Chứng khoán liên tục bị "đạp" vào khung giờ nhạy cảm, chuyên gia lý giải ra sao?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 30/09/2022 15:51 PM (GMT+7)
Thị trường chứng khoán giảm điểm 5 phiên liên tiếp khiến chỉ số VN-Index bị "thổi bay" tổng cộng 90 điểm, đằng sau đó có dấu hiệu của việc đầu cơ giá xuống từ các… “tay to”, chứ không hẳn là do lượng bán giải chấp của các công ty chứng khoán.
Bình luận 0
Chứng khoán liên tục bị "đạp" vào khung giờ nhạy cảm, chuyên gia lý giải ra sao? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đã có 5 phiên giảm điểm liên tiếp khiến chỉ số VN-Index giảm tới 90 điểm. Ảnh: IT

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định như thế khi nói về những phiên "lao đao" của thị trường chứng khoán vừa qua.

"Theo tôi, ở đây có dấu hiệu 'té nước theo mưa', mượn một số khung giờ hơi nhạy cảm để tuôn hàng ra bán và quy chụp rằng đây là việc bán giải chấp của các công ty chứng khoán. Ở đây, tôi thấy có dấu hiệu của "tay to" đang đầu cơ giá xuống", ông Phương nói.

Chứng khoán vào khung giờ "nhạy cảm": Có bóng dáng của... "tay to" 

Thị trường chứng khoán đã sụt giảm 5 phiên liên tiếp khiến chỉ số VN-Index bị "thổi bay" tổng cộng 90 điểm, ông có bình luận gì về diễn biến thị trường. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

-Thị trường sụt giảm liên tiếp mấy phiên gần đây do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, phải nói là do tâm lý "bầy đàn" lo lắng theo FED tăng lãi suất, rồi NHNN cũng nâng lãi suất dẫn đến các NHTM cũng nâng lãi suất huy động. Như vậy, vô hình trung sẽ làm nhà đầu tư lo lắng đâu đó rằng dòng tiền đầu tư sẽ chảy ngược ra thị trường chứng khoán và chảy vào kênh tiền gửi. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là nỗi lo lắng mà thôi vì thực chất xu thế này không đáng kể.

Bởi lẽ, về lý thuyết thì suy luận này là đúng, nhưng trên thực tế thì rõ ràng đầu tư chứng khoán - bất động sản khi có may mắn thì có thể "ăn bằng lần", còn không thì cũng lời từ 10% cho đến vài chục phần trăm. Nên so với tỷ lệ lãi suất chỉ tăng 1% của tiền gửi thì rõ ràng kênh chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn cả.

Thứ 2, khi lãi suất tăng thì chi phí vốn cho doanh nghiệp cũng như cho nền kinh tế tăng lên, điều này làm cho biên lợi nhuận của DN giảm đi. Đây cũng là nỗi lo của nhà đầu tư, nhưng theo tôi thì DN cũng có nhiều loại chi phí chứ không chỉ riêng chi phí tài chính, chi phí lãi vay…

Cho nên, nếu DN biết tiết giảm chi phí thiên về quản lý, vận hành… thì cho dù chi phí tài chính có tăng lên thì họ cũng có thể bù đắp được.

Vì vậy, tôi đánh giá những nỗi lo mà nhà đầu tư chứng khoán hiện đang lo lắng chỉ là về lý thuyết, nhưng vẫn dẫn đến sự thận trọng trên thị trường và nhà đầu tư đã bán ra nhiều hơn là mua vào.

Thêm một nguyên nhân nữa, trong vòng 1 tuần gần đây, khối ngoại quay đầu bán ròng rất mạnh, mỗi ngày đều bán vài trăm tỷ đồng nên cũng khiến cho lực cầu thị trường đã yếu mà lực cung thì tăng mạnh. Phải biết rằng khối ngoại một khi bán ròng thì khá mạnh tay, bán với giá ATC… khiến cho giá cổ phiếu dễ dàng đi xuống hơn, trong khi lực cầu của nhà đầu tư trong nước không đủ để cân bằng lại, hoặc họ chỉ mua lại ở vùng giá thấp khiến cho đầu mua vào vẫn có nhưng điểm vẫn giảm.

Chứng khoán liên tục bị "đạp" vào khung giờ nhạy cảm, chuyên gia lý giải ra sao? - Ảnh 2.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Những phiên gần đây, đặc biệt là phiên chiều trước giờ xác định giá đóng cửa, lực bán thường dồn dập, ông có cho rằng có điều bất thường?

-Đúng. Qua quan sát các phiên gần đây, tôi nhận thấy ở đây có dấu hiệu những nhà đầu tư lớn, hay còn gọi là "tay to" đầu cơ giá xuống (bán ở vùng trên cao và chặn mua ở vùng giá thấp hơn). Có thể thấy, mấy phiên gần đây từ 2h15 cho đến gần 2h30 trở đi thường có lực bán dồn dập tuôn ra. Lực bán này có nhiều người suy luận rằng do lực bán giải chấp từ các công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, theo cá nhân tôi nhận định thì lực bán giải chấp là có, nhưng cũng nhỏ thôi. Vì các công ty chứng khoán cũng chẳng ai "dại" mà canh một giờ nhất định để bán ào ạt, bán đồng loạt trên toàn thị trường như vậy.

Bởi, nếu bán như thế này chẳng khác gì đang 'giết chết' khách hàng của mình, chưa kể bán giải chấp cũng là bán thu tiền về, nếu bán giá cao thì thu được nhiều tiền hơn, còn bán thấp thì nhà đầu tư phải bán nhiều cổ phiếu hơn. Nếu nhà đầu tư không có nhiều cổ phiếu để bán thì vô hình chung công ty chứng khoán tự… "bắn vào chân mình".

Nói chung, các công ty chứng khoán thường sẽ để nhà đầu tư và nhân viên môi giới thu xếp, xử lý dần chứ không đợi một thời điểm mà tuôn ra bán ầm ầm như vậy.

Nên tiến tới giao dịch T+0

Một số nhà đầu tư thời gian gần đây còn than phiền về việc nên bỏ các phiên ATC, rồi bỏ giao dịch T+2 về giao dịch T+3, ông có nhận định gì về các ý kiến này?

-Theo tôi, việc giao dịch phiên 1, 2,3 là cái bình thường và đã diễn ra 22 năm rồi. Hồi trước, lo lắng này là đúng vì có một số nhà đầu tư lớn cân giữa hai thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, lạm dụng những phiên cuối để bán. Tuy nhiên, việc này đã bị UBCK và các Sở Giao dịch Chứng khoán nhận ra và đã có giải pháp xử lý. Và tôi tin hiện công thức tính giá cho hợp đồng phái sinh đã ổn định và giải quyết được vấn đề này.

Tuy nhiên, ở giai đoạn thị trường đang mong manh như hiện nay, niềm tin của nhà đầu tư không có khi báo cáo quý 3 chưa ra, trong khi các thông tin tiêu cực thì liên tục xuất hiện.

Ví dụ như nói về tin tức địa chính trị thì việc Nga hăm he sử dụng vũ khí hạt nhân, tuyển quân thêm… khiến tâm lý nhà đầu tư ít nhiều lo ngại liệu cuộc chiến có đi xa thêm? Hoặc FED tăng lãi suất vẫn khá mạnh tay (0,75%) cũng là một sức ép lên các Ngân hàng TƯ ở các nước khác, trong đó có NHNN Việt Nam buộc phải tăng lãi suất theo để tránh đồng tiền mất giá…

Khi FED tăng lãi suất thì cũng làm chi phí vốn trên toàn cầu dịch chuyển, dòng tiền vô tình bị hút ngược về Mỹ do đồng USD mạnh lên.

Theo tôi, đây là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư lo lắng. Chứ không phải do có phiên 3 mới khiến thị trường như vậy.

Còn việc nhà đầu tư đổ lỗi do giao dịch T+2 và muốn quay về T+3 thì theo tôi đây là suy nghĩ rất sai. Vì trên thế giới hiện nay đã là giao dịch T+0 rồi. Từ rất lâu rồi, các nhà đầu tư và thị trường cũng rất hướng đến giao dịch T+0; đặc biệt thị trường chứng khoán Việt Nam muốn nâng hạng thì bắt buộc phải có giao dịch T+0.

Rõ ràng nếu muốn tiến tới một thị trường lành mạnh, phát triển, đa dạng hơn thì phải tiến dần tới T+0. Tuy nhiên, hiện nay T+2 đã là một bước tiến để tốt hơn, chẳng qua là do có những nhà đầu tư từ xưa đến giờ có quan điểm mua rồi thì phải lời 10%, hoặc 20%-30% rồi mới bán, nhưng bây giờ họ không đạt được kỳ vọng này nên mới đổ thừa do T+3.

Tóm lại, do kỳ vọng của nhà đầu tư vào mức sinh lời quá lớn theo lối mòn cũ, cho nên không chấp nhận thực tế hiện tại là tốc độ vòng quay đầu tư của những nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn, hay những nhà đầu tư chuyên về lướt sóng đẩy nhanh hơn.

Theo tôi, chúng ta càng phải hướng đến T+0 để mỗi người đầu tư phải có chiến lược cụ thể hơn, năng động hơn và phải phân tích kỹ hơn về vĩ mô, vi mô, về ngành, thị trường… chứ không phải chỉ quăng một cục tiền vào rồi chờ tăng lời 10%, 20%-30%, hay chờ đội lái để "ăn bằng lần" là những quan điểm rất xưa rồi…

Với bối cảnh nhiều áp lực như trên, ông có nhận định về xu hướng của thị trường thời gian tới?

-Có nhiều lý do khiến tôi tin rằng từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tốt hơn, tích cực hơn.

Thứ nhất, chúng ta chuẩn bị đón nhận kết quả kinh doanh quý 3. Thường quý 2 ít thuận lợi hơn các quý còn lại, trong khi quý 3 thường là tích cực nhất. Tôi tin tưởng với kết quả kinh doanh quý vừa rồi, dù nhiều khó khăn ảnh hưởng xung đột trên thế giới, các chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tăng nhưng doanh nghiệp vẫn đạt mức chấp nhập được thì kết quả quý 3 sẽ tốt, là bản lề cho nhà đầu tư mạnh dạn giải ngân vào bởi các yếu tố tích cực thúc đẩy.

Hiện, giá cổ phiếu đang trở nên hợp lý hơn, với kết quả kinh doanh được đánh giá tốt thì dòng tiền sẽ sớm quay lại thị trường đón đầu xu hướng tăng giá.

Qua tháng 10 thị trường sẽ khởi sắc, nếu không có thông tin tiêu cực đột biến. Chiến lược của FED sẽ giảm dần việc tăng lãi suất vì sẽ không thể mạnh tay tăng hoài, sẽ bóp nghẹt nền kinh tế dẫn tới thay vì lạm phát sẽ chuyển qua suy thoái. Với động thái có thể xuống thang dần, thị trường tài chính thế giới sẽ đón nhận tích cực, nhà đầu tư quay lại trở lại mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem