàng Cao của xã Suối Giàng, nằm trong diện chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 (YAGI), với quy mô 4,2ha, tổng mức đầu tư dự kiến: 50 tỷ đồng.

Về triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản xã Suối Giàng, nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023…

Những chính sách trên đã góp phần tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế một cách chính đáng, không tham gia các hoạt động khai thác, vận chuyển đá cảnh trái phép. 

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 12.

Một bãi đá cảnh được tập kết tại thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với hàng trăm tảng đá lớn nhỏ. Ảnh: Lam Anh

Thu giữ khối lượng lớn đá mỹ nghệ Suối Giàng không có nguồn gốc

Như Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh, hiện tình trạng khai thác, tập kết đá cảnh trái phép vẫn diễn ra, dấu hiệu "bảo kê" của một số lực lượng chức năng của tỉnh, dẫn đến hệ lụy xấu cả về tài nguyên, thuế phí và dư luận xã hội. Vậy, tới đây, tỉnh Yên Bái sẽ làm gì để chấn chỉnh tình hình?

Ông Trần Huy Tuấn: Trong nhiều năm qua và ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế tác khoáng sản đá (đá cảnh, đá mỹ nghệ) trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất là việc chỉ đạo kiểm tra xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế tác, kinh doanh đá cảnh, đá mỹ nghệ trái phép tại huyện Văn Chấn theo phản ánh của các Báo Điện tử Dân Việt (tại Văn bản số số 3241/UBND-TNMT ngày 05/9/2024).

Sau khi Báo điện tử Dân Việt đăng loạt bài trên, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tại Quyết định số 2261/QĐ-SCT ngày 19/9/2024. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đề xuất của Sở Công Thương, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (nếu có) có liên quan đến trách nhiệm được giao trong quản lý nhà nước về khai thác, mua bán, kinh doanh, chế tác khoáng sản là đá cảnh, đá ốp lát, đá mỹ nghệ trên địa bàn huyện Văn Chấn.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn xã Suối Giàng có 05 khu vực có dấu hiệu của việc khai thác khoáng sản trái phép đã diễn ra trước đây nằm dọc theo chiều dài tuyến đường khoảng 2 km đi vào Thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng. 

Tại thời điểm kiểm tra không có người và phương tiện máy móc, không có các hoạt động khai thác diễn ra. Tại các khu vực kiểm tra, có một số cục đá có khối lượng khoảng 4 đến 10 tấn/cục và nhiều viên đá cỡ nhỏ có khối lượng từ vài kg đến vài tấn nằm tại sườn đồi và ven trục đường đi vào thôn Suối Lóp.

Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra, kiểm soát thu giữ khối lượng lớn đá mỹ nghệ Suối Giàng không có nguồn gốc gồm: Đội quản lý Thị trường số 1 đã thu giữ 995.758 kg. Công an huyện Văn Chấn đã phát hiện, xử lý 31 vụ đối với 19 đối tượng, thu giữ 446.593kg đá cảnh, giá trị tài sản: 882 triệu đồng, xử phạt 125 triệu đồng. 

Các đoàn kiểm tra do huyện Văn Chấn thành lập đã xử lý 37 vụ, thu giữ 1173,45 tấn đá cảnh, xử phạt các cá nhân vi phạm với số tiền là 198 triệu đồng. UBND xã Suối Giàng qua việc lập chốt tại thôn Suối Lóp và đường lên khu vực thôn Kang Kỷ đã thu giữ khối lượng 727,48 tấn đá thô vô chủ tại mỏ (năm 2022); 1,5 tấn đá thô, 01 máy khoan mi ni, thu giữ 02 máy tời đá mi ni (năm 2023).

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 13.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 14.

Những sập đá, cây đá cảnh to như một gian nhà, cao hơn cột điện cao thế; với nhiều màu sắc rực rỡ được bày bán tại một cơ sở chế tác đá quy mô lớn ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. Ảnh: Lam Anh

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, để có cơ sở định hướng cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra được chặt chẽ, hiệu quả, bán sát thực tế, UBND tỉnh đã ban hành tại Kế hoạch số 185/KH-UBND nhằm rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các cơ quan đang triển khai, thực hiện, dự kiến sẽ báo cáo UBND tỉnh vào đầu Quý I/2025.

Như ông đã trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, là tỉnh Yên Bái sẽ quyết liệt ra quân xử lý nghiêm mọi hành vi sai phạm liên quan đến câu chuyện khai thác thổ phỉ các mỏ đá mỹ nghệ ở Suối Giàng. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này?

Ông Trần Huy Tuấn: Tỉnh Yên Bái sẽ triển khai những biện pháp quyết liệt xử lý nghiêm mọi hành vi hoạt động khoáng sản trái phép nói chung và với việc khai thác, chế tác, kinh doanh đá cảnh Suối Giàng nói riêng. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chế tác, kinh doanh đá cảnh trên toàn tỉnh. Hiện nay đoàn đang thực hiện kiểm tra, tuy nhiên do phải kiểm tra nhiều cơ sở, nhiều địa bàn, có nhiều vướng mắc trong việc làm rõ những nội dung có liên quan, nên cần mất nhiều thời gian. 

Đoàn đã báo cáo về những khó khăn vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ. Khi báo Dân Việt có bài phản ánh, tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 3241/UBND-TNMT ngày 05/9/2024, giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện Văn Chấn kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh đá cảnh, đá mỹ nghệ nói chung, trong đó trọng tâm tại huyện Văn Chấn để kịp thời phát hiện xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Bị động, thiếu quyết liệt trong bảo vệ “Những ngọn núi sắc màu” - Ảnh 15.

Thôn Giàng Cao, xã Suối Giàng chưa có điện lưới quốc gia ẩn hiện trong mây mù với những mái nhà ngói gỗ pơ mu cổ kính đang bị bao vây bởi hoạt động khai thác đá cảnh trái phép. Ảnh: Văn Hoàng

Giúp bà con "không phải đi đào đá cảnh trái phép để mưu sinh nữa"

Ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và UBND huyện Văn Chấn thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tịch thu khoáng sản khai thác trái phép, lập các trạm kiểm soát việc vận chuyển khoáng sản trái phép; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân ký cam kết không tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng khu di dân tái định cư tại thôn Kang Kỷ, xã Suối Giàng (cách nơi ở cũ khoảng 3km) để di chuyển toàn bộ 70 hộ dân của thôn Suối Lóp ở khu vực mỏ đá có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét ra ở tại khu tái định cư; xây dựng chính sách đào tạo và chuyển đổi nghề, tạo sinh kế, công ăn việc làm ổn định cho người đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, để họ ổn định cuộc sống, không phải đi đào đá cảnh trái phép để mưu sinh nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem