Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo

Diệu Linh Thứ ba, ngày 28/07/2020 06:00 AM (GMT+7)
Tối 27/7, Tiến sĩ - Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) đã chia sẻ về việc chuẩn bị cho chuyến bay "chưa từng có" của Việt Nam vào 7h sáng 28/7 sang Guinea Xích Đạo đón 219 công dân, trong đó có tới 120 người mắc Covid-19.
Bình luận 0

Xin bác sĩ cho biết, chuyến bay sang Guinea Xích Đạo đón 219 công dân Việt, trong đó có tới 120 bệnh nhân Covid-19 sẽ diễn ra như thế nào? 

Theo sự phân công, êkip nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bao gồm tôi, 1 bác sĩ nữa và 2 điều dưỡng sẽ cùng chuyến bay sang Guinea Xích Đạo để đón bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, mọi trang thiết bị để sẵn sàng đi đón bệnh nhân.

Chuyến bay dài, đông bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn

Theo kế hoạch, 7h mai (28/7) sẽ xuất phát đi đón 120 bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo. Chuyến bay sẽ kéo dài 12 tiếng. Sau khi đến Guinea Xích Đạo, máy bay sẽ được nạp nhiên liệu, êkip nhân viên y tế sẽ đón và thu xếp cho các bệnh nhân lên máy bay, ổn định trong khoảng 2-3 tiếng và sau đó bay về Việt Nam. Dự định trưa 29/7 sẽ về đến Việt Nam.

Chuyến bay đón 219 công dân, trong đó có 120 bệnh nhân Covid-19. Đây là chuyến bay đầu tiên đón bệnh nhân Covid-19 từ nước khác về, chưa từng có tiền lệ. Do đó, các phương tiện chúng tôi mang theo cũng đặc biệt hơn, trong đó có 2 máy thở, 2 máy khí rung kèm theo motor máy theo dõi, bình oxy... những thiết bị chuyên dụng trong cấp cứu.

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 2.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng

Và ngay tại khoang dành cho người bị Covid-19 cũng được chuẩn bị 2 cáng để nếu có bệnh nhân nặng cần xử lý, êkip có thể thực hiện được các thao tác cấp cứu.

Tuy rằng thời gian gấp rút, theo kịch bản ban đầu sẽ bay vào mùng 3/8, nhưng sau lại đẩy lên ngày 28/7, cho nên việc chuẩn bị gấp hơn. Trong mấy ngày nghỉ vừa rồi, chúng tôi đã phải tập rượt, lắp ráp các thiết bị, thảo luận về các tình huống có thể có trên máy bay. Đến giờ thì mọi thứ sẵn sàng để đón bệnh nhân rồi.

Êkip y bác sĩ sẽ làm gì để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19 cũng như người không mắc bệnh?

- Khi lên máy bay, tôi và các đồng nghiệp sẽ phân chia, sàng lọc bệnh nhân nặng- nhẹ để đưa ra các ưu tiên khác nhau, bệnh nhân nặng sẽ cho ngồi lên trên. Và trên chuyến bay cũng sẽ có lưu ý đến các bệnh nhân nặng để kịp thời can thiệp khi có biến cố. Chúng tôi đã chuẩn bị các kịch bản, phân công nhiệm vụ rõ ràng, tuy nhiên trên chuyến bay có thể có các biến cố khác nữa nên chúng tôi sẽ linh hoạt xử lý.

Chuyến bay kéo dài, khoang máy bay hẹp, số lượng bệnh nhân lớn nên dự tính mật độ virus trong không khí và các bề mặt có thể rất đậm đặc, do đó, nguy cơ lây nhiễm virus sang người khác là rất cao.

Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị mọi phương án, kịch bản, kinh nghiệm đưa ra để tránh nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe bệnh nhân và hành khách không bị bệnh, những người đi theo. Trên máy bay, chúng tôi chia làm các khu: khu bệnh nhân, khu thứ 2 là người chưa bị bệnh, khu thứ 3 dành cho nhân viên y tế và khu thứ 4 là phi hành đoàn. Như vậy sẽ hạn chế tiếp xúc tối đa.

Chúng tôi đã làm việc rất kỹ với Cục hàng không nhất là bộ phận kỹ thuật nên đã có các giải pháp để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nhất.

Ngoài ra, với sự giúp đỡ của các kỹ sư ĐH Bách Khoa, trên máy bay sẽ lắp 1 buồng áp lực dương, trong đó không khí sẽ được lọc sạch, có thể lọc cả virus để phục vụ một số nhu cầu thiết yếu cho nhân viên y tế, phi hành đoàn khi phải cởi khẩu trang, thiết bị bảo hộ. Chuyến bay chiều đi kéo dài khoảng 12 tiếng, chiều về khoảng 15 tiếng. 

Nguy cơ 12-15 tiếng trong 1 không gian hẹp trên máy bay cùng với 120 bệnh nhân, thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao. Tuy nhiên cũng không thể mặc bảo hộ trong suốt 12-15 tiếng được, có lúc phải bỏ khẩu trang để ăn, do đó  với buồng "an toàn" chúng tôi hy vọng giảm thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.

Bác sĩ Hùng: được giao nhiệm vụ trên chuyến bay đặc biệt này, tôi tự hào nhưng cũng lo lắng

Như bác sĩ chia sẻ, nguy cơ lây nhiễm trên máy bay "dày đặc" bệnh nhân Covid-19 là rất lớn, tâm trạng của bác sĩ trước chuyến bay như thế nào?

Đây là chuyến bay đông bệnh nhân, tới 120 người, trong đó cũng có ít nhất 5-7 bệnh nhân nặng. Do đó, cần phải có bác sĩ có kinh nghiệm để xử trí các tình huống, trong đó xấu nhất là bệnh nhân trở nặng phải cấp cứu nên Bệnh viện đã lựa chọn bác sĩ ở khoa Cấp cứu, nơi chuyên xử lý các tình huống cấp cứu nhanh, độ chính xác cao.

Khi được Ban lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tin tưởng, trao nhiệm vụ đi cùng chuyến bay đón bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo về, tôi rất sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bên cạnh tự hào thì cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, bản thân tôi và đồng nghiệp đều xác định đi theo chuyến bay là có thể bị nhiễm bệnh mà nguy cơ này rất cao, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng đón nhận thôi.

Chuyến bay này là chuyến đầu tiên chuyên đón công dân Việt Nam mắc Covid-19 về nước. Tuy nhiên, tôi biết tới đây có thể có các chuyến bay đón bệnh nhân nữa nên, sau chuyến bay này chúng tôi mong rằng sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để giúp ích cho các chuyến sau.

Gia đình bác sĩ có lo lắng khi con mình bay một chuyến bay đặc biệt và làm nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm như thế này không?  

Khi con chọn nghề này thì bố mẹ tôi cũng hiểu và thông cảm với những nguy hiểm của nghề nghiệp, nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm, không bệnh này thì bệnh khác.  Từ đầu mùa dịch, tôi đã xa gia đình để "trực chiến" trong bệnh viện. 

Khoa Cấp cứu cũng là nơi đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam. Nên về mặt tâm lý thì bố mẹ tôi cũng không quá căng thẳng, tất nhiên lo lắng thì có lo nhưng ông bà vẫn luôn động viên mình yên tâm công tác, tự bảo vệ mình cho tốt.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Những hình ảnh sáng sớm 28/8, ekip bác sĩ khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chuyển trang thiết bị y tế để chuẩn bị ra sân bay, làm nhiệm vụ đặc biệt đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo (Châu Phi) về nước: 

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 4.

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 5.

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 6.

Rất nhiều trang thiết bị y tế phục vụ cho cấp cứu đã được mang theo

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 7.

Tân Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trung Cấp (đứng giữa) đã ra tiễn đoàn. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng đứng thứ 2 từ trái qua phỉa). Ảnh: Thanh Đặng

Chuyến bay "chưa từng có" đón 120 bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích Đạo - Ảnh 8.

Ekip các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và phi hành đoàn trước giờ lên máy bay


Theo kế hoạch, ngày 29/7, 219 công dân Việt Nam sẽ về nước, trong đó có 120 bệnh nhân Covid-19. Bệnh nhân và người cách ly sẽ được chia vào 3 khoa của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) để điều trị và cách ly. Bệnh viện đã có những phương án để chuẩn bị máy thở và phương tiện ECMO, sẵn sàng ứng biến tùy theo tình huống cụ thể.

Ngoài ra, bệnh viện bố trí khoảng 250 nhân viên, bao gồm cả y - bác sĩ, bảo vệ, nhân viên vệ sinh, hậu cần. Tất cả sẽ cách ly tại viện để tránh nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. Các nhóm sẽ được chia lịch để trực, thay phiên nhau, đảm bảo giữ sức khỏe để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất.

Trước đó, Bệnh viện cũng đã thông báo dừng đón bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở 2 Kim Chung để dành toàn bộ bệnh viện để đón tiếp và điều trị bệnh nhân từ Guinea Xích Đạo trở về.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem