Chưa được bồi thường nhưng ao, vườn đã bị doanh nghiệp san lấp, một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu
Chưa được bồi thường nhưng ao, vườn đã bị doanh nghiệp san lấp, một Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Hưng Yên kêu cứu
Trần Quang - Thu Hà
Thứ ba, ngày 05/09/2023 15:45 PM (GMT+7)
Dù chưa bồi thường tài sản, hoa màu trên đất, nhưng chủ đầu tư thi công cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão- Nghĩa Dân (tỉnh Hưng Yên) đã cho phương tiện vào san lấp ao cá, vườn cây khiến gia đình ông Ngô Đức Thắng, nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 ở Kim Động (Hưng Yên) rất bức xúc.
Ông Ngô Đức Thắng, nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 ở Hưng Yên bức xúc trước sự việc chủ đầu tư thi công Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão-Nghĩa Dân (Hưng Yên) tự ý cho phương tiện vào san lấp ao cá, vườn cây khiến gia đình ông bị thiệt hại nặng.
Ao đang thả cá bị san lấp không thương tiếc
Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt ngày 24/7/2023, ông Ngô Đức Thắng ở thôn Cốc Khuê, xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết: Ngày 20/12/2019, ông được UBND xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi gia hạn hợp đồng giao thầu đất công điền với diện tích 35.801m² tại khu vực cánh đồng thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ để trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản ổn định từ năm 2016.
Từ đó cho đến nay việc sản xuất của gia đình ông Thắng đã ổn định, đạt hiệu quả kinh tế cao, là điểm sáng phát triển kinh tế trang trại của tỉnh Hưng Yên. Bản thân ông Thắng được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của của xã, huyện, tỉnh. Đặc biệt năm 2017, ông Thắng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2018, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Năm 2021, UBND xã Đặng Lễ cùng Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Ân Thi thông báo với gia đình ông Thắng về việc thu hồi 13.476 m² trên tổng số 35.801m² diện tích đất của gia đình ông để phục vụ việc xây dựng cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão- Nghĩa Dân.
Đến tháng 4/2021, Ban GPMB huyện Ân Thi cùng UBND xã Đặng Lễ đã tiến hành kiểm đếm cây cối, hoa màu và tài sản khác trên đất.
Đến ngày 5/3/2023, ông Thắng có làm đơn đề nghị gửi UBND huyện Ân Thi, UBND xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi chi trả số tiền bồi thường đã được kiểm kê và có biên bản ghi nhận trước đó. Ngày 15/3/2023, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện đã có tờ trình gửi UBND huyện, Phòng TNMT huyện Ân Thi đề nghị thẩm định phương án và ban hành Quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ cây cối khi nhà nước thu hồi đất tại xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân.
Tuy nhiên, đến ngày 30/5/2023, dù gia đình ông Thắng chưa được nhận tiền chi trả đền bù, nhưng phía chủ đầu tư thi công cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão- Nghĩa Dân đã tự ý cho người, phương tiện đến san lấp ao cá, một phần diện tích vườn cây ăn quả của gia đình ông Thắng.
Trình bày tiếp với PV Báo NTNN/điện tử Dân Việt, ông Thắng cho biết: "Theo Hợp đồng giao thầu giữa UBND xã Đặng Lễ và tôi, thì đến nay vẫn chưa đến thời hạn thanh lý hợp đồng và chúng tôi vẫn chưa nhận tiền đền bù thiệt hại nhưng phía doanh nghiệp đã cho phương tiện vào san lấp ao cá, cây ăn quả khiến gia đình tôi bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng".
"Từ khi nhận được thông báo thu hồi đất phục vụ dự án, gia đình tôi đều nhất trí, đồng thuận để nhà nước thu hồi đất nhằm phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội, nhưng các cơ quan chức năng phải sớm hoàn thiện thủ tục và chi trả đền bù cho chúng tôi theo đúng quy định của pháp luật"- ông Thắng nói.
Nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng không được hồi âm
Đến đầu tháng 6 và tháng 7/2023, ông Thắng tiếp tục làm 2 lá đơn gửi UBND tỉnh và HĐND tỉnh Hưng Yên đề nghị liên quan đến bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất để thực hiện cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão- Nghĩa Dân. Trong đó ngày 16/6/2023, Ban Pháp chế (HĐND tỉnh Hưng Yên) đã chuyển đơn và yêu cầu huyện Ân Thi chỉ đạo giải quyết đơn đề nghị của công dân, tuy nhiên đến nay, ông vẫn không nhận được phản hồi.
Điều đáng nói, đến chiều ngày 23 đến ngày 24/7, phía chủ đầu tư dự án lại tiếp tục cho phương tiện vào san lấp thêm một ao cá của gia đình ông Thắng khiến ông càng thiệt hại nặng hơn. "Ao của tôi rộng khoảng trên 1.000m2 đang nuôi nhiều loại cá như trắm, mè, trôi... trị giá hàng trăm triệu bị vùi lấp trong bùn cát, đau xót lắm!", ông Thắng ngậm ngùi.
Đến thời điểm này, gia đình ông Thắng phải cắt cử người trông coi tài sản 24/24h hàng ngày. Dù cả gia đình ông và lãnh đạo xã đã yêu cầu doanh nghiệp dừng san lấp mặt bằng trên diện tích đất thầu của gia đình nhưng họ vẫn không có ý hợp tác khiến gia đình ông rất hoang mang, lo lắng tài sản tiếp theo bị san lấp tiếp.
"Chưa đền bù cho dân, doanh nghiệp đã san lấp mặt bằng là sai"
Sau khi nhận được đơn của ông Thắng và trực tiếp về trao đổi làm rõ, PV Báo NTNN/điện tử Dân Việt đã trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Xuân Cương - Chủ tịch UBND xã Đặng Lễ, ông Cương cho rằng: Việc chưa thực hiện bồi thường thiệt hại cho dân mà doanh nghiệp đã tự ý san lấp ao, vườn của bà con là sai.
Theo ông Cương, trước đây, khu vực cánh đồng thôn Nam Trì là đất công điền, có nhiều hộ dân cấy lúa nhưng do thường xuyên bị ngập úng, chuột phá hoại nhiều, nên bà con làm đơn trả lại ruộng cho xã. Sau đó đất bỏ hoang lãng phí, có hộ xin thầu lại để nuôi thủy sản cũng không hiệu quả nên đã chuyển nhượng cho ông Ngô Đức Thắng thầu lại để trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản từ năm 2016.
"Đến giờ, khu vực này làm đường to, năm 2021 địa phương mới có thông báo thu hồi đất phục vụ dự án cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân. Từ đó đến nay, tôi liên tục đề nghị các đơn vị của huyện hoàn thiện thủ tục để bồi thường cho người dân để giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết", ông Cương nói thêm.
Ông Ngô Đức Thắng hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão cho biết, với ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi vịt và trồng cây ăn quả, chi hội xác định mục tiêu là phát triển kinh tế tập thể, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, không đem lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay các hộ chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão đã có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện để giúp đỡ và tương trợ cho nhau cùng phát triển. Đến thời điểm hiện tại chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão đã có 40 thành viên tham gia, với tổng diện tích 55ha. Chi hội được Hội ND xã tư vấn, hướng dẫn, thành lập mới 2 hợp tác xã và 4 tổ hợp tác đang hoạt động đi vào nề nếp, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo sự phấn khởi cho hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.